Đối thoại - cách thức giải quyết tốt các vấn đề ở cơ sở

17/02/2017 07:23

(Baonghean) - Những năm qua, thực hiện Nghị quyết 25 NQ/TW (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận”, các ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã có nhiều giải pháp đổi mới công tác dân vận theo phương châm “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”.

» Linh mục Nguyễn Đình Thục kích động giáo dân

Ưu tiên những việc dân cần

Ở một địa bàn vùng trũng nhiều khó khăn như xã Hưng Nhân (Hưng Nguyên), để tạo sự đồng thuận trong xây dựng nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền xã luôn ưu tiên chọn những việc liên quan đến quyền lợi của dân để tập trung giải quyết, công khai minh bạch thông tin để “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”, từ các công trình giao thông nội đồng, công trình thủy lợi, trường học, trạm y tế đến việc xây dựng đề án thu gom rác thải, quy hoạch nghĩa trang xa khu dân cư; phát triển quỹ tiêm phòng...

Đồng chí Trần Công Hoan - Bí thư Đảng ủy xã Hưng Nhân cho biết: Đối với việc xây dựng các mô hình kinh tế, ngoài việc bám đồng, bám ruộng đồng hành cùng người dân, chính quyền đã có sự quan tâm, hỗ trợ để khuyến khích, động viên bà con. Ví như đối với việc xây dựng làng văn hóa, mỗi làng được công nhận xã có cơ chế khen thưởng 5 triệu đồng/làng; hỗ trợ 10 triệu đồng/đơn vị để xây cổng làng...

Hay đối với việc xây dựng các mô hình cánh đồng mẫu, phát triển kinh tế vùng bãi từ 1,5 - 3 ha, ngoài cơ chế thưởng của huyện, người dân còn được xã hỗ trợ giống và 2,5 triệu đồng/cánh đồng. Anh Nguyễn Danh Quý (SN 1990) - người đi tiên phong trong xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp vùng bãi ở xóm 5 cho hay: “Nhờ sự động viên, quan tâm, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền nên mặc dù đang làm việc cho Nhà máy Tôn Hoa Sen, tôi vẫn quyết tâm về quê lập nghiệp. Tôi đã nhận 3 ha đất ở bãi Lời để trồng lạc, ngô và các loại rau bầu, bí, bắp cải, xúp lơ”, chăn nuôi gần chục con bò thả, ngan, gà, vịt...”.

Nhờ có sự đồng thuận của người dân mà công tác dồn điền, đổi thửa từ 10-12 thửa xuống còn 1,2 thửa được triển khai thuận lợi; xây dựng được 6 mô hình cánh đồng thu nhập cao, có 6/9 làng được công nhận làng văn hóa. Hiện tại, xã đã đạt 11/19 tiêu chí nông thôn mới và đang phấn đấu về đích nông thôn mới trong năm 2017.

Cán bộ và người dân xã Hưng Nhân (Hưng Nguyên) trao đổi về phát triểnmô hình kinh tế vùng bãi. Ảnh: K.L
Cán bộ và người dân xã Hưng Nhân (Hưng Nguyên) trao đổi về phát triển mô hình kinh tế vùng bãi. Ảnh: K.L

Tại huyện Nghi Lộc, việc xây dựng các điển hình dân vận khéo tập trung hướng tới các mô hình phục vụ lợi ích của người dân. Trên lĩnh vực kinh tế, cấp ủy, chính quyền các địa phương tập trung vào các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, xây dựng cánh đồng cho thu nhập cao như mô hình trồng dưa hấu, rau màu thu nhập trên 300 triệu đồng/ha tại xã Nghi Long, Nghi Thịnh; mô hình cánh đồng mẫu về trồng lúa tại xã Nghi Hoa, Nghi Lâm, Nghi Vạn cho thu nhập gấp1,5 lần so với các giống lúa khác; mô hình trồng rau màu cao cấp tại xã Nghi Thuận cho thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng/ha... Trên lĩnh vực văn hóa xã hội, các mô hình dân vận hướng đến việc xây dựng cơ sở vật chất và các thiết chế văn hoá ở cơ sở.

Từ đó, không chỉ tạo được sự đồng thuận mà còn huy động được sức dân. Điển hình như tổ dân vận xóm 7 (xã Nghi Trung), xóm Khánh Thịnh (xã Nghi Khánh) vận động nhân dân đóng góp xây dựng được nhà văn hóa xóm với đầy đủ các thiết chế, trị giá trên 500 triệu đồng..., từ đó đã thúc đẩy phong trào thi đua xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư ngày càng hiệu quả thiết thực.

Nhiều địa phương trên địa bàn nhờ biết “dân vận khéo”, ưu tiên các công trình phục vụ dân sinh trước nên đã tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân để về đích sớm trong xây dựng nông thôn mới. Như ở xã Nghi Hợp đã huy động được người dân đóng góp trên 10 tỷ đồng xây dựng các công trình phúc lợi và tự nguyện hiến trên 2.000m2 đất vườn để mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn theo chuẩn nông thôn mới. Hiện, toàn xã đã thực hiện thành công 19/19 tiêu chí nông thôn mới.

Năm 2016, nhờ làm tốt công tác dân vận trong xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh đã vận động nhân dân hiến hơn 5.217.919m2 đất, 4.241.884 ngày công, 4.513,3 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới, góp phần đưa 177 xã hoàn thành 19 tiêu chí. Bên cạnh đó, toàn tỉnh xây dựng được 3.266 mô hình dân vận khéo.

Tăng cường đối thoại

Sự phát triển KT-XH kéo theo nhiều vấn đề nảy sinh, do đó, công tác dân vận phải đi trước một bước. Đó là giải pháp hiệu quả để nâng cao dân chủ, không chỉ giúp nhân dân nắm vững, nắm rõ những vấn đề liên quan mà cán bộ trong hệ thống chính trị cũng có được những phản hồi từ cơ sở để nâng cao hiệu quả công việc, giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh.

Nhận thức rõ điều này, BTV Huyện ủy Hưng Nguyên đã ban hành Chương trình hành động số 17- CT/TU về thực hiện Đề án số 10-ĐA/TU của BTV Tỉnh ủy về “nâng cao hiệu quả các cấp ủy Đảng đối với chính quyền, MTTQ, các đoàn thể trong thực hiện nhiệm vụ KTXH, quốc phòng - an ninh nhất là trong việc chỉ đạo giải quyết các vụ việc đột xuất, bức xúc, nổi cộm” và Chương trình hành động số 18 thực hiện Đề án số 09-ĐA/TU của BTV Tỉnh ủy về “tăng cường công tác dân vận, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở trong quy hoạch, bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An”, đặc biệt là dự án tổ hợp VSIP, dự án mở rộng, nâng cấp đền ông Hoàng Mười, đường 72m, cầu bắc qua sông Lam nối từ xã Hưng Xá (Hưng Nguyên) đến xã Nam Trung (Nam Đàn).

Đồng chí Phạm Quốc Việt - Phó Bí thư Huyện ủy Hưng Nguyên cho hay: Đối với các vụ việc bức xúc, nổi cộm hay các vấn đề liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, các chương trình, dự án lớn trong công tác tuyên truyền, vận động đòi hỏi cán bộ làm công tác dân vận phải bám việc, bám dân kiên trì thuyết phục, giải thích đến nơi đến chốn mọi chủ trương, chính sách của Nhà nước, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, giải quyết thấu tình đạt lý mọi kiến nghị chính đáng của người dân, quan tâm đến các đối tượng khó khăn.

Và quan trọng nhất là không né tránh, sẵn sàng đối thoại với người dân trong mọi trường hợp để tìm tiếng nói chung. Đối với những dự án lớn như VSIP, đích thân đồng chí Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện vào cuộc trực tiếp để giải thích cho nhân dân hiểu các chủ trương, chính sách trong công tác bồi thường và hỗ trợ GPMB và tính cấp thiết quan trọng của dự án này.

Tại huyện Tân Kỳ cùng với việc ban hành Kế hoạch số 14-KH/HU nhằm xử lý các vấn đề trọng tâm nổi cộm trên địa bàn và tập trung chỉ đạo. Đồng chí Bùi Thanh Bảo - Bí thư Huyện ủy cho hay: Công tác dân vận theo hướng bám sát nắm cơ sở, phân rõ việc, rõ người, tăng cường đối thoại với dân.

Đối với các vụ việc phức tạp, các đồng chí trong thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy sẽ phụ trách từng vấn đề cụ thể. Nhờ đó, có 5 việc hoàn thành 100%, 3 việc hoàn thành 50%. Có thể kể đến như việc thống nhất giải quyết ranh giới hành chính giữa một số xã Tân Xuân, Giai Xuân, Tân Hợp (Tân Kỳ) và Hạ Sơn, Châu Lý (Quỳ Hợp) theo phương án điều chỉnh đường địa giới hành chính. Qua đối thoại, đến nay, toàn bộ mốc ranh giới đã cắm xong, người dân và chính quyền có sự thống nhất cao.

Hay vụ việc liên quan đến kiến nghị của nhân dân xóm Gia Đề (xã Nghĩa Dũng) đối với việc cấp giấy phép khai thác cát sỏi cho doanh nghiệp tư nhân. Cùng với việc đối thoại với doanh nghiệp, với người dân, giao trách nhiệm cho doanh nghiệp và các tổ chức đoàn thể thực hiện tốt công tác dân vận để tháo gỡ mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân. Huyện tập trung củng cố hệ thống chính trị, ổn định tình hình, không để xảy ra đơn thư, khiếu kiện hay cảnh người dân kéo nhau đến tập trung ở UBND cấp xã, cấp huyện để khiếu kiện...

Không chỉ ở cấp tỉnh, cấp huyện, những năm gần đây, các đơn vị cấp xã cũng đã gắn công tác tuyên truyền, vận động với đối thoại, tiếp xúc với dân. Thông qua đó, giúp cho cấp uỷ đảng, chính quyền ghi nhận được nhiều ý kiến quý báu để lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và giải quyết "có lý, có tình" các vấn đề bức xúc ở cơ sở, qua đó tạo sự đồng thuận giữa “ý Đảng, lòng dân”.

Người dân chung tay xây dựng nông thôn mới ở xã Nghi Trung (Nghi Lộc). Ảnh: Nhật Tuấn
Người dân chung tay xây dựng nông thôn mới ở xã Nghi Trung (Nghi Lộc). Ảnh: Nhật Tuấn

Như ở xã Nghi Thuận (Nghi Lộc) - một trong những xã có dự án đường ngang N5 giai đoạn 2 đi qua với 46 hộ dân buộc phải di dời nhà ở để thi công công trình. Qua việc tăng cường gặp gỡ, đối thoại với các hộ dân, nắm bắt vướng mắc là do các hộ dân yêu cầu giá bồi thường giải phóng mặt bằng đối với đất ở cũng như tài sản trên đất cao hơn mức giá do Nhà nước quy định; một số trường hợp yêu cầu Nhà nước hỗ trợ cho hộ ăn theo hay đất đổi đất khi đến khu tái định cư...

Bên cạnh đối thoại, cấp ủy, chính quyền đã chỉ đạo các đoàn thể chính trị thường xuyên bám nắm địa bàn, nhất là đối tượng thuộc diện di dời để tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về bồi thường giải phóng mặt bằng. Nhờ vậy, 100% hộ dân đã chấp nhận bồi thường và di dời bàn giao mặt bằng cho dự án".

Có thể khẳng định, thực hiện tốt việc đối thoại trực tiếp với dân theo nhiều hình thức tập trung, cá biệt, nhóm đối tượng... được xem là một kênh “dân vận khéo” khá hiệu quả, linh hoạt, không những giải quyết vấn đề bức xúc trong nhân dân, hạn chế được tình trạng khiếu nại, khiếu kiện, tố cáo vượt cấp, mà còn phát huy quyền làm chủ, tăng cường sự tham gia của người dân vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới của địa phương, qua đó, củng cố niềm tin của người dân vào cấp ủy, chính quyền.

Gia Huy

TIN LIÊN QUAN