Cấp thiết chuyển đổi nghề trước sự phát triển công nghệ

30/12/2016 09:45

Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 sẽ tác động lớn đến các ngành nghề sử dụng nhiều lao động. Để đảm bảo việc làm cho người lao động không chỉ Nhà nước, doanh nghiệp, mà chính người lao động cũng cần sớm tự nâng cao trình độ, kỹ năng nghề.

Theo khảo sát “Xu hướng thị trường lao động Việt Nam trong giai đoạn chuyển đổi” của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có gần 5 triệu lao động trong lĩnh vực dệt may, điện tử, bán lẻ sẽ bị tác động.

Công nhân dệt may, điện tử có nguy cơ cao

Theo bà Đào Thị Thu Hiền, Chánh văn phòng Công ty Canon Việt Nam, cách đây 7 năm, nhà máy Canon Thăng Long (huyện Đông Anh, Hà Nội) có 13.000 nhân viên, hiện giảm xuống còn 8.000 người; nhưng doanh thu, sản lượng vẫn ổn định. Nguyên nhân việc giảm lao động là do nhiều công đoạn sản xuất đã dùng robot thay thế cho người lao động. “Trong quá trình vận hành, những kỹ sư của công ty sử dụng linh kiện và công nghệ cốt lõi lắp thành máy tự động thay thế vị trí con người”, bà Đào Thị Thu Hiền cho biết.

Một lớp học nghề may công nghiệp tại ngoại thành Hà Nội.

» 23 người Việt có năng suất lao động bằng 1 người Singapore

Bà Nguyễn Thiên Lý, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cho rằng: “Xu hướng sử dụng công nghệ máy móc thay thế lao động là tất yếu trong cạnh tranh để giảm giá thành. Trong vài năm gần đây, công ty đã phải đầu tư thiết bị công nghiệp để giảm áp lực về lao động. Ví dụ, như đầu tư một máy cắt tự động có thể tiết kiệm từ 12-15 lao động, một số trang thiết bị khác cũng giúp giảm được từ 2-3 lao động”.

“Ngành dệt may của Việt Nam trong năm qua rất khó khăn do giá thành nhân công Việt Nam tăng, trong khi ưu đãi về thuế quan không còn như trước; với việc áp dụng công nghệ mới, giúp giảm nhân công, sẽ giúp tháo gỡ phần nào khó khăn này”, bà Nguyễn Thiên Lý phân tích.

Theo khảo sát của Tổ chức lao động thế giới (ILO), trong năm 2015, để đáp ứng xu thế hội nhập, một số nhà máy hoạt động trong lĩnh vực may mặc có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã đưa công nghệ mới vào sử dụng, thay thế cho 10 -15 lao động trong từng công đoạn.

Và thời gian tới, theo nghiên cứu của ILO về “ASEAN trong giai đoạn chuyển đổi - công nghệ đang thay đổi việc làm”, 86% số người lao động Việt Nam trong ngành dệt may, da giày có thể phải đối mặt với nguy cơ mất việc cao do tự động hóa. Cùng với đó, 3/4 lao động trong ngành điện - điện tử có thể sẽ bị thay thế bởi robot.

Chỉ 20,6% lao động có bằng cấp

Theo ông Đào Văn Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động Xã hội (Bộ LĐTBXH), toàn cầu hóa và cách mạng khoa học công nghệ đang đặt ra những thách thức về thị trường lao động. Trong tổng số hơn 54 triệu lao động trong cả nước, chỉ có hơn 11,2 triệu lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ, chiếm 20,6%. Đáng lưu ý là lao động được đào tạo trong ngành kỹ thuật, công nghệ còn chiếm tỉ trọng thấp và đang thiếu hụt lao động có trình độ kỹ thuật cao, công nhân lành nghề, đặc biệt là trong lĩnh vực cơ khí, điện tử, kỹ thuật điện hoặc lao động trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp, tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin, tự động hóa.

Theo thống kê, năng suất lao động của Việt Nam tính theo sức mua tương đương chỉ bằng 5,6% Singapore; 8,3% Nhật Bản; 15,2% Malaysia; 36,3% Trung Quốc; 36,9% Thái Lan và bằng 54,3% Philippines. Nếu giữ nguyên tốc độ tăng năng suất lao động như những năm qua, Việt Nam sẽ mất nhiều chục năm nữa để bắt kịp các nước trong ASEAN cũng như các nước tiên tiến khác trên thế giới.

Bà Nguyễn Thiên Lý cho biết: Hầu hết các lao động khi vào doanh nghiệp đều phải đào tạo lại. Máy móc thay thế con người thực sự là thách thức cho các doanh nghiệp về giải quyết việc làm. Doanh nghiệp rất mong nhà nước hỗ trợ cho các doanh nghiệp đào tạo lao động có chất lượng, nếu không thì phải đào tạo lại, rất tốn kém.

“Doanh nghiệp không chỉ là chủ thể đầu tư mà cần trực tiếp tham gia vào giảng dạy đào tạo, rút ngắn khoảng cách giữa thị trường, chính bản thân môi trường làm việc tại doanh nghiệp cũng là trường học cho người lao động”, ông Vũ Tiến Lộc đánh giá.

Kỹ năng lao động đóng vai trò quan trọng, nhưng hiện không phù hợp với thị trường lao động do nhiều nguyên nhân khác nhau. Ông Đào Quang Vinh cho rằng: Qua phân tích bản tin thị trường lao động hàng quý thì những kỹ năng mà doanh nghiệp cần gồm cả kỹ năng kỹ thuật và kỹ năng cốt lõi như khả năng tư duy sáng tạo, ngoại ngữ, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, người lao động hiện thiếu các kỹ năng cốt lõi ở mức nghiêm trọng. Các kỹ năng kỹ thuật có thể được đào tạo tại doanh nghiệp nhưng các kỹ năng cốt lõi cần cả một quá trình đào tạo để có thể đạt được.

Ông David Lamotte, Phó Giám đốc ILO khu vực châu Á - Thái Bình Dương: Việt Nam nên cải thiện kỹ năng cần thiết cho lực lượng lao động thông qua việc phối hợp giữa các nhà hoạch định chính sách, người sử dụng lao động và các cơ sở đào tạo để hiện đại hóa hệ thống phát triển kỹ năng nghề, đón đầu những xu hướng thay đổi ở nơi làm việc và những đổi mới công nghệ.

Bà Trần Lan Anh, Phó giám đốc Văn phòng giới sử dụng lao động (VCCI): Các doanh nghiệp trong nước đánh giá lạc quan hơn về giáo dục phổ thông và đào tạo nghề so với các doanh nghiệp nước ngoài. Các doanh nghiệp nước ngoài gặp nhiều khó trong vấn đề tuyển dụng lao động, đặc biệt là đối với các công việc kỹ thuật và quản lý. Các doanh nghiệp có chung kiến nghị là cần nâng cao chất lượng của lực lượng lao động; cải thiện đào tạo nghề; xây dựng liên kết giữa các cơ sở giáo dục, đào tạo, trường cao đẳng với các người sử dụng lao động tại địa phương và củng cố các mối quan hệ lao động tại nơi làm việc.

Theo Xuân Cường/baotintuc

TIN LIÊN QUAN