Hiệp định Paris - Dấu mốc vĩ đại của lịch sử
(Baonghean.vn) - Sự kiện ký kết Hiệp định Paris năm 1973 không chỉ có ý nghĩa trọng đại trong lịch sử Việt Nam, mà còn là dấu mốc trong lịch sử quan hệ quốc tế.
Cách đây đúng 44 năm, ngày 27/1/1973 tại Pari, "Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam", gọi tắt là Hiệp định Pari về Việt Nam, đã được ký kết. Hiệp định đã buộc Mỹ phải thừa nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, rút hết quân Mỹ và quân chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam.
Toàn cảnh Hội nghị Pari về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. |
Văn kiện pháp lý quốc tế này là kết quả của cuộc đấu tranh ngoại giao cam go nhất, lâu dài nhất, trong lịch sử hơn 50 năm của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam. Việc Mỹ phải ký Hiệp định Pari là một thắng lợi cực kỳ to lớn, tạo ra cục diện có lợi cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam.
Cuộc đàm phán Pari kéo dài 5 năm, từ 15/3/1968 đến 27/1/1973. Giai đoạn đàm phán dưới thời Tổng thống Johnson diễn ra từ 15/3/1968 đến 31/10/1968. Kết thúc giai đoạn này Johnson tuyên bố chấm dứt ném bom và chấp nhận để Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (MTDTGPMNVN) tham gia Hội nghị Pari.
Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Paris về Việt Nam (27/1/1973). (Ảnh tư liệu) |
Tháng 1/1969, Nixon nhậm chức Tổng thống Mỹ. Đến ngày 18/1/1969, hội nghị 4 bên họp phiên đầu tiên dưới hình thức bàn tròn, đoàn đại biểu của MTDTGPMNVN xếp ngang hàng với các đoàn đại biểu khác. Trên bàn đàm phán, cuộc đấu trí diễn ra quyết liệt giữa các bên đàm phán, đặc biệt là giữa cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và trợ lý Tổng thống Mỹ Kissinger.
Ngày 8/10/1972, phái đoàn Việt Nam đưa cho Mỹ bản dự thảo Hiệp định với những điều khoản yêu cầu Mỹ rút hết quân khỏi miền Nam Việt Nam. Lúc đầu, bản dự thảo được các bên nhất trí nhưng đến ngày 22/10/1972 phía Mỹ lật lọng viện dẫn chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đòi sửa đổi bản dự thảo.
Ngày 12/12/1972 cuộc đàm phán phải tạm dừng. Đêm 18/12/1972, tổng thống Nixon ra lệnh ném bom huỷ diệt Hà Nội và Hải Phòng bằng B52. Cuộc đụng đầu lịch sử trong 12 ngày đêm được ví là "Trận Điện Biên Phủ trên không" kết thúc bằng việc 38 "pháo đài bay B52" và 43 máy bay chiến đấu khác của Mỹ nổ tung ngay trên bầu trời Hà Nội. Đây là đòn quyết định nhất buộc Nixon phải tuyên bố ngừng ném bom từ bắc vĩ tuyến 20 trở ra và đề nghị cho phía Mỹ gặp đoàn đại biểu Việt Nam tại Pari để ký hiệp định chấm dứt chiến tranh.
Từ trái qua: ông Xuân Thủy, ông Lê Đức Thọ và ông Henry Kissinger vẫy chào người dân sau khi buổi họp cuối cùng giữa các bên tại Trung tâm hội nghị quốc tế ở Paris kết thúc vào ngày 23/1/1973 |
Ngày 23/1/1973, cố vấn Lê Đức Thọ cùng trợ lý Tổng thống Mỹ Kissinger đã ký tắt văn bản Hiệp định. Ngày 27/1/1973 đã diễn ra lễ ký chính thức Hiệp định tại Pari, buộc Mỹ phải cuốn cờ rút khỏi miền Nam, đồng thời làm sụp đổ chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ, chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam.
Cội nguồn của thắng lợi Hội nghị Paris là tinh thần quyết chiến quyết thắng, là ý chí quật cường đấu tranh bền bỉ bảo vệ cho chân lý, giành độc lập tự do của cả dân tộc Việt Nam. Cuộc đấu tranh này phản ánh đầy đủ sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trí tuệ của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam, dựa vào chính nghĩa của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Ông Lê Đức Thọ bắt tay ông Henry Kissinger sau khi các bên đã ký tắt vào Hiệp định Paris ngày 23/1/1973. Việc Mỹ buộc phải ký Hiệp định Paris là thắng lợi to lớn, tạo ra cục diện có lợi cho cuộc đấu tranh giải phóng miền nam và thống nhất đất nước. Ảnh: AFP |
Hội nghị Pari và Hiệp định Pari mãi mãi đi vào trong lịch sử cách mạng Việt Nam nói chung và ngoại giao Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh nói riêng như một dấu son không bao giờ phai mờ. Hiệp định Pari còn là bằng chứng tất yếu của sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân tiến bộ toàn thế giới.
Khác hẳn với lịch sử ngoại giao trên thế giới như các Hội nghị Teheran, Yanta, Posdam, thành công của cuộc đàm phán đưa tới Hiệp định Pari gắn liền với phong trào của nhân dân thế giới đoàn kết và ủng hộ Việt Nam. Việt Nam đã tranh thủ được sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô, Trung Quốc, các nước Xã hội chủ nghĩa, sự giúp đỡ chí tình của Đảng Cộng sản Pháp, nhân dân Pháp và phong trào cánh tả, phong trào không liên kết, nhân dân các nước tư bản, nhân dân Mỹ và phong trào phản chiến của binh lính Mỹ.
Ngày 29/3/1973, Bộ Chỉ huy Mỹ ở Sài Gòn làm lễ cuốn cờ. Nhóm quân lính Mỹ cuối cùng rút khỏi miền nam Việt Nam. |
Sự hình thành của mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ nhân dân Việt Nam đã thể hiện phương châm kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh dân tộc với sức mạnh quốc tế, kết hợp ngoại giao nhà nước với ngoại giao nhân dân.
44 năm đã qua đi, giống như nhiều thành viên hai đoàn đàm phán Việt Nam năm xưa, những người bạn Pháp hay những người Việt tại Pháp khi ấy nay cũng người còn, người mất hoặc già yếu. Nhưng lịch sử ghi nhận họ - với những hành động cá nhân như những mảnh ghép riêng rẽ - đã tạo thành bức tường thành vững chắc cùng ý chí của nhân dân Việt Nam bảo vệ thành công hòa bình cho dân tộc Việt Nam. Lịch sử không bao giờ quên những đóng góp của họ.
Thái Bình
(Tổng hợp)
TIN LIÊN QUAN |
---|