Nga - Nhật: Giải quyết tranh chấp lãnh thổ từ kinh tế
(Baonghean) - Nhật Bản và Nga vừa thông báo sẽ tổ chức một cuộc hội đàm vào giữa tháng 3 tới tại Thủ đô Tokyo của Nhật Bản về cách thức thực thi các hoạt động kinh tế chung trên quần đảo mà Nga gọi là Nam Kuril và Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc. Đây được đánh giá là bước tiến quan trọng nhằm hiện thực hóa quyết tâm của hai bên trong việc giải quyết dứt điểm tranh chấp lãnh thổ đã kéo dài hơn 7 thập kỷ tại quần đảo này.
Đòn bẩy kinh tế
Để xúc tiến các hoạt động kinh tế chung trên quần đảo Nam Kuril/Vùng lãnh thổ phương Bắc, chính phủ Nhật Bản đã thành lập một ủy ban mới do Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Hiroshige Seko, kiêm Bộ trưởng phụ trách hợp tác kinh tế với Nga, giữ chức quyền chủ tịch ủy ban.
Các thành viên trong ủy ban gồm các đại diện của bộ Tài chính, bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp, bộ Nông-Lâm-Ngư nghiệp, bộ Môi trường và bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi. Việc thành lập ủy ban này diễn ra sau hội nghị thượng đỉnh giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 12 năm ngoái và trước thềm chuyến thăm Nga của ông Abe trong nửa đầu năm nay.
Thủ tướng Shinzo Abe tại “Đại hội toàn quốc yêu cầu hoàn trả lãnh thổ phương Bắc năm 2017” của Nhật Bản hôm 7/2. Ảnh: Kyodo |
Các dự án triển khai đầu tiên trong hợp tác kinh tế giữa hai bên sẽ bao gồm ngư nghiệp, nuôi trồng hải sản, du lịch và bảo tồn thiên nhiên. Song về lâu dài, trên cơ sở hợp tác tại vùng quần đảo tranh chấp, hai bên còn muốn mở rộng hợp tác sang khu vực Viễn đông, trong đó trọng tâm lớn nhất sẽ là năng lượng.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã từng đặt mục tiêu đến năm 2030 Nga sẽ đảm bảo được hơn 40% nhu cầu về dầu mỏ và khí đốt cho Nhật Bản. Giai đoạn hợp tác mới trong lĩnh vực hợp tác năng lượng Nga-Nhật sẽ nhanh chóng được bắt đầu tại Yalma ở cực bắc Siberia. Siêu dự án này sẽ cho phép Nga cung cấp khí đốt thiên nhiên sang châu Á thông qua các tuyến đường biển phía Bắc.
Ngoài ra, tại Diễn đàn kinh tế Phương Đông lần thứ 2 diễn ra ở thành phố Vladivostok, Nga hồi giữa năm ngoái, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nhất trí về việc hợp tác đầu tư dự án năng lượng Sakhalin – 2.
Tập đoàn Mitsui của Nhật sẽ đầu tư nguồn vốn lên tới 1 tỷ USD để mở rộng dự án Sakhalin - 2 và để ngỏ khả năng tiếp tục thực hiện dự án Sakhalin - 3. Và dự kiến tới năm 2018, Mitsui sẽ bắt đầu khởi công xây dựng nhà máy sản xuất khí hóa lỏng trên bán đảo Yamal.
Triển vọng ký kết Hiệp ước hòa bình
Tranh chấp lãnh thổ là vấn đề gai góc nhất trong mối quan hệ song phương Nga – Nhật suốt hơn 7 thập kỷ qua. Hiện tại, cả Nga và Nhật Bản đều nhận thức rõ lợi ích mang lại cho cả hai bên thông qua hợp tác kinh tế tại vùng quần đảo tranh chấp, không những vậy còn coi đây là nền tảng tiến tới ký kết Hiệp ước hòa bình giữa hai nước.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã từng nói rằng “quá khứ không nên trở thành vật cản hướng tới tương lai” trong quan hệ Nga – Nhật. Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng nói từng ám chỉ rằng hai bên cần có những thay đổi về cách tiếp cận nhằm tiến tới giải quyết vấn đề này:
“Với tư cách Thủ tướng Nhật Bản, tôi khẳng định quan điểm đúng đắn của Nhật Bản, trong khi đó Tổng thống Putin hoàn toàn tự tin với quan điểm đúng đắn của Nga. Nếu chúng ta cứ tiếp tục như vậy thì những cuộc đàm phán sẽ kéo dài thêm nhiều thập niên nữa”.
Và phía Nhật Bản đã chứng tỏ thiện chí của mình khi thời gian gần đây không còn coi giải quyết lãnh thổ là điều kiện tiên quyết cho hợp tác song phương như trước – bước đi được cho là vượt qua câu chuyện “con gà, quả trứng” vốn luôn cản trở những nỗ lực hợp tác của hai bên.
Nhưng theo giới phân tích, dù đạt được bước tiến mới trong hợp tác kinh tế, con đường tiến tới giải quyết tranh chấp lãnh thổ giữa Nga và Nhật Bản không phải đã loại bỏ được mọi rào cản. Bản thân thủ tướng Shinzo Abe trong một hội nghị tổ chức tại Tokyo hôm 7/2 cũng đã thừa nhận việc ký kết Hiệp ước hòa bình với Nga là không dễ dàng.
Khó khăn lớn nhất hiện nay là cả Thủ tướng Nhật Bản và Tổng thống Nga vẫn tỏ ra khá kiên quyết khi theo đuổi quan điểm “không đem lãnh thổ ra trao đổi”. Bởi vậy, điều có thể chờ đợi hiện nay là mỗi bên sẽ nhượng bộ ở mức độ như thế nào trong “khuôn khổ đặc biệt” mà hai bên hướng đến trong những cuộc đàm phán sắp tới.
Nga - Nhật hướng tới giải quyết tranh chấp quần đảo Nam Kuril/Vùng lãnh thổ phương Bắc thông qua hợp tác kinh tế. Ảnh: TASS |
Cả hai cùng có lợi
Ở thời điểm hiện nay, việc tăng cường hợp tác kinh tế tiến tới giải quyết tranh chấp được cho là có thể mang lại lợi ích chiến lược cho cả Nga và Nhật Bản. Trong bối cảnh Trung Quốc đang trỗi dậy ở khu vực, trong đó có những hành động cứng rắn hơn trong tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản ở biển Hoa Đông, việc tăng cường quan hệ với Nga có thể phần nào giúp Nhật Bản bớt lo âu về nguy cơ “đi đêm” giữa Nga và Trung Quốc.
Nhật Bản muốn cải thiện quan hệ với Nga cũng nằm trong chiến lược cân bằng mối quan hệ với các nước lớn thay vì dựa hẳn vào chính sách của Mỹ như trước đây. Ngoài ra, Nhật Bản cũng đang rất cần sự ủng hộ của Nga để trở thành thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong tương lai.
Đối với Nga, việc thắt chặt mối quan hệ với Nhật Bản là phù hợp với chính sách “hướng Đông” - khu vực được đánh giá là phát triển nhất trong thế kỷ 21. Hơn nữa, Tổng thống Putin cũng không giấu diếm quyết tâm thiết lập xung quanh Nga “một trật tự quốc tế mới đầy tham vọng”.
Và trật tự quốc tế này sẽ không chỉ cần có sự can dự sâu hơn, hiệu quả hơn của Nga vào các điểm nóng quốc tế, mà còn cần củng cố mối quan hệ với các nước lớn, có ảnh hưởng trong khu vực như Nhật Bản, Trung Quốc. Dự kiến, những bước đi cụ thể hơn cho một mối quan hệ nồng ấm Nga – Nhật Bản sẽ được lãnh đạo hai nước bàn thảo trong chuyến thăm sắp tới của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới Nga.
Thúy Ngọc
TIN LIÊN QUAN |
---|