Xã Nam Lộc (Nam Đàn): Phát huy nội lực xây dựng nông thôn mới
(Baonghean) - Là xã đặc thù thuộc vùng bán sơn địa còn nhiều khó khăn của huyện Nam Đàn, với bước đi đúng, sáng tạo, Nam Lộc đã "thay da, đổi thịt" xây dựng thành công xã nông thôn mới.
Tạo chuyển dịch trong phát triển kinh tế
Bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (XDNTM), xã Nam Lộcchỉ đạt 6/19 tiêu chí. Xác định rõ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới là chương trình lớn của Đảng, Nhà nước và là thời cơ để các vùng nông thôn có cơ hội để phát triển. Bởi vậy, ngay sau khi chương trình được triển khai, xã đã khẩn trương thành lập các ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy đã kịp thời ban hành Nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo. Công tác tuyên truyền được xã đặt lên hàng đầu nhằm tạo sự chuyển biến nhận thức trong nhân dân. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, đại bộ phận nhân dân trong xã đều nhiệt tình hưởng ứng, tham gia đóng góp vào chương trình XDNTM trên địa bàn.
Đường giao thông được đầu tư nâng cấp. |
Để có được bộ mặt khang trang từ công trình phúc lợi đến giao thông, đồng ruộng, chỉnh trang khu dân cư,... thì nhiệm vụ hàng đầu là phải làm tốt công tác xây dựng quy hoạch và công bố quy hoạch theo đúng hướng dẫn như: Quy hoạch sử dụng đất và hạ tầng thiết yếu cho phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ; Quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội - môi trường; Quy hoạch phát triển các khu dân cư. Trên cơ sở tập trung ưu tiên những tiêu chí chưa đạt, củng cố và nâng thêm các tiêu chí đã đạt theo lộ trình hợp lý được bàn bạc công khai, dân chủ đến tận người dân.
Trong quá trình thực hiện các tiêu chí xã NTM, việc phát triển kinh tế là một trong những nhiệm vụ được Đảng bộ, chính quyền hết sức quan tâm. Phát huy lợi thế vùng bán sơn địa, hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi cho sự phát triển, có núi, sông, đồng, bãi, xã đã tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hàng hóa, đẩy mạnh thâm canh, xây dựng cách đồng mẫu lớn, liên doanh, liên kết với doanh nghiệp, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, để tăng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích đất canh tác. Từ đó, xây dựng các mô hình sản xuất, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế như trang trại, gia trại chăn nuôi tổng hợp, ngô làm thức ăn cho bò sữa, kinh tế vườn, vườn đồi. Đối với lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, xã duy trì và đẩy mạnh các nghề mộc, gò hàn, sản xuất bún, bánh, xây dựng... giá trị sản xuất năm 2016 ước tăng 79% so với năm 2010, bình quân tăng 14%/năm.
Làng quê xã Nam Lộc. |
Song song với việc phát triển công nghiệp - xây dựng, xã chú trọng phát triển dịch vụ thương mại như dịch vụ ăn uống, hàng tiêu dùng, tín dụng. Tổng giá trị sản xuất ngành dịch vụ - thương mại hàng năm tăng cao, ước năm 2016 đạt 14,5 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2010. Toàn xã có 115 hộ làm dịch vụ buôn bán, 3 doanh nghiệp, 8 xe ô tô vận tải; 1 HTX dịch vụ nông nghiệp hoạt động có hiệu quả. Đồng thời, xã tập trung thực hiện đẩy mạnh xuất khẩu lao động, tạo việc làm. Đến nay, toàn xã hiện có 450 người đang làm việc ở nước ngoài, hàng năm đưa về khoản thu nhập từ 30 - 35 tỷ đồng.
Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ
Cùng với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa, giáo dục luôn được xã quan tâm. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa được nhân dân hưởng ứng tích cực. Tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 86%; có 8/10 xóm đạt danh hiệu xóm văn hóa. Lĩnh vực giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực. Chất lượng dạy và học ngày càng được nâng cao. Là xã duy nhất ở huyện có 2/3 trường học đạt chuẩn Quốc gia. Công tác khuyến học, khuyến tài được quan tâm, tại 10/10 xóm các dòng họ có quỹ khuyến học. Xã quan tâm thực hiện tốt công tác y tế, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, với việc ban hành đề án thu gom và xử lý rác thải tập trung, đến nay xã cơ bản đảm bảo môi trường xanh - sạch - đẹp. Với sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, không để điểm nóng, bất ngờ xảy ra.
Thu nhập bình quân đầu người của Nam Lộc tăng từ 13,5 triệu đồng năm 2010 lên 35,2 triệu đồng năm 2016. Tỷ lệ hộ nghèo đến nay chỉ còn 3,16%; tỷ lệ hộ khá, hộ giàu tăng nhanh. |
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình XDNTM là xã đã chủ trương xây dựng cơ sở hạ tầng khang trang. Khi xây dựng các công trình nông thôn mới, Nam Lộc thực hiện theo nguyên tắc tập trung, dân chủ. Đảng ủy, chính quyền đã tranh thủ tốt các nguồn vốn để đầu tư xây dựng hạ tầng. Đặc biệt, với sự đồng thuận nhất trí cao về chủ trương XDNTM, nhân dân đã tích cực, tự nguyện đóng góp hàng chục tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng để phục vụ dân sinh đi đôi với phát triển kinh tế của địa phương. Qua hơn 5 năm thực hiện đã huy động với tổng số kinh phí 219,1 tỷ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp 175,6 tỷ đồng, chiếm trên 80%. Cụ thể, xã đã xây mới 1 trường học cao tầng; đang triển khai xây dựng mới trạm y tế 2 tầng, trên 20km đường trục xã, xóm, 6,8km mương thoát nước ven đường 15B và một số đường xóm và 6,5km kênh mương; mở rộng và nâng cấp 25km đường nội đồng; Xây dựng mới nhà văn hóa xã với 350 chỗ ngồi, tu sửa và làm mới 10 nhà văn hóa xóm, bổ sung 4 trạm điện, nâng cấp toàn bộ hệ thống điện hạ thế; Chỉnh trang nhà cửa và xây mới nhà dân trên 60 tỷ đồng. Điều đáng ghi nhận là trong quá trình xây dựng có trên 400 hộ dân đã tự nguyện bàn giao lại đất, hiến đất, tháo dỡ công trình và đóng góp hàng chục ngàn ngày công để phục vụ XDNTM.
Cùng với đó, xã Nam Lộc đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng được một hệ thống chính trị vững mạnh. Liên tục trong nhiều năm, Đảng bộ được công nhận TSVM, năm 2016 đạt TSVM tiêu biểu. Đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực, trình độ, tinh thần trách nhiệm cao, chính quyền hàng năm đều được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ, MTTQ và các tổ chức thành viên liên tục được xếp loại xuất sắc.
Phát huy lợi thế vùng bán sơn địa, Nam Lộc (Nam Đàn) tập trung phát triển kinh tế vườn đồi. |
Đạt được kết quả như hôm nay, yếu tố quan trọng nhất đó là sự đoàn kết, nhất trí giữa ý Đảng và lòng dân, đặc biệt là người dân xác định rõ trách nhiệm chủ thể của mình trong xây dựng nông thôn mới. Xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số giải pháp cụ thể như: Tiếp tục tuyên truyền để cán bộ và nhân dân trong xã nhận thức sâu hơn về ý thức, trách nhiệm xây dựng quê hương khi đạt nông thôn mới, từ đó quyết tâm phấn đấu xây dựng nông thôn bền vững.
Tiếp tục rà soát các tiêu chí còn đạt thấp, xây dựng kế hoạch tiếp tục phấn đấu nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới. Phát triển kinh tế toàn diện, phát huy lợi thế để đầu tư chuyển đổi mạnh cơ cấu kinh tế, tiếp tục có các cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư máy móc, khoa học kỹ thuật để cơ giới hóa nông nghiệp; thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm cho lao động nông thôn. Xây dựng hệ thống chính trị thật sự vững mạnh, nâng cao năng lực trách nhiệm của cán bộ, công chức trong xử lý công việc cho người dân theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Những kết quả bước đầu đạt được hôm nay là tiền đề, là động lực để Nam Lộc tiếp tục phát huy tính dân chủ, đoàn kết, huy động sức mạnh tập thể từ người dân, huy động mọi nguồn lực, nhằm không ngừng hoàn thiện các tiêu chí một cách bền vững và có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội trong giai đoạn mới.
Hoàng Nghĩa Hùng
(Chủ tịch UBND xã Nam Lộc)
TIN LIÊN QUAN |
---|