Lễ hội Đền Vua Mai - điểm nhấn du lịch văn hóa tâm linh

10/02/2017 08:57

(Baonghean) - Lễ hội Đền Vua Mai là lễ hội văn hoá truyền thống được tổ chức hàng năm vào dịp Rằm tháng Giêng (âm lịch). Đây là một trong những lễ hội mở đầu cho các hoạt động lễ hội trong năm ở tỉnh Nghệ An.

Phóng viên Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với đồng chí Đinh Xuân Quế - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn).

Lễ rước tại Lễ hội Đền Vua Mai.Ảnh: P.V
Lễ rước tại Lễ hội Đền Vua Mai. Ảnh: P.V

P.V: Với 167 di tích, danh thắng, trong đó có nhiều di tích hết sức đặc biệt, cùng dày dặn văn hóa bản địa đặc sắc, Nam Đàn từ lâu được xem là một trong những điểm nhấn trên bản đồ du lịch Nghệ An. Ông có thêm ý kiến gì về đánh giá trên?

Đồng chí Đinh Xuân Quế: Điều này được khẳng định qua con số thống kê của huyện, trong giai đoạn 2010 - 2015, lượng khách du lịch về tham quan Nam Đàn đạt 1,8 - 2 triệu lượt/năm. Lĩnh vực du lịch đã góp phần để huyện đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, trên 10%/năm. Thực tế, Nam Đàn có số lượng di tích lịch sử, văn hoá nhiều nhất tỉnh, trong đó có nhiều di tích lịch sử có giá trị và lợi thế để khai thác phát triển du lịch như: Cụm Di tích Vua Mai, Khu Di tích Kim Liên, Nhà lưu niệm Phan Bội Châu, chùa Đại Tuệ... Hàng năm trên địa bàn huyện có 2 lễ hội chính là: Lễ hội Đền Vua Mai được tổ chức vào Rằm tháng Giêng và Lễ hội Làng Sen được tổ chức vào dịp sinh nhật Bác Hồ. Nam Đàn có nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể được bảo tồn và phát triển, là huyện trong vùng dân ca ví, giặm được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Về văn hoá ẩm thực, Nam Đàn nổi tiếng với các đặc sản như: tương Nam Đàn, bánh đúc Sa Nam, thịt me Nam Nghĩa, dê Cầu Đòn, cá Mòi sông Lam, bột sắn dây và hồng Nam Anh, cá rô Bàu Nón... những đặc sản nổi tiếng đó đã đưa Nam Đàn trở thành một trung tâm văn hóa ẩm thực của cả tỉnh.

Với vị trí địa lý thuận lợi, cơ sở hạ tầng giao thông tốt và hệ thống di sản văn hoá phong phú và đa dạng, Nam Đàn xác định ngành du lịch, dịch vụ là mũi nhọn trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Để phát huy tối đa lợi thế đó, Huyện ủy, UBND huyện đã ban hành Nghị quyết về phát triển du lịch giai đoạn 2011 - 2015 có tính đến 2020... nhằm đưa ra những cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể để khai thác nguồn tài nguyên du lịch sẵn có của địa phương.

Lễ hội đền Vua Mai. Ảnh: P.V
Lễ hội đền Vua Mai. Ảnh: P.V

P.V: Lễ hội Vua Mai được tổ chức vào dịp Rằm tháng Giêng hàng năm với rất nhiều hoạt động hấp dẫn. Đồng chí có thể cho biết rõ hơn những hoạt động chính của Lễ hội 2017?

Đồng chí Đinh Xuân Quế: Lễ hội Đền Vua Mai là lễ hội văn hoá truyền thống được tổ chức hàng năm vào dịp Rằm tháng Giêng (âm lịch). Đây là một trong những lễ hội mở đầu cho các hoạt động lễ hội trong năm ở tỉnh Nghệ An. Về với lễ hội, nhân dân và du khách thập phương sẽ được hòa mình trong những hoạt động mang đậm bản sắc vùng “địa linh nhân kiệt” như lễ rước nước, lễ khai quang, lễ yết cáo, lễ dâng hương tưởng niệm Vua Mai, lễ đại tế, lễ tạ... hay cùng tham gia các trò chơi dân gian như cờ thẻ, chọi gà, đu tiên, kéo co, hội vật. Ngoài ra lễ hội là dịp để Nam Đàn giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của quê hương như tương, bột sắn dây, dầu lạc, bơ lạc...

P.V: Như đồng chí đã khẳng định, Lễ hội Vua Mai là một trong những lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm và đã trở thành điểm nhấn của du lịch văn hóa tâm linh Nam Đàn. Vậy huyện đã có những trăn trở gì để tăng tính hấp dẫn du khách?

Đồng chí Đinh Xuân Quế: Để tưởng nhớ công ơn Mai Hắc Đế và các tướng sỹ, nhân dân nhiều tỉnh thành trong cả nước đã lập đền thờ, lăng, miếu, mộ thờ. Riêng tại Nam Đàn, nơi sinh ra và lớn lên của Vua Mai, nơi cuộc khởi nghĩa bùng nổ và cũng là nơi có phần mộ của Vua Mai, mẹ Vua Mai… hàng năm, bắt đầu từ ngày 13 - 15 tháng Giêng, lễ hội Đền Vua Mai lại được long trọng tổ chức ngoài tưởng nhớ công đức Vua Mai cùng các tướng lĩnh của Ngài, là ý nghĩa lớn về ôn lại khí thế hào hùng của cuộc khởi nghĩa đánh bại quân xâm lược phương Bắc xây dựng nước Vạn An độc lập; góp phần giáo dục truyền thống tốt đẹp cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc, nhằm tăng thêm niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước. Đây cũng là dịp huyện Nam Đàn quảng bá, giới thiệu cụm Di tích Vua Mai đối với du khách, các nhà đầu tư đến tìm hiểu, thưởng ngoạn các giá trị văn hoá thông qua hệ thống di tích đền, lăng, miếu từ đó phát huy văn hoá truyền thống và phong tục tập quán tốt đẹp của địa phương, thúc đẩy mục tiêu phát triển du lịch trên địa bàn huyện.

Huyện xác định công tác tuyên truyền là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng. Bên cạnh tập trung tuyên truyền trên Báo Nghệ An, Đài truyền hình Nghệ An, Cổng thông tin điện tử huyện, Đài truyền thanh 24 xã, thị trấn, chúng tôi còn chỉ đạo xây dựng các cụm pa-nô giới thiệu chương trình lễ hội tại Khu Di tích Lăng Vua Mai, ngã tư Vân Diên, đường vào đền thờ, ngã 3 thị trấn, ngã tư Nam Giang, Nam Trung. Treo các băng rôn, cờ lễ hội... qua Quốc lộ 46 từ Nam Giang tới đền thờ (thị trấn), Khu Di tích Lăng Vua Mai ở núi Đụn (Vân Diên), ở các ngõ ra vào của huyện.

Để lễ hội Đền Vua Mai ngày càng hấp dẫn du khách là điều mà Ban tổ chức luôn hết sức trăn trở. Như năm nay, cùng với các phần lễ, phần hội như mọi năm, Lễ hội Vua Mai 2017 sẽ tiếp tục duy trì Hội thả đèn hoa đăng vào đêm 14 âm lịch tại sân khu Lăng mộ Vua Mai. Đây là một trong những điểm nhấn của lễ hội. Một lễ hội truyền thống như lễ hội Đền Vua Mai phải đảm bảo các yếu tố tâm linh, công tác chuẩn bị phải thật chu đáo... để ngày càng hấp dẫn hơn đối với du khách tìm về đây mỗi dịp đầu Xuân.

Đấu vật tại Lễ hội Đền Vua Mai. Ảnh: Trọng Sách
Đấu vật tại Lễ hội Đền Vua Mai. Ảnh: Trọng Sách

P.V: Để phát triển du lịch bền vững, nhất là du lịch văn hóa tâm linh, huyện Nam Đàn có những định hướng lâu dài như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Đinh Xuân Quế: Thời gian qua, Nam Đàn đã huy động các nguồn lực, nguồn vốn từ nhiều “kênh” khác nhau để phục dựng, trùng tu tôn tạo các di tích. Trong đó có nhiều dự án được Trung ương, tỉnh đầu tư đã hoàn thành và đưa vào khai thác như: Khu lưu niệm cụ Phan Bội Châu, Lăng mộ và đền thờ Vua Mai, mộ La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, Dự án Bảo tồn và Tôn tạo Khu Di tích Lịch sử - Văn hoá Kim Liên gắn với phát triển du lịch... Huyện còn huy động nguồn vốn từ công tác xã hội hoá để bảo tồn tôn tạo các di tích như: chùa Đại Tuệ, chùa Viên Quang...

Ngoài việc quan tâm phục dựng, tu bổ và tôn tạo các di tích lịch sử văn hoá để thu hút du khách, Nam Đàn còn chú trọng đến công tác tuyên truyền, quảng bá bằng cách thông qua việc tổ chức tốt các lễ hội lớn hàng năm như: Lễ hội Vua Mai, Lễ hội Làng Sen... , từ đó tạo cơ hội kêu gọi đầu tư phát triển du lịch cho huyện nhà; xây dựng các chuyên đề, phóng sự như "Nam Đàn điểm đến", "Tình quê Nam Đàn", "Nam Đàn - Di tích và danh thắng", "Lễ hội văn hóa Phật giáo chùa Đại Tuệ"... đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng; tham gia các cuộc triển lãm, hội chợ, liên hoan văn hoá ẩm thực, tổ chức các hội nghị doanh nghiệp lữ hành, khảo sát và xây dựng các tour du lịch trên địa bàn huyện; in và phát hành 2.000 đĩa VCD, 10.000 tờ gấp về du lịch Nam Đàn; nâng cấp cổng thông tin điện tử của huyện, qua đó giới thiệu một cách rõ nét về di sản văn hoá với du khách trong và ngoài nước.

Thời gian tới, để khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh về du lịch, Nam Đàn có chủ trương ưu tiên, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực: Các doanh nghiệp lữ hành đầu tư vận tải và thiết kế tour du lịch với nội huyện, từ đó quảng bá để liên kết với các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh để đưa khách về tham quan du lịch tại huyện Nam Đàn; Các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hệ thống nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí đạt tiêu chuẩn; Các công ty chuyên sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ sản xuất các sản phẩm lưu niệm; chế biến các sản phẩm truyền thống phục vụ khách du lịch; Các doanh nghiệp quy hoạch và đầu tư hạ tầng, dịch vụ để phát triển loại hình du lịch “homestay”.

PV: Cảm ơn đồng chí!

Thanh Thủy

(Thực hiện)

TIN LIÊN QUAN