Tộc người ngủ ngồi dùng đá cuội để đếm tuổi

13/02/2017 09:52

(Baonghean.vn)- Trước khi biết đến có lịch, người Đan Lai ở miền tây Nghệ An vẫn sử dụng đá cuội cho vào túi vải để đếm tuổi của mọi người trong gia đình.

Một hình ảnh trong đám tang người Thái ở Nghệ An. Ảnh: Hữu Vi
Một hình ảnh trong đám tang người Thái ở Nghệ An. Ảnh: Hữu Vi

Những chiếc túi vải đựng đá từng là thứ quan trọng đối với ông La Văn Liệu, dân tộc Đan Lai, trú quán bản Cò Phạt, xã Môn Sơn, Con Cuông (Nghệ An). Ông có đến hơn chục chiếc túi. Sau một năm lại bỏ vào đó một hòn đá cuội. Đó là cách ông tính tuổi cho từng người trong nhà. Ông lão có đến 13 đứa con không nhớ hết ngày sinh tháng đẻ của từng người. Chỉ nhớ tuổi qua số đá trong túi.

Đan Lai là tộc người ngủ ngồi nổi tiếng ở miền Tây xứ Nghệ, sống hoàn toàn biệt lập với thế giới bên ngoài trong vùng lõi của rừng Quốc gia Pù Mát. Sau khi được phát hiện và đưa dần ra khỏi rừng, người Đan Lai mới tiếp xúc với văn minh tiến bộ. Ông La Văn Liệu cho biết, đến khi lịch, giấy khai sinh, hộ khẩu trở nên thịnh hành, ông mới bỏ dần những cái túi đá. Bây giờ nhớ lại, ông lão chỉ cười nhẹ nhõm. Những cách tính tuổi cổ xưa này giờ đã vào quá vãng.

Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Không chỉ với người Đan Lai, những hòn đá cuội vô tri từ lâu đã trở thành thân thuộc với các cộng đồng người vùng cao. Trước nay, khi tiễn con trai lên đường tòng quân, một bà mẹ người Thái có thói quen bỏ vào ba lô một hòn cuội nhỏ đã kỳ sạch. Bà mẹ dặn dò con mang theo để nguôi nỗi nhớ nhà, để vững dạ mà hoàn thành nghĩa vụ. Hòn cuội giúp cho người đi xa không bị lạ nước, "ngã nước", tránh được bệnh tật khi đến vùng đất khác. Có người con dặn con nhớ bỏ hòn cuội nhỏ vào ấm nước khi đang đun cũng là cách tốt để bản thân không bị lạ nước khi đến vùng đất khác.

Người vùng cao khi về với tổ tiên, nơi yên nghỉ là khu rừng ma ở cạnh bản. Trước khi tiễn một người nằm xuống về với đất mẹ, người ta chọn hai hòn đá chôn hai đầu ngôi mộ. Người Thái ở Con Cuông gọi là “táng”. Vùng Quế Phong gọi là “điếng”. Một ngôi mộ của người Thái vùng cao không thể thiếu hai hòn đá chôn ở mỗi đầu ngôi mộ. Đó cũng là thứ không ai được xâm phạm vì sẽ làm kinh động đến giấc ngủ thiên thu của người đã khuất.

Ngày xưa, người Thái chôn cất người chết xong không bao giờ trở lại ngôi mộ và khu rừng ma nữa. Khi rời bản đi, những khu rừng ma cũng bị bỏ quên. Chỉ khi một ai đó đến phá rẫy làm nương, phát hiện thấy hòn đá chôn đầu ngôi mộ mới biết được chốn yên nằm của người đã khuất. Người ta bảo nhau không động đến hòn đá “táng”. Người làm rẫy thắp hương khấn xin người đã khuất hãy yên nghỉ và phù hộ cho người sống làm ăn thuận lợi.

Con trai lớn thường là người vác hòn đá “táng” ra ngôi mộ. Ảnh: Hữu Vi
Con trai lớn thường là người vác hòn đá “táng” ra ngôi mộ. Ảnh: Hữu Vi

Ông Lang Văn Cường ở xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong (một vùng cư trú lâu đời của cộng đồng người Thái) là người hứng thú với phong tục của cộng đồng. Ông dày công ghi chép được khá nhiều tư liệu trong đó có tục ma chay của người Thái vùng Cắm Muộn.

“Hòn đá “điếng” là thứ quan trọng nhất của ngôi mộ.” – ông lão tuổi đã ngoài lục tuần nói. Khi có người chết, người con trai hoặc thân thích nhất của người quá cố lên núi chọn đá đem chôn cạnh mộ người thân. Người ta làm lễ khấn xin đá. Sau đó khắc thông tin về người quá cố lên một phiến đá bằng chứ Thái như khi người ta khắc bia mộ.

Hòn đá chôn cạnh mộ được người con trai lớn hoặc là người thân cận nhất với người quá cố vác đi. Sau khi đã hạ huyệt, người ta làm lễ chôn đá xuống cạnh mộ mới đi về.

Ngày nay, người Thái đã biết chăm sóc phần mộ người thân vào dịp cuối năm. Hòn đá chôn cạnh mô vẫn được gìn giữ kỹ.

Hữu Vi