Anh Sơn chú trọng nâng cao thu nhập cho người dân

29/01/2017 19:49

(Baonghean) - Đến thời điểm này, huyện Anh Sơn có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 3 xã đăng ký về đích trong năm 2017. Đây là sự nỗ lực không nhỏ đối với một địa phương miền núi nghèo, đi lên từ nông nghiệp thuần túy và có điểm xuất phát thấp...

Hiệu quả từ những cách làm

Những ngày này về với xã Đỉnh Sơn (Anh Sơn), cảm nhận rõ nét khí thế đổi mới, đô hội của vùng quê nông thôn miền núi. Chị Nguyễn Thị Minh - thôn Tháng Tám, vui vẻ: “Nhờ được sự quan tâm của các cấp, ngành trong việc phục hồi và phát triển cây cam Bãi Phủ, đầu tư xây dựng nhà văn hóa thôn, đường giao thông nông thôn nên chúng tôi rất phấn khởi và quyết tâm sản xuất xây dựng xã nhà ngày càng giàu mạnh”.

Cam Bãi Phủ ở Đỉnh Sơn đã khẳng địnhthương hiệu trên thị trường trong và ngoại tỉnh.
Cam Bãi Phủ ở Đỉnh Sơn đã khẳng định thương hiệu trên thị trường trong và ngoại tỉnh. (Ảnh Lương Mai)

Đỉnh Sơn là một xã miền núi phía Tây của huyện Anh Sơn, có diện tích tự nhiên 2.000 ha, hơn 1.800 hộ dân. Điều kiện đất đai giàu tiềm năng nhưng chưa được phát huy. Để hoàn thiện các chỉ tiêu, cách làm của xã là phát huy lợi thế, đầu tư hạ tầng, đa dạng hóa ngành nghề nhằm tăng giá trị sản xuất. Trong 5 năm, toàn xã đã huy động gần 60 tỷ đồng cứng hóa 40 km đường xã, thôn, ngõ, xây và nâng cấp 14 nhà văn hóa. Nhờ đầu tư hạ tầng toàn xã đã xây dựng được hàng trăm mô hình gia trại cho thu nhập ổn định. Trong đó trên 300 ha chè, 40 ha cam Bãi Phủ. Xã chú trọng phát triển trên 400 hộ sản xuất tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh và thương mại dịch vụ, 133 xe ô tô các loại, trên 500 người đang lao động và học tập ở nước ngoài. Ông Nguyễn Văn Hiếu - Chủ tịch UBND xã, vui vẻ: Nhờ đầu tư hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, ứng dụng KH-KT vào sản xuất, chăn nuôi và các ngành nghề, nên thu nhập bình quân năm 2016 đạt 23,4 triệu đồng/người, tăng 9 triệu đồng so với năm 2014. Những kết quả đó đã giúp xã hoàn thiện 19 tiêu chí về đích nông thôn mới năm 2016 đúng lộ trình.

Hùng Sơn nằm phía tả ngạn sông Lam của huyện Anh Sơn, từng là địa phương có nguồn thu thấp nhất huyện. Bước vào xây dựng nông thôn mới, xã chỉ đạt 2/19 tiêu chí, nhưng đến năm 2015, xã đã hoàn thành về đích nông thôn mới. Ông Võ Văn Hiền - Bí thư Đảng ủy xã Hùng Sơn, cho biết: Thành công lớn nhất sau khi về đích nông thôn mới đó là, xã khẳng định được vị thế cây chè công nghiệp trên đất đồi rừng (trên 540 ha) với doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm, 70% mô hình chè kết hợp cho thu nhập 150 - 200 triệu đồng/mô hình/năm. Việc chuyển đổi trồng ngô trên đất đồng vệ kém hiệu quả sang trồng mía đạt 50 ha được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Hiện nay, xã tiếp tục chỉ đạo quy hoạch 30 ha mía chất lượng cao, 150 ha chè sạch, vùng ngô theo hướng hàng hóa. Hiện xã đang trên đà xây dựng làng nghề thủ công sản xuất trà thành phẩm chất lượng cao bằng hái tay, và không phun bất cứ hóa chất nào trong các công đoạn sản xuất. Theo ông Võ Văn Hiền, mục tiêu của xã đến năm 2020 đạt thu nhập bình quân gần 38 triệu đồng/người, tăng 7 triệu đồng/người so với năm 2015.

Chè
Đồi chè công nghiệp thu lãi hàng tỷ đồng mỗi năm ở xóm 4 Hùng Sơn. (Ảnh Lương Mai)

Huyện Anh Sơn thực hiện xây dựng nông thôn mới năm 2011, khi bình quân mỗi xã mới đạt 4,95 tiêu chí NTM; sau hơn 4 năm, toàn huyện không còn xã dưới 10 tiêu chí. Chỉ tính riêng năm 2016, toàn huyện đạt 246 tiêu chí NTM, tăng 31 tiêu chí so với năm 2015. Toàn huyện đã xây dựng được trên 500 mô hình sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả cao như chăn nuôi trâu, bò sinh sản, hàng hóa, gà đồi quy mô từ 500 con trở lên, tập trung ở các xã Cẩm Sơn, Tường Sơn, Khai Sơn. Mô hình bí xanh ở xã Cẩm Sơn, Tào Sơn; mô hình cánh đồng mẫu ngô, lúa tại xã Tường Sơn; mô hình chè VietGAP tại xã Hùng Sơn; mô hình rau, củ quả sạch nhà lưới công nghệ cao tại xã Hội Sơn...

Công tác đầu tư hạ tầng được đẩy mạnh, tạo thuận lợi cho việc phát triển toàn diện mọi mặt đời sống nhân dân. Theo tổng hợp đến năm 2016, toàn huyện xây dựng được trên 110 km đường trục xã, 204 km đường trục thôn và ngõ xóm, đạt chuẩn nông thôn mới, nâng cấp 34 km kênh mương các loại, xây mới 12 chợ nông thôn, nâng cấp 13 trung tâm văn hóa xã, 84 nhà văn hóa thôn và 55 trung tâm thể thao thôn. Tính đến nay, toàn huyện có 5 xã về đích nông thôn mới, đó là Hùng Sơn, Cẩm Sơn (năm 2015) và xã Đỉnh Sơn, Hội Sơn, Tào Sơn (năm 2016).

Nhiều cơ chế chính sách mở

Theo lộ trình kế hoạch, năm 2017, toàn huyện tiếp tục nỗ lực phấn đấu thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đó là xã Hoa Sơn, Lĩnh Sơn và Long Sơn, đưa tổng số xã về đích của huyện lên 8/20 xã. Các xã đã đạt chuẩn tiếp tục hoàn thiện và nâng cao các nội dung, tiêu chí. Các xã chưa đạt chuẩn tăng từ 1 đến 2 tiêu chí, các tiêu chí cơ sở hạ tầng thiết yếu đảm bảo phục vụ tốt cho sản xuất góp phần nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân.

Một trong những cách làm của huyện là cụ thể hóa và giao nhiệm vụ cho các ban ngành, đoàn thể. Mỗi phòng, ban, đơn vị liên quan chỉ đạo 3 - 4 xã đạt tiêu chí ngành mình phụ trách. UBND huyện có văn bản yêu cầu các thành viên ban chỉ đạo hướng dẫn giúp các xã trong xây dựng kế hoạch thực hiện xây dựng nông thôn mới. Trong năm 2016, UBND huyện đã làm việc với 11 xã: Đỉnh Sơn, Hội Sơn, Tào Sơn, Thành Sơn, Bình Sơn, Hoa Sơn, Vĩnh Sơn, Thọ Sơn, Tường Sơn, Cao Sơn, Long Sơn... Từ đó, huyện tập trung chỉ đạo các địa phương thực hiện dồn điền đổi thửa, chuyển đổi ruộng đất, bố trí hợp lý cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển dịch cơ cấu lao động trong vùng nông thôn. Ứng dụng các tiến bộ KH-KT để xây dựng các mô hình cánh đồng mẫu lớn. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, huyện lồng ghép các chương trình và tổ chức được 87 lớp đào tạo nghề cho trên 2.100 lao động.

Mô hình chăn nuôi gà công nghiệp cho thu nhập cao ở xã Cẩm Sơn.
Mô hình chăn nuôi gà công nghiệp cho thu nhập cao ở xã Cẩm Sơn. (Ảnh Lương Mai)

Để triển khai thực hiện các nội dung cụ thể, trên tinh thần Nghị quyết số 64/2015/NQ/HĐND (năm 2015) của HĐND huyện, UBND huyện ban hành Quyết định số 01/2016 về một số chính sách khuyến khích các địa phương trong xây dựng nông thôn mới, cụ thể: Hỗ trợ 20 triệu đồng/nhà để xây dựng nhà văn hóa thôn đạt chuẩn, hỗ trợ 20 triệu đồng xây dựng thiết chế VHTT đạt chuẩn, 100 triệu đồng/km đường bê tông nông thôn cấp C và 75 triệu đồng/bãi xử lý rác thải tập trung. Cùng với đó, huyện hỗ trợ mỗi khu chăn nuôi tập trung 30 triệu đồng, mỗi trang trại thành lập mới 20 triệu đồng...

Nói về định hướng và giải pháp chỉ đạo trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Hữu Sáng - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn cho biết: Điều quan trọng nhất huyện luôn trăn trở đó là làm thế nào để nâng cao thu nhập cho người dân; đây vừa là mục tiêu vừa là giải pháp trong xây dựng NTM. Nhiệm vụ được huyện xác định tập trung cao độ trong chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2017 là nâng thu nhập bình quân lên trên 25 triệu đồng/người/năm; hộ nghèo giảm còn dưới 10%; trên 85% dân số tham gia bảo hiểm y tế; 95% người dân sử dụng nước sạch sinh hoạt hợp vệ sinh theo quy chuẩn...

Để thực hiện các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn, huyện tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; tích cực vận động, bàn bạc dân chủ với nhân dân để thực hiện những tiêu chí NTM chưa đạt, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt. Tăng cường công tác kiểm tra thực tế, nắm bắt tình hình để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc của từng xã cũng là cách làm được huyện coi trọng. Năm 2017, toàn huyện quyết tâm có thêm 3 xã về đích NTM.n

L.M - Đ.C

TIN LIÊN QUAN