Tổ tiên lâu đời nhất của loài người trong lớp đá 540 triệu năm

02/02/2017 07:19

Tổ tiên lâu đời nhất của loài người sống cách đây 540 triệu năm có hình dáng giống chiếc bao và không có hậu môn.

Tổ tiên loài người có chiếc miệng chiếm phần lớn cơ thể và không có hậu môn. Ảnh: Jian Han/Đại học Tây Bắc, Trung Quốc.
Tổ tiên loài người có chiếc miệng chiếm phần lớn cơ thể và không có hậu môn. Ảnh: Jian Han/Đại học Tây Bắc, Trung Quốc.

Hóa thạch tổ tiên lâu đời nhất của chúng ta là một động vật miệng thứ sinh (deuterostome) được phát hiện trong lớp đá vôi 540 triệu năm ở trung tâm Trung Quốc, International Business Times đưa tin. Sinh vật này là khởi nguồn cho một loạt dạng sống sinh sôi bao gồm loài sao biển và hải tiêu ngày nay.

Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature, động vật miệng thứ sinh trong phát hiện là loài ra đời sớm nhất ở liên ngành này. "Các động vật miệng thứ sinh dẫn tới sự ra đời của nhiều loài động vật đa dạng, từ con người tới sao biển và nhím biển. Mức độ phong phú đó đặt ra câu hỏi: Tổ tiên chung của động vật trông như thế nào?", Simon Conway Morris ở Đại học Cambridge, Anh, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.

Sinh vật hóa thạch 540 triệu năm rất nhỏ, chỉ dài khoảng 1,3 mm, rộng 0,8 mm và cao 0,9 mm, có chiếc miệng rất lớn so với phần còn lại của cơ thể, có bề ngang 0,3-0,5 mm. Nó cũng có 4 lỗ hình nón ở mỗi bên.

"Đây là dấu mốc về động vật miệng thứ sinh, và tiền thân của mang cá. Nước chảy qua mang và thoát ra từ bên hông của loài vật", Conway Morris nói.

Đây là cách nguyên thủy để động vật loại bỏ chất thải. Các nhà nghiên cứu không thể xác định hậu môn ở bất kỳ mẫu vật nào của những loài động vật miệng thứ sinh mà họ phát hiện.

Tìm thấy động vật miệng thứ sinh nguyên thủy là bước tiến lớn trong ghi chép hóa thạch giữa những tổ chức sinh vật đơn giản rất nhỏ, nhỏ đến mức phải thu thập khí oxy bằng sự khuếch tán đến những động vật lớn hơn như cá thở qua mang. “Đây là một phần câu trả lời về cách những thứ phức tạp tiến hóa”, Conway Morris nói.

45 mẫu vật động vật miệng thứ sinh được tìm thấy trong lớp đá vôi cổ đại ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Các nhà nghiên cứu phải di dời khoảng ba tấn đá vôi mới thu được các hóa thạch nhỏ.

Động vật miệng thứ sinh từng được phát hiện trước đây nhưng chưa có mẫu vật nào có niên đại lên đến 540 triệu năm. Sinh vật bị hóa thạch trong quá trình mang tên hóa thạch phosphate, trong đó phân tử phosphate nhanh chóng thay thế các bộ phận cơ thể sinh vật trước khi chúng tan vỡ. Nhóm nghiên cứu vẫn chưa rõ tuổi thọ của loài vật này.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN