Nội tình hỗn loạn ở Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ

19/02/2017 12:58

Hội đồng An ninh Quốc gia, trung tâm quản lý các giải pháp an ninh của tổng thống Mỹ trước một thế giới bất ổn, đang trải qua những ngày hỗn loạn và đầy căng thẳng.

noi-tinh-hon-loan-o-hoi-dong-an-ninh-quoc-gia-my

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Michael T. Flynn phát biểu tại một cuộc họp báo ở Nhà Trắng. Ảnh: AP

Tối 13/2, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Michael T. Flynn, thành viên thường trực Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC), đệ đơn từ chức sau khi bị cáo buộc nói dối về những cuộc trao đổi với đại sứ Nga tại Mỹ để thảo luận các lệnh trừng phạt mà Washington áp đặt lên Moscow.

Theo New York Times, Michael T. Flynn gần như vắng bóng kể từ khi cuộc điều tra được FBI tiến hành nhằm làm rõ những lần liên lạc giữa ông với đại sứ Nga và liệu ông có nói dối Phó tổng thống Mike Pence về vấn đề này hay không.

Dù Tổng thống Mỹ Donald Trump trả lời các phóng viên có mặt trên chuyên cơ Air Force One hôm 10/2 rằng ông không biết về những nghi vấn mới đây xung quanh các cuộc trao đổi giữa Flynn với đại sứ Nga, một số trợ lý của Trump lại cho hay ông đang theo dõi chặt chẽ mọi phản ứng của dư luận trước các vấn đề liên quan tới Flynn.

Giới phân tích cho rằng Flynn bị bật khỏi ghế Cố vấn An ninh Quốc gia vì một tài liệu ghi lại nội dung trao đổi trong ít nhất một cuộc điện thoại của ông bị các cơ quan tình báo nghe lén.

noi-tinh-hon-loan-o-hoi-dong-an-ninh-quoc-gia-my-1

Đại sứ Nga tại Mỹ Sergey Kislyak, người được cho là đã trao đổi với ông Flynn về việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Nga. Ảnh: AP

Chuyên gia đánh giá quyết định từ chức của Flynn hé lộ phần nào tình hình bất ổn trong nội bộ NSC.

Ba tuần sau khi ông Trump nhậm chức, mỗi sáng, các nhân viên NSC phải đọc các dòng tweet Tổng thống viết trên Twitter và xoay sở đưa ra quyết sách phù hợp với những thông điệp đó. Hầu hết họ không được thông báo về những gì Trump nói với các lãnh đạo nước ngoài qua các cuộc điện thoại.

Một số nhân viên NSC thậm chí phải sử dụng mật mã để trao đổi với đồng nghiệp sau khi nghe tin các cố vấn cấp cao cho ông Trump đang cân nhắc một chương trình kiểm soát "mối đe dọa nội bộ", có thể dẫn đến việc giám sát điện thoại di động và email của họ để ngăn ngừa rò rỉ thông tin.

NSC là cơ quan tư vấn cho tổng thống hàng loạt lĩnh vực như chống khủng bố, chính sách ngoại giao, răn đe hạt nhân cùng nhiều vấn đề khác.

"Đó thực sự là một hội đồng hỗn loạn", hạ nghị sĩ Dân chủ Adam B. Schiff, thành viên cao cấp Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, nhận xét.

Trong cuộc trò chuyện điện thoại chiều 12/2, K. T. McFarland, Phó cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, cho hay những cuộc họp gần đây của NSC đã chặt chẽ, nhanh gọn và dứt khoát hơn trước nhưng bà cũng ghi nhận các quan chức NSC đang rơi vào trạng thái căng thẳng.

"Không chỉ vì đây là một chính quyền mới mà còn vì đây là một đảng khác và ông Trump được bầu bởi những người dân muốn phá bỏ nguyên trạng bộ máy chính quyền trước đây", McFarland nói. "Thật kỳ lạ nếu chúng ta không cảm thấy choáng váng trước những thay đổi vì hầu hết nhân sự nội các mới chưa từng làm việc trong chính phủ".

Rắc rối nội bộ

Bất kỳ bộ máy NSC mới nào với nhân viên được rút từ Bộ Ngoại giao, Lầu Năm Góc và các cơ quan khác, cũng phải trải qua một giai đoạn chấn chỉnh. Tổng thống Obama đã thay cố vấn an ninh quốc gia đầu tiên của mình, tướng 4 sao James Jones, sau khi nhận thấy ông này không phù hợp với chính quyền mới.

Những năm đầu tiên của NSC dưới thời Tổng thống George W. Bush cũng chứng kiến không ít xung đột giữa Phó tổng thống Dick Cheney, Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld và Ngoại trưởng Colin Powell.

Song các quan chức am hiểu vấn đề cho biết những gì đang diễn ra dưới thời Tổng thống Trump hoàn toàn khác biệt, không chỉ bởi chiến lược ngoại giao qua Twitter của ông.

Nhân viên NSC của Tổng thống Trump phần lớn đến từ quân đội, thường là những người có quan hệ với Flynn vào thời ông phục vụ với tư cách sĩ quan tình báo cấp cao rồi sau đó chuyển sang làm giám đốc Cơ quan Tình báo Bộ Quốc phòng Mỹ (DIA), trước khi bị ép rời chức vụ này.

Một số nhân viên NSC không muốn làm việc cho ông Trump đã trở về các cơ quan thường trực của họ, để lại khoảng trống lớn trong một bộ máy đòi hỏi nhân sự giàu kinh nghiệm. Nhiều người ở lại xem bản thân như các công chức không dính líu đến chính trị, do vậy, họ cảm thấy bất ổn trước những biểu hiện bè phái công khai.

noi-tinh-hon-loan-o-hoi-dong-an-ninh-quoc-gia-my-2

Flynn (phải) và cố vấn an ninh Stephen K. Bannon của Trump. Ảnh: Reuters

Ngay cả việc lưu hành các văn bản trong bộ máy hành chính của NSC giờ đây cũng trở nên thất thường. Theo New York Times, một quan chức cấp cao Lầu Năm Góc kể ông chỉ biết được dự thảo sắc lệnh hành pháp về đối xử với tù nhân là các nghi can khủng bố thông qua những lời bàn tán và tin tức rò rỉ trên báo chí. Ông đã gọi điện đến Nhà Trắng để xác minh thông tin về dự thảo sắc lệnh này. Ông lo lắng về dự thảo sắc lệnh nhưng không chắc có được phép đóng góp ý kiến hay không.

Một số quan chức cho hay Flynn là người phải chịu trách nhiệm cho sự thiếu vắng dòng chảy xuyên suốt của các văn bản từ NSC. Bộ trưởng Quốc phòng Mattis và Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Mike Pompeo thậm chí còn không nhìn thấy một số sắc lệnh hành pháp của Trump trước lúc chúng được ban hành.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN