Mỹ triển khai ra đa sẵn sàng trước mối đe dọa tên lửa Triều Tiên

12/01/2017 11:09

(Baonghean.vn) - Lầu Năm Góc vừa triển khai ra đa công nghệ cao để theo dõi khả năng Triều Tiên phóng tên lửa tầm xa trong những tháng tới, nguồn tin từ một quan chức quốc phòng Mỹ hôm 12/1 cho hay.

Hệ thống ra đa X-band (SBX 1) đi qua vùng biển của căn cứ chung Trân Châu Cảng-Hickam.
Hệ thống ra đa X-band (SBX 1) đi qua vùng biển của căn cứ chung Trân Châu Cảng-Hickam.

Đây là phản ứng về mặt quân sự đầu tiên của Mỹ trước tuyên bố của Bình Nhưỡng rằng nước này có thể phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Hệ thống ra đa X-band (SB-X) có khả năng theo dõi các vụ phóng tên lửa tầm xa và cung cấp dữ liệu quan trọng.

Ra đa này được đặt tại cảng ở Hawaii, đã từng triển khai vài lần trong quá khứ nhằm giám sát hoạt động tên lửa của Triều Tiên. Nhưng nó chỉ có thể ở trên biển trong một khoảng thời gian nhất định chưa được công bố, vì vậy giới chức quân sự tìm cách tính toán những thời điểm quan trọng nhất.

Thông thường SB-X được đưa tới phía Bắc Hawaii và đặt giữa chặng đường tới Alaska, để có được điểm tối ưu nhằm theo dõi khả năng Triều Tiên phóng tên lửa hướng đến Alaska, Guam hoặc Bờ Tây của nước Mỹ.

Giới chức quốc phòng đang nhấn mạnh rằng nếu Triều Tiên sắp sửa tiến hành một vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa, nó sẽ bị một hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ bắn hạ.

Bộ trưởng Quốc phòng nói với báo giới hôm 10/1: “Nếu tên lửa là mối đe dọa, nó sẽ bị chặn đứng. Nếu không, chúng tôi không nhất thiết phải làm vậy. Trước hết, chúng tôi sẽ có lợi hơn nếu tiết kiệm được kho đánh chặn, và thứ nữa là thu thập tin tức tình báo từ hành trình bay thay vì làm điều đó (bắn hạ nó) khi nó không mang tính đe dọa”.

Ra đa SB-X sẽ giúp Mỹ tăng năng lực thu thập dữ liệu về loại tên lửa đó.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un mới đây cho biết vụ phóng thử tên lửa ICBM đang ở trong các giai đoạn cuối cùng.

Giới chức Mỹ tiếp tục khẳng định họ không tin người Triều Tiên đã sở hữu công nghệ cần thiết để đưa tên lửa quay trở lại bầu khí quyển.

Đến nay, đã có các vụ phóng tên lửa tầm xa 3 giai đoạn với một vệ tinh ở mũi trước được đẩy vào không gian. Theo quan chức Mỹ, 2 công nghệ này có nhiều nét tương đồng, nhưng việc thành công gắn đầu đạn vẫn chưa được chứng thực.

Phú Bình

(Theo CNN)

TIN LIÊN QUAN