Thị trường chứng khoán: Sẵn tiền mặt nên rót vào đâu?
Năm 2017, hoạt động cổ phần hoá, thoái vốn, đưa doanh nghiệp niêm yết trên sàn đại chúng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ. Do đó, TTCK hứa hẹn sẽ hoạt động sôi động hơn.
Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã khởi sắc ngay từ những phiên giao dịch đầu năm Đinh Dậu và chỉ số VN-Index chính thức vượt mốc 700 điểm, mức cao nhất trong gần 1 thập kỷ qua.
Theo ông Ngô Quốc Hưng, Khối Nghiên cứu và phân tích CTCP Chứng khoán Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinbankSc), đây là tín hiệu tích cực dù phía trước vẫn còn những ẩn số khó đoán định.
Đâu là yếu tố tác động đến TTCK trong năm nay, theo ông?
Theo tôi, trong năm nay, TTCK sẽ chịu ảnh hưởng bởi 4 yếu tố. Thứ nhất, đó là việc tăng cường hội nhập quốc tế, triển khai và thực thi hiệu quả các cam kết quốc tế, các giải pháp nâng hạng thị trường. Mặc dù triển vọng được nâng hạng là khá rõ nét, nhưng quá trình xem xét nâng hạng nhiều khả năng sẽ kéo dài bởi còn khá nhiều vấn đề Việt Nam cần nỗ lực khắc phục để được MSCI chấp thuận.
Thứ hai, Đề án “Xây dựng và phát triển TTCK phái sinh Việt Nam” đang từng bước được hoàn thiện để đi vào thực tế. Đây là vấn đề được giới đầu tư rất quan tâm, được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho TTCK phát triển mạnh mẽ.
Thứ ba, chính sách tiếp tục mở room cho khối ngoại, đặc biệt ở các ngành như ngân hàng, bảo hiểm, săm lốp, dệt may, nhựa, thực phẩm, đồ uống… hứa hẹn thúc đẩy dòng vốn ngoại chảy mạnh hơn vào thị trường.
Thứ tư, quy mô thị trường được dự báo sẽ tăng mạnh trong năm 2017, đạt mốc vốn hóa 50% GDP, khi có nhiều doanh nghiệp lớn lên niêm yết trên HOSE, HNX, cũng như đăng ký giao dịch trên UPCOM. Các hoạt động thoái vốn Nhà nước, IPO và niêm yết trên sàn chứng khoán của các doanh nghiệp lớn đã tác động tích cực đến thị trường trong năm qua và tiếp tục là chủ đề thu hút sự quan tâm của giới đầu tư trong
năm nay.
Với những yếu tố trên, chúng tôi tin rằng, dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ trở lại thị trường và là yếu tố quan trọng giúp thị trường tăng trưởng trong dài hạn.
Tỷ giá là một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn đến TTCK. Theo ông, quan điểm hướng nội trong điều hành nền kinh tế Mỹ của tân Tổng thống Donald Trump đang giúp đồng USD mạnh lên sẽ ảnh hưởng thế nào đến tỷ giá VND/USD?
Độ mở cửa nền kinh tế Việt Nam khá cao, năm sau đều cao hơn năm trước, cho thấy sự tăng trưởng kinh tế nước ta phụ thuộc khá nhiều vào nhu cầu của thị trường thế giới. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã công bố kế hoạch nâng lãi suất USD 3 lần trong năm 2017.
Việc đồng USD mạnh lên có thể tiếp tục làm hạn chế lượng vốn đầu tư nước ngoài lên các thị trường biên, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, việc Fed tăng lãi suất đã được dự báo và thực hiện theo lộ trình, nên thị trường có sự chuẩn bị trước, vì thế tỷ giá nhiều khả năng sẽ không biến động mạnh.
Mặc dù vậy, mục tiêu ổn định tỷ giá năm 2017 sẽ khó khăn hơn do một số đồng tiền chủ chốt trong giỏ tính tỷ giá giảm giá mạnh so với USD, đặc biệt là đồng Nhân dân tệ. Đáng chú ý, theo dự báo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, tỷ giá trong năm nay còn chịu áp lực từ việc cán cân thanh toán quốc tế sẽ không thuận lợi như năm qua.
Năm 2016, việc thực hiện mục tiêu ổn định tỷ giá có một chỗ dựa lớn là trạng thái thặng dư của cán cân thanh toán tổng thể (khoảng 8,5 tỷ USD trong năm 2016, theo ước tính của Ủy ban
Giám sát tài chính Quốc gia), nhưng chỗ dựa này dự báo khó khăn hơn trong năm 2017.
Tuyên bố không tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Mỹ có làm giảm sức hấp dẫn của TTCK Việt Nam, theo ông?
Theo chúng tôi, dù TPP bị đình hoãn, tiến trình hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu của Việt Nam vẫn diễn ra mạnh mẽ.
TTCK Việt Nam đang có những yếu tố hấp dẫn dòng vốn nước ngoài như: môi trường kinh tế vĩ mô ổn định và hứa hẹn duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong giai đoạn 2017-2020; chính sách của Nhà nước trong việc cổ phần hóa, thoái vốn, đưa doanh nghiệp niêm yết trên sàn đại chúng đang được thúc đẩy mạnh, tạo ra nhiều cơ hội đầu tư mới hấp dẫn, dự kiến trong năm nay, hàng loạt doanh nghiệp lớn có kế hoạch thoái vốn nhà nước như Vinamilk, Sabeco, Habeco, ACV… sẽ là tâm điểm của dòng vốn khối ngoại.
Với những đánh giá trên, theo ông, nhóm ngành cổ phiếu nào sẽ thu hút sự quan tâm của giới đầu tư trong năm nay?
Năm 2017, hoạt động cổ phần hoá, thoái vốn, đưa doanh nghiệp niêm yết trên sàn đại chúng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ. Do đó, TTCK hứa hẹn sẽ hoạt động sôi động hơn.
Vấn đề nợ công chạm trần tạo áp lực lên ngân sách sẽ khiến nhu cầu bán tài sản (thoái vốn, IPO của doanh nghiệp nhà nước) trở nên cấp bách, trong đó cổ phiếu của các tổng công ty, tập đoàn lớn sẽ là những địa chỉ đầu tư hấp dẫn, chẳng hạn Vinapharm, CC1, Mobifone, Petrolimex, Vietjet Air, FPT Telecom, Techcombank...
Bên cạnh đó, cổ phiếu của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm, đồ uống, hàng tiêu dùng chẳng hạn SAB, BHN, VNM, MSF, DQC, PAC, MWG, PNJ…, sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư. Các cổ phiếu PHR, DPR, TRC, QNS, LSS, SLS… cũng tiềm ẩn cơ hội lớn khi giá cao su, đường đang trong chu kỳ phục hồi.
Ngoài ra, nhóm cổ phiếu đầu ngành, hoạt động kinh doanh ổn định như CTD, HSG, HPG, VSC, GMD… cũng là những địa chỉ thu hút dòng tiền./.
Theo Baodautu
TIN LIÊN QUAN |
---|