Tết đủ đầy, xuân sum vầy của người Việt tại Nga

28/01/2017 11:50

(Baonghean.vn) - Đêm Giao thừa và những ngày đầu xuân, cộng đồng người Việt Nam Liên bang Nga đã diễn ra nhiều hoạt động đón Tết cổ truyền.

Với họ, Tết là một quây quần bên nhau với những chiếc bánh chưng, khoanh giò lụa tự làm, chúc nhau những điều tốt đẹp, tiếp thêm năng lượng tinh thần cho những người xa xứ nhiều thế hệ.

Từ thủ đô Moskva, Nguyễn Trung Hiếu, hiện đang theo học chương trình Thạc sĩ tại trường Đại học hữu nghị các dân tộc Liên bang Nga, cho biết: Do kinh tế Nga những năm gần đây có nhiều biến động, tình hình làm ăn kinh tế của người Việt tại đây có phần bị ảnh hưởng, khi hàng hoá nhập vào đều bằng đồng USD nhưng bán ra lại bằng tiền ruble. Tuy vậy, người Việt ở đây vẫn đón một cái Tết ấm no với mong muốn một năm mới “thuận buồm xuôi gió”.

Cộng đồng người Việt tại thủ đô Matxcova quây quần bên nhau ngày tất niên, chia sẻ với nhau những buồn vui năm cũ, và hi vọng một năm mới ấm no.
Cộng đồng người Việt tại thủ đô Moskva quây quần bên nhau ngày tất niên, chia sẻ với nhau những buồn vui năm cũ, và hy vọng một năm mới ấm no.

Cộng đồng du học sinh Việt Nam tại thành phố Kazan tham gia chương trình Xuân Quê Hương do Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Tatarstan tổ chức. Những bài hát về quê hương, đất nước, điệu múa truyền thống, màn múa lân, tiết mục "Ông Táo chầu trời", những cành đào tươi thắm, hay tà áo dài của thiếu nữ thướt tha… khiến những người trẻ tuổi thêm ấm lòng nơi đất khách.

Đêm giao thừa với chương trình Xuân quê hương tại thành phố Kazan, Liên bang Nga
Đêm giao thừa với chương trình Xuân quê hương tại thành phố Kazan, Liên bang Nga.

Sinh viên Việt Nam tại Đại học Bách khoa Saint-Peteburg cũng tổ chức liên hoan ẩm thực, bày biện các món ăn truyền thống như bánh chưng, giò xào, nem rán, xôi gấc, nộm, dưa muối..., rất ngon và đậm hương vị ngày Tết.

Bàn tiệc giao thừa tại trường Đại học Bách khoa Saint-Peterburg.

Trước Tết mấy hôm, du học sinh phân công nhau ướp thịt, ngâm gạo, đồ đỗ. Các bước như lau lá, gói, luộc bánh đều được làm cẩn thận. Những chiếc lá dong, gói gạo nếp, lạt buộc được các bạn nâng niu vì số lượng không nhiều, giá lại đắt.

Thực ra tại các khu chợ Việt thức gì cũng sẵn, có thể mua để nấu ngay mà không mất công sơ chế rườm rà. Nhưng cái chính là mọi người muốn đi chợ, chuẩn bị chu đáo cho thời khắc sum vầy bên nhau, cùng làm bữa cơm tất niên.

Bàn thờ ngày Tết cũng đầy đủ mâm ngũ quả, mứt kẹo, bánh chưng xanh
Cũng mâm ngũ quả, bánh chưng xanh, du học sinh Việt Nam tại thành phố Voronezh, LB Nga đã cố gắng tái hiện lại không khí Tết ở quê nhà. Ảnh: Mỹ Nga.

Tại thành phố anh hùng Tula, LB nga, mặc dù dịp Tết Nguyên đán cũng là ngày du học sinh ở đây mải miết trên giảng đường, thư viện, kỳ thi. Ai cũng bận rộn với bao công việc thường nhật, nhưng sinh viên Việt tại đây vẫn thu xếp cùng nhau đón năm mới với tâm trạng háo hức. Tạm quên đi việc học, làm thêm vất vả, các bạn ngồi bên nhau, ăn miếng bánh chưng, hát vang những bài ca về đất nước.

Những trò chơi vui vẻ gắn kết mọi
Dương Thị Bích Thuỷ (thạc sĩ năm nhất, Đại học Sư phạm Tula) chia sẻ: “Vì thời điểm Tết Nguyên đán ở Nga trùng kỳ thi, nên mọi người cũng không có nhiều thời gian đón Tết. Thế nhưng mọi người vẫn cố gắng cùng nhau dự bữa cơm tất niên, cùng nhau chơi những trò chơi truyền thống. Dù ở đây không được như ở nhà, nhưng cũng đủ làm vơi bớt phần nào nỗi nhớ quê hương”. Ảnh: Mỹ Nga.

Tại thành phố Ekaterinburg, LB Nga nhân dịp đầu năm, cộng đồng người Việt tại đâyđã tổ chức bữa tiệc chào đón năm mới. Từ những món ăn quen thuộc trên mâm cơm đầu xuân với bánh chưng, nem rán, canh măng, hay những cô gái Việt với tà áo dài thướt tha, đến các ca khúc về quê hương đất nước quen thuộc…, Bữa tiệc là còn là cơ hội để thế hệ trẻ sinh ra tại đây hiểu về cội nguồn,truyền thống, văn hoá của người Việt Nam.

Những bạn trẻ Việt Nam được sinh ra và lớn lên tại Nga háo hức khi được mặc áo dài trong dịp Tết đến, xuân về.
Những bạn trẻ Việt Nam được sinh ra và lớn lên tại Nga háo hức khi được mặc áo dài trong dịp Tết đến, xuân về. Ảnh nhân vật cung cấp

Đã là người Việt Nam, dù xa xứ bao lâu, mỗi dịp năm mới đến, không ai không khỏi bâng khuâng nhớ về ngày Tết cổ truyền của dân tộc với bánh chưng xanh, cành hoa đào và mùi hương thơm đêm Giao thừa. Mặc dù không được đón tết cùng gia đình, nhưng những người Việt tại Nga đã xích lại gần nhau, chia sẻ không khí đón năm mới truyền thống thân thuộc với những hy vọng mới, tươi sáng hơn. Trong giá lạnh của xứ tuyết, lời ca, tiếng đàn vẫn vang lên, mang sắc xuân về ấm mỗi tâm hồn người Việt xa xứ./.

Mỹ Nga

TIN LIÊN QUAN