Liên tiếp ký sắc lệnh, Trump có thể trật bánh

27/01/2017 18:41

Việc Nhà Trắng không tham khảo nhiều cơ quan và các nghị sĩ có thể khiến chính quyền mới ban các sắc lệnh hành pháp khiếm khuyết, kém khả thi, thậm chí bất hợp pháp.

Tổng thống Donald Trump ký một sắc lệnh hành pháp ở phòng Bầu Dục, Nhà Trắng, ngày 23/1. Ảnh: Getty.
Tổng thống Donald Trump ký một sắc lệnh hành pháp ở phòng Bầu Dục, Nhà Trắng, ngày 23/1. Ảnh: Getty.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump hầu như không tham khảo ý kiến của các quan chức liên bang hay nhà lập pháp khi tiến hành một loạt biện pháp hành pháp trong tuần qua. Điều này dấy lên lo ngại rằng Nhà Trắng đang và sẽ tạo ra những sắc lệnh khiếm khuyết, kém khả thi hay thậm chí bất hợp pháp.

Hành động độc lập và lặng lẽ

Đội ngũ ông Trump đã không hỏi ý kiến các chuyên gia của Bộ Ngoại giao về sắc lệnh tái khởi động đường ống Keystone XL, mặc dù công ty muốn xây đường ống dẫn dầu này đang kiện chính phủ Mỹ và yêu cầu khoản bồi thường 15 tỷ USD.

Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia CIA Mike Pompeo thì bị "phủ đầu" bởi dự thảo sắc lệnh nhằm cân nhắc việc sử dụng những kỹ thuật thẩm vấn vốn bị cấm như tra tấn.

Chỉ một số nhỏ quan chức trong Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh biết về sắc lệnh chống lại đạo luật Obamacare. Tin tức tới tai họ đúng vào đêm trước khi các bản ghi nhớ được công bố.

Các thành viên chủ chốt của Quốc hội cũng không được tham khảo ý kiến. Tại một hội nghị ở Philadelphia, các nghị sĩ đảng Cộng hòa nói không rõ liệu các sắc lệnh mới ban hành có vi phạm luật pháp hay không, bởi họ chưa từng xem chúng.

Tổng thống Trump ký sắc lệnh hành pháp về việc xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone XL ngày 24/1. Ảnh: AP.
Tổng thống Trump ký sắc lệnh hành pháp về việc xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone XL ngày 24/1. Ảnh: AP.

Việc tân Tổng thống Trump liên tục ban hành các mệnh lệnh hành pháp với tốc độ chóng mặt có thể làm hài lòng những người ủng hộ ông. Tuy nhiên, giới phê bình đặt câu hỏi có phải các tài liệu này được thông qua quá vội vã.

Chính quyền Trump đã không có sự tham vấn cần thiết từ chuyên gia của các cơ quan và các nhà lập pháp. Các biện pháp của Trump có khả thi hay không, liệu chính phủ liên bang có thể thu hàng tỷ USD từ những thành phố không tuân thủ sắc lệnh hành pháp về nhập cư? Đó là điều mà các chuyên gia pháp lý chưa rõ.

"Để biết khi nào bạn đang đối mặt với những vấn đề quan trọng, nhiều rủi ro, hãy lấy những thông tin tốt nhất từ lượng chuyên gia đông đảo trong chính phủ", Max Stier, người đứng đầu tổ chức phi lợi nhuận Partnership for Public Service, cho biết.

Nhà Trắng hiện chưa đưa ra bình luận về vấn đề này.

Lãnh đạo theo phong cách CEO

Gần một tuần làm tổng thống, Donald Trump đang phát huy phong cách lãnh đạo ngẫu hứng mà ông từng dùng để điều hành công ty, chiến dịch tranh cử và quá trình chuyển giao quyền lực. Tân tổng thống chỉ dựa vào một nhóm nhỏ các cố vấn tin cậy trước khi hành động dứt khoát.

Những người thân cận với kế hoạch của Trump cho biết ông muốn mỗi sự kiện thường ngày phải thể hiện rằng ông đang thực hiện mạnh mẽ những cam kết khi tranh cử.

"Ông ấy quyết tâm cho mọi người thấy nỗ lực hành động từ ngày đầu tiên", một trong những người biết rõ kế hoạch của tân tổng thống, nói.Trump muốn chứng tỏ ông là người có trách nhiệm, đồng thời gửi thông điệp cho những người ủng hộ rằng thời của Barack Obama đã hoàn toàn chấm dứt. Nhưng quá trình này đang gây ra sự hỗn loạn bên trong Nhà Trắng cũng như toàn bộ chính phủ liên bang.

Các sắc lệnh chóng vánh và thiếu cẩn trọng

Các nhân viên nói rằng ở khu Cánh Tây của Nhà Trắng, một số trợ lý không thể tiếp cận nội dung các sắc lệnh hành pháp. Người viết các sắc lệnh này là Stephen Miller, cố vấn chính sách cấp cao của Trump ở Nhà Trắng và Steve Bannon, chiến lược gia trưởng của tổng thống.

Trong đó, ý tưởng của một số sắc lệnh đến từ các quan chức chuyển giao quyền lực và tập hợp những người được gọi là "nhóm hạ cánh". Họ không phải nhân sự của Nhà Trắng.

Stephen Miller (sau) và Steve Bannon, hai nhân vật thân cận của ông Trump, được cho là những người viết các sắc lệnh hành pháp của tổng thống. Ảnh: Getty.
Stephen Miller (sau) và Steve Bannon, hai nhân vật thân cận của ông Trump, được cho là những người viết các sắc lệnh hành pháp của tổng thống. Ảnh: Getty.

Chính quyền Trump đã ban hành một loạt sắc lệnh theo cách hết sức chóng vánh chỉ trong vòng chưa đầy một tuần. Mặt khác, việc "một chính phủ vận hành bằng các sắc lệnh hành pháp không phải là kế hoạch bền vững", David Vladeck, giáo sư luật tại Đại học Georgetown, cựu quan chức Ủy ban Thương mại Liên bang, cho biết.

Ngược lại, Nhà Trắng dưới thời Obama xây dựng các bản ghi nhớ thông qua một quy trình tỉ mỉ kéo dài hàng tuần, với việc tiếp nhận phản hồi từ các cơ quan và các nhà lập pháp, theo một cựu quan chức. Đôi khi chính quyền Obama còn yêu cầu các chuyên gia luật tư nhân kiểm tra, rà soát các sắc lệnh.

Việc Tổng thống Trump thoải mái sử dụng quyền hành pháp trong vài ngày qua cũng là một sự mỉa mai với chính ông. Trước đây, ông và các nghị sĩ Cộng hòa trong Quốc hội từng phản đối mạnh mẽ việc cựu Tổng thống Obama tăng cường sử dụng các biện pháp hành pháp.

Tổng thống Donald Trump ký một sắc lệnh hành pháp ở phòng Bầu Dục, Nhà Trắng, ngày 23/1. Ảnh: Getty.
Tổng thống Donald Trump ký một sắc lệnh hành pháp ở phòng Bầu Dục, Nhà Trắng, ngày 23/1. Ảnh: Getty.

Cựu lãnh đạo phe đa số ở Thượng viện Trent Lott, hiện là nhà vận động hành lang, nói ông vẫn luôn quan ngại sâu sắc về bất cứ biện pháp hành pháp "hung hăng" nào, dù của phe Cộng hòa hay Dân chủ.

"Chúng ta không muốn có một tổng thống hống hách", ông Lott nói. "Đó không phải là cách tốt nhất để vận hành (đất nước). Về điều này, Quốc hội cần phải xem xét cẩn trọng. Chúng ta đã để cho tổng thống trở nên quá quyền lực".

Bộ Ngoại giao Mỹ từng cân nhắc kỹ lưỡng vấn đề đường ống dẫn dầu Keystone XL trong nhiều năm trước khi Obama từ chối xây dựng nó. Tổng thống Trump lại không tham khảo các chuyên gia của bộ dù thực tế đây là một dự án phức tạp.

Sắc lệnh mới của Trump mời công ty TransCanada tái nộp đơn xin giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, hiện chưa rõ sắc lệnh này xử lý thế nào khoản bồi thường 15 tỷ USD mà công ty Canada kiện chính phủ Mỹ theo Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).

Theo Keith Benes, cựu luật sư Bộ Ngoại giao từng tham gia xử lý vụ Keystone, việc Nhà Trắng ban hành sắc lệnh liên quan đến vụ kiện lớn và phức tạp như vậy mà không tham vấn đầy đủ từ những người có liên quan "không đơn thuần chỉ là hành động khác thường".

"Đó là hành động một cách cẩu thả", ông Benes cho biết.

Ông Trump có thể còn gặp rắc rối với sắc lệnh hành pháp về vấn đề nhập cư khi đưa ra lời hứa to tát mà không làm rõ cuối cùng ai sẽ trả hóa đơn xây bức tường ngăn người nhập cư. Trong khi việc xây dựng bức tường dọc biên giới với Mexico có thể ngốn ít nhất 20 tỷ USD.

Theo Zing.vn

TIN LIÊN QUAN