Đẩy nhanh tiến độ dự án đại lộ Vinh - Cửa Lò sau điều chỉnh quy mô

15/02/2017 17:33

(Baonghean) - Đại lộ Vinh - Cửa Lò là công trình trọng điểm phục vụ cho các cực tăng trưởng của tỉnh. Hiện dự án đã được điều chỉnh quy mô nhỏ so với ban đầu do khó khăn về vốn. Sau điều chỉnh, các sở, ngành, địa phương liên quan đang vào cuộc hoàn thiện thủ tục xây dựng cơ bản, giải phóng mặt bằng các đoạn còn lại của dự án, đảm bảo hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra.

Sớm cắm mốc giải phóng mặt bằng

Dự án đại lộ Vinh - Cửa Lò (được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 994/QĐ- UBND- CN ngày 3/3/2010 và phê duyệt điều chỉnh ngày 2/5/2012) có tổng mức đầu tư 4.157 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước với quy mô dài 10,8km, theo tiêu chuẩn đường phố chính đô thị. Từ năm 2012 đến nay, dự án đã bố trí được 563 tỷ đồng để triển khai thực hiện GPMB trên toàn tuyến và xây lắp gói thầu số 5 dài hơn 3km qua thị xã Cửa Lò. Nhiều năm qua, tuyến đường thi công dở dang do gặp những khó khăn trong giải phóng mặt bằng, nhất là thiếu vốn.

Đại lộ Vinh - Cửa Lò đã thi công được 3,5km đoạn qua TX. Cửa Lò.Ảnh: Thu Huyền
Đại lộ Vinh - Cửa Lò đã thi công được 3,5km đoạn qua TX. Cửa Lò. Ảnh: Thu Huyền

Sau thời gian thi công kéo dài, mới đây với việc Chính phủ chỉ bố trí 1.100 tỷ đồng từ nguồn vốn trung hạn, Dự án đại lộ Vinh - Cửa Lò cũng buộc phải điều chỉnh quy mô so với ban đầu. Do đó, UBND tỉnh họp bàn, thống nhất phương án điều chỉnh quy mô nền đường từ 160m xuống 95m; tổng mức đầu tư 2.924 tỷ đồng, trong đó, giai đoạn 1 là 1.411 tỷ đồng.

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, việc điều chỉnh mới không làm ảnh hưởng chung đến trục tuyến, vẫn giữ được định hướng: Phát triển trục trung tâm Hưng Tây - Vinh - Cửa Lò là trục không gian biểu tượng mới của đô thị, dải phân cách trung tâm của trục có chức năng là vành đai xanh quy mô lớn, trong dải phân cách bố trí tuyến xe buýt nhanh, tích hợp dải phân cách với không gian mở của đô thị, công trình công cộng - văn hóa giao thông. Hai bên đường xây dựng các trung tâm khu đô thị mới cao tầng hiện đại, có mật độ xây dựng cao và có không gian cây xanh cảnh quan ngăn cách.

Ông Nguyễn Hồng Kỳ - Giám đốc Sở GTVT cho rằng: Với tổng kinh phí sau khi điều chỉnh 1.411 tỷ đồng, phương án mặt cắt đường 95m cho giai đoạn 1 là phù hợp và vẫn đảm bảo trục không gian biểu tượng mới của đô thị. Ngoài ra, việc bố trí bề rộng giải phân cách 21m cũng là phương án hợp lý, nhất là trong giai đoạn nguồn vốn khó khăn, ngân sách địa phương hạn hẹp, trong khi yêu cầu đặt ra là sớm để kết nối trục giao thông giữa trung tâm thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò.

“Để tiếp tục triển khai dự án, Sở GTVT cam kết việc cắm mốc giải phóng mặt bằng sẽ được thực hiện từ ngày 1/3 và những công việc liên quan đến tái định cư bắt đầu từ 1/4/2017. Lựa chọn nhà thầu xây lắp từ 20/5/2017, hoàn thành trước 30/6/2017; triển khai xây dựng từ tháng 7/2017, hoàn thành thông tuyến, thảm bê tông nhựa trong tháng 12/2018” - Giám đốc Sở GTVT cho biết thêm.

Tại cuộc họp UBND tỉnh nhằm thống nhất phương án điều chỉnh quy mô dự án, các đại biểu băn khoăn về bố trí tuyến xe buýt nhanh BRT, hệ thống tàu điện ngầm. Về vấn đề này, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải cho biết, theo bản vẽ kèm theo được phê duyệt thì tuyến xe buýt nhanh được tích hợp trong phạm vi giải phân cách, tuy nhiên, đoạn từ Hưng Tây - Vinh (Quốc lộ 1A ) - Trương Vân Lĩnh có giải phân cách giữa rộng 16 - 36m; đoạn từ Trương Vân Lĩnh - Cửa Lò rộng từ 21 - 86m. Mặt khác, với bề rộng tối thiểu giải phân cách 21m vẫn đảm bảo đáp ứng bố trí tích hợp tuyến buýt nhanh. Hiện nay, tuyến đại lộ Vinh - Cửa Lò đang có hệ thống đường gom mỗi bên rộng 9m, sau khi đầu tư hoàn chỉnh dự án có thể tích hợp tuyến buýt nhanh vào làn đường gom, giảm được kinh phí xây dựng các hệ thống cầu vượt, hầm chui, thuận lợi cho nhân dân.

Phối cảnh tổng thể chi tiết xây dựng 2 bên đại lộ.
Phối cảnh tổng thể chi tiết xây dựng 2 bên đại lộ. Ảnh: Thu Huyền

Đối với tuyến Metro đi ngầm, với công nghệ thi công mới hiện nay hoàn toàn không ảnh hưởng đến tuyến. Mặt khác, hiện nay sự kết nối trung tâm thành phố Vinh - Cửa Lò có 3 trục chính gồm Quốc lộ 46, Tỉnh lộ 535, và đại lộ Vinh - Cửa Lò, chiều dài kết nối ngắn khoảng hơn 10km kết hợp các hệ thống xe buýt công cộng nên việc đầu tư tuyến Metro ngầm chỉ nên thực hiện khi thực sự cần thiết.

Gấp rút đẩy nhanh tiến độ

Hiện nay, Dự án đại lộ Vinh - Cửa Lò đang còn rất nhiều việc phải làm, mà một trong những khó khăn nhất phải kể đến là công tác giải phóng mặt bằng, cần tiến hành di dời 682 ngôi mộ, di dời 316 hộ dân, xây dựng 9 khu tái định cư... mất rất nhiều thời gian.

Liên quan vấn đề này, ông Hà Thanh Tĩnh - Phó Chủ tịch UBND thành phố Vinh cho biết, các hộ dân thuộc xã Nghi Đức yêu cầu bồi thường giá đất nông nghiệp bằng giá các dự án trong khu vực đang triển khai như dự án xây dựng đường nối ven sông Lam đến Quốc lộ 46 thuộc Tiểu dự án phát triển đô thị Vinh được tài trợ bởi Ngân hàng Thế giới. Nếu như vậy kinh phí tăng thêm khoảng 81 tỷ đồng.

Để đẩy nhanh tiến độ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường giao nhiệm vụ cho Sở GTVT tham mưu UBND tỉnh kiện toàn Ban chỉ đạo và tổ thường trực, phối hợp chặt chẽ với Hội đồng GPMB các huyện cùng giải quyết các khó khăn vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng thi công dự án. Tiến hành triển khai lựa chọn nhà thầu, thủ tục xây dựng cơ bản. Sở Xây dựng quy hoạch tỷ lệ 1/500 hai bên đường; phối hợp điều chỉnh quy hoạch, GPMB dự án, xác định vị trí tái định cư điều chỉnh theo kiến nghị của người dân...

Các địa phương cũng cần nhanh chóng phê duyệt dự toán kinh phí hỗ trợ xây dựng hạ tầng cho các hộ này kịp thời để giảm tối đa quy mô và thời gian xây dựng các khu tái định cư. Trước mắt, các sở ngành, địa phương liên quan cần khẩn trương làm việc với các bộ, ngành Trung ương chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy hoạch xong trước 20/2/2017; quyết toán các khối lượng đã thi công trước ngày 15/4/2017...

Với phương án điều chỉnh này, công tác GPMB khối lượng cần phải thực hiện giảm đáng kể. Số hộ ảnh hưởng từ 672 hộ giảm xuống 352 hộ; số hộ di dời tái định cư từ 569 hộ giảm còn 352 hộ; số lô đất tái định cư từ 877 lô còn 598 lô. Đó là chưa kể mồ mả, công trình công cộng đều giảm. Theo tính toán, kinh phí giải phóng mặt bằng giảm được 640 tỷ đồng, phù hợp khả năng cân đối nguồn vốn bố trí cho dự án đến năm 2020 (ngân sách Trung ương là 1.100 tỷ đồng, ngân sách tỉnh là 311 tỷ đồng).

Hiện nay, các sở, ngành, địa phương liên quan đang tập trung hoàn tất các thủ tục quyết định chủ trương đầu tư dự án để có cơ sở triển khai các bước tiếp theo, tiến hành điều chỉnh quy hoạch và bố trí nguồn vốn. Đối với công tác tái định cư, UBND tỉnh đề nghị, UBND các huyện, thành, thị liên quan tổ chức lấy ý kiến, tuyên truyền vận động các hộ dân thuộc diện tái định cư mà không có nguyện vọng lấy đất tái định cư có thể tìm kiếm chỗ ở mới, tái định cư xen dắm vào các khu dân cư khác; đồng thời phê duyệt dự toán kinh phí hỗ trợ xây dựng hạ tầng cho các hộ gia đình này kịp thời để giảm tối đa quy mô và thời gian xây dựng các khu tái định cư.

Cùng với đó, rà soát các khu tái định cư đã xây dựng trong khu vực có thể bố trí cho dự án... Đối với phạm vi đã giải phóng mặt bằng nay giảm quy mô thu hẹp, UBND tỉnh sẽ tiến hành trồng cây xanh để tạo cảnh quan và tránh tái lấn chiếm./.

Thu Huyền

TIN LIÊN QUAN