Tăng cường xử lý vi phạm về chất lượng hàng hóa

24/01/2017 11:16

(Baonghean) - Theo Thanh tra Sở KH&CN, qua công tác thanh, kiểm tra năm 2016, tình hình vi phạm về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hoá trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại, gây bức xúc cho người tiêu dùng. Bởi vậy trong năm 2017, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm cần tiếp tục được tăng cường.

Tính đến tháng 12/2016, Thanh tra Sở KH&CN đã thực hiện 6 cuộc thanh tra chuyên ngành đối với các lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng hàng hóa và sở hữu công nghiệp; đề tài, dự án KHCN. Trong 177 cơ sở đã thanh tra, có 44 cơ sở vi phạm bị xử lý vi phạm với tổng số tiền xử phạt là 246.634.000 đồng.

Cụ thể, từ ngày 21/3 - 20/4/2016, Đoàn thanh tra chuyên ngành do Thanh tra Sở KH&CN chủ trì phối hợp với Chi cục Tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng đã tiến hành thanh tra đối với 46 cơ sở kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra xác định có 12/46 doanh nghiệp chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu nhưng vẫn thực hiện bán hàng.

Các lực lượng chức năng kiểm tra tại một siêu thị mi ni chuyên bán hàng xách tay trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (TP. Vinh).
Các lực lượng chức năng kiểm tra tại một siêu thị mi ni chuyên bán hàng xách tay trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (TP. Vinh).

Nguyên nhân được làm rõ là do còn vướng mắc các thủ tục về thuê đất, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy…; hiện Sở Công Thương đang chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan đang thực hiện các biện pháp tháo gỡ vướng mắc. Đồng thời, đã phát hiện có 4/46 doanh nghiệp thực hiện không đúng quy định của pháp luật về đo lường: sử dụng phương tiện đo không thực hiện kiểm định đúng quy định. Trước những vi phạm này, cả 4 cơ sở đã bị Đoàn thanh tra xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt là 40.000.000 đồng.

Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ KH&CN và UBND tỉnh, thanh tra liên ngành diện rộng về chấp hành pháp luật về đo lường trong kinh doanh vàng trên địa bàn tỉnh, Thanh tra Sở KH&CN phối hợp với các lực lượng đã thanh tra 54 cơ sở. Đã làm rõ có 12 cơ sở vi phạm về chất lượng (sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng); 1 cơ sở vi phạm về công bố tiêu chuẩn áp dụng (không công bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy định trong sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ).

5 cơ sở vi phạm về ghi nhãn hàng hóa (có nhãn ghi không đủ nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa: thiếu thông tin về hàm lượng vàng); 1 cơ sở vi phạm về đo lường (sử dụng chứng chỉ kiểm định của phương tiện đo “cân kỹ thuật” dùng để mua bán vàng đã hết hiệu lực). Với các vi phạm của các cơ sở kinh doanh vàng, đoàn thanh tra đã xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 87.700.000 đồng.

Cuối năm 2016, Thanh tra Sở KH&CN chủ trì phối hợp với Công an tỉnh, Sở Y tế, Chi cục Quản lý thị trường, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng thực hiện thanh tra về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, nhãn hàng hóa, mã số, mã vạch và sở hữu công nghiệp đối với hàng đóng gói sẵn trên địa bàn tỉnh. Dù mới chỉ thực hiện thanh tra đối với 23 cơ sở nhưng đã phát hiện có đến 17 cơ sở có vi phạm.

Trong đó có 9 cơ sở vi phạm về ghi nhãn hàng hóa (hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam), bị đoàn xử phạt 53.500.000 đồng. Có 8 cơ sở kinh doanh một số chủng loại mỹ phẩm do nước ngoài sản xuất không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Đoàn thanh tra chuyển hồ sơ vụ việc sang Chi cục Quản lý thị trường xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền…

Đề cập về vai trò của Sở KH&CN trong công tác phòng, chống gian lận thương mại, ông Nguyễn Mạnh Hà – Chánh thanh tra sở cho biết: Nghị định 24/NĐ-CP ngày 4/4/2014 của Chính phủ quy định các Sở KH&CN có nhiệm vụ tham mưu, giúp các UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước về hoạt động khoa học công nghệ; phát triển tiềm lực khoa học công nghệ; tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; sở hữu trí tuệ…

Tại Quyết định số 44/QĐ-UBND ngày 11/6/2016 về việc phân công trách nhiệm và quan hệ phối hợp trong quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh giao trách nhiệm Sở KH&CN là cơ quan đầu mối giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh.

Tại Điểm m, Điều 4, Quyết định số 44, UBND tỉnh chỉ đạo Sở KH&CN chịu trách nhiệm thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng sản phẩm, hàng hóa (trong đó chú trọng áp dụng hình thức thanh tra, kiểm tra đột xuất), giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý các vi phạm pháp luật theo thẩm quyền; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Những năm gần đây, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chú trọng chỉ đạo các cơ quan có liên quan vào cuộc quyết liệt trong công tác phòng, chống hàng giả và gian lận thương mại. Qua đó đã chấn chỉnh được nhiều sai phạm, góp phần làm lành mạnh môi trường kinh doanh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tạo được dư luận tốt trong xã hội. Nhưng dù vậy, vẫn còn không ít các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hoá; đặc biệt là vi phạm về chất lượng hàng hóa.

Hàng hóa không rõ xuất xứ nguồn gốc tại một cửa hàng trên địa bàn thành phố Vinh bị đoàn kiểm tra liên ngành lập biên bản.
Hàng hóa không rõ xuất xứ nguồn gốc tại một cửa hàng trên địa bàn thành phố Vinh bị đoàn kiểm tra liên ngành lập biên bản.

Qua công tác thanh tra năm 2016 cho thấy, những diễn biến phức tạp tập trung nhiều ở một số lĩnh vực ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội như hoạt động kinh doanh xăng, dầu, mũ bảo hiểm, các mặt hàng bao gói sẵn định lượng… Các hoạt động vi phạm, thường là cố ý nên các cơ sở có những hành vi này thường rất tinh vi để qua mắt lực lượng chức năng và người tiêu dùng.

Trong khi đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khoa học công nghệ còn nhiều bất cập, chồng chéo, có nhiều quy định ít có tính khả thi gây khó khăn đáng kể cho công tác thanh tra (như quy định về đo lường, chất lượng trong kinh doanh vàng bạc, quy định về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu, quy định về quy trình thanh tra…). Bên cạnh đó, lực lượng cán bộ trong hoạt động chống hàng giả và gian lận thương mại còn thiếu, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động thanh, kiểm tra còn chưa đáp ứng yêu cầu, khối lượng công việc nhiều, tính chất phức tạp, nội dung mới nên gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai các nhiệm vụ.

Ông Nguyễn Mạnh Hà cũng khẳng định: “Nghị định số 24 của Chính phủ và Quyết định số 44 của UBND tỉnh là những căn cứ vừa mang tính pháp lý, vừa là sự chỉ đạo để Sở KH&CN tiếp tục cùng các lực lượng chức năng có trách nhiệm vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa ngăn chặn tình trạng vi phạm về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hoá…

Để đạt được hiệu quả, ngoài kiến nghị cấp thẩm quyền có giải pháp tháo gỡ những vấn đề nêu trên, chúng tôi thấy rằng, các lực lượng chức năng cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa để tạo ra sức mạnh trong đấu tranh với các hành vi vi phạm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Qua đó, có sự thống nhất trong công tác dự báo và xây dựng kế hoạch thực hiện, nhất là việc phối hợp tiến hành chế độ thanh tra đột xuất nhằm phát hiện và xử lý các thủ đoạn gian lận trong sản xuất, kinh doanh để tránh tình trạng đối phó của chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh…”.

Nhật Lân

TIN LIÊN QUAN