Nghệ An: Hơn 1,2 tỷ con giống cho vụ tôm mới

22/02/2017 17:12

(Baonghean) - Mặc dù đến đầu tháng 3 mới bắt đầu mùa rộ thả tôm vụ 1, nhưng đến thời điểm hiện tại, các vùng nuôi tôm trong tỉnh đều đã cơ bản hoàn thành công tác chuẩn bị, một số ao đầm đã bắt đầu thả tôm.

Là 1 trong số 20 hộ của xã Diễn Trung (Diễn Châu) có nuôi tôm vụ 3 năm ngoái, hiện tại gia đình anh Nguyễn Hữu Sỹ, ở xóm 4 đang chuẩn bị thu hoạch tôm để bước vào thả vụ chính trong năm. Với 40 vạn con tôm giống thả trên 3.000 m2 ao nuôi, anh Sỹ đang dự kiến vụ tôm đông này thu về khoảng 5,5 tấn tôm thành phẩm.

“Giá bán hiện nay là 160.000 đồng/kg nếu bản lẻ, 130.000 đồng/kg bán sỉ cả xe. Khoảng một tuần nữa sẽ thu hoạch toàn bộ, sau đó xử lý, rửa, phơi ao để từ ngày 10 - 20/3 sẽ thả tôm vụ 1. Mấy năm nay giống tôm cơ bản ổn định và không bị thiếu, vụ đông vừa rồi tôi thả tôm giống của Công ty Việt Úc vì tôm giống của đơn vị này chịu lạnh tốt hơn. Vụ này dự kiến tiếp tục đặt giống tôm của Việt Úc...”, anh Sỹ cho biết.

l Kiểm tra sự phát triển tôm giống tại Công ty Việt Úc, xã Quỳnh Minh, huyện Quỳnh Lưu. Ảnh: Phú Hương
Kiểm tra sự phát triển tôm giống tại Công ty Việt Úc, xã Quỳnh Minh, huyện Quỳnh Lưu. Ảnh: Phú Hương

Cũng ở xã Diễn Trung, gia đình ông Ngô Xuân Đại - là một trong những hộ dân tiên phong nuôi tôm trên vùng đầm của xã. Những năm 2000, 2001 gia đình ông bắt đầu nuôi tôm với giống tôm sú, nhưng sau một thời gian, khi nuôi tôm sú không còn hiệu quả, ông quyết định chuyển sang nuôi hoàn toàn tôm thẻ chân trắng. Hiện tại, trên khu đầm tôm rộng 4 ha của gia đình ông Đại đang khẩn trương rải bạt lót đáy ao, xúc đất cải tạo ao đầm. Khác với mọi năm, 12 ao tôm của gia đình ông không còn dành hết để thả tôm mà một nửa trong số đó được ông dùng làm ao lắng.

Bắt đầu cải tạo lại đầm tôm từ tháng 12 âm lịch năm 2016, đến nay, ông Ngô Xuân Đại đã đầu tư gần 1 tỷ đồng trang bị hệ thống bạt nilon dày 5 ly để lót toàn bộ đáy ao, ngăn bùn vào và hạn chế tuyệt đối mầm bệnh từ bên ngoài bùn vào trong ao. Ông cũng đang thuê thêm 16 lao động làm việc liên tục, dự kiến sau tiết Thanh minh mới thả 4 triệu con tôm giống, vì theo ông thời tiết hiện đang giai đoạn giao mùa, không thuận lợi cho loài vật mẫn cảm với thay đổi thời tiết như tôm.

Người dân xã Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu) thả tôm giống.  Ảnh: Phạm Bằng
Người dân xã Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu) thả tôm giống. Ảnh: Phạm Bằng

Xã Diễn Trung có 86 hộ nuôi tôm, với tổng diện tích 55 ha. Hàng năm, toàn xã có khoảng 20 hộ tham gia nuôi tôm vụ 3 với tổng diện tích khoảng trên 25 ha, đến nay còn 7 hộ bắt đầu thu hoạch. Còn lại hầu hết toàn bộ diện tích bà con đã và đang tiến hành cải tạo ao đầm chuẩn bị từ ngày 10 - 20/3 sẽ tập trung thả tôm, một số ít diện tích đã bắt đầu được thả.

Theo ông Đậu Ngọc Hòa - Giám đốc HTX chăn nuôi VietGAP xã Diễn Trung, năm nay thời tiết thuận lợi, nắng ấm nhiều hơn năm ngoái nên ngay từ tháng 1 bà con đã tập trung cải tạo, xử lý ao đầm; trong vòng 20 ngày tới sẽ xong hoàn toàn để sang đầu tháng 3 tập trung thả tôm, thời vụ kéo dài từ 10/3 và có thể kéo rải đến 10/5, sau khi thu hoạch sẽ tiếp tục xử lý, thau rửa và phơi đáy trong vòng 1 tháng để thả vụ tiếp theo.

“Vài năm gần đây, Diễn Trung có chuyển biến rất mạnh trong nuôi tôm theo quy trình chuẩn, sạch. Toàn bộ 86 hộ nuôi tôm đều đã đầu tư làm giếng lọc chứ không sử dụng nước lấy trực tiếp từ ngoài sông vào nữa. Đặc biệt, nếu trước đây diện tích ao được sử dụng hết để thả tôm, thì từ năm 2016 đến nay, đã có 34 ha tôm vùng nuôi có ao lắng, với diện tích bình quân 1/3, thậm chí có hộ sử dụng tới 1/2 diện tích đầm làm ao lắng. 70% ao nuôi được da trát bằng bê tông, nhiều hộ dùng bạt dày 3 - 4 ly để lót đáy và thành ao, giúp nguồn nước không bị thất thoát, hao tổn, nước bẩn không vào được ao nhằm ngăn chặn mầm bệnh gây ảnh hưởng đến môi trường nuôi”, ông Đậu Ngọc Hòa cho biết.

Vụ tôm 1 năm nay, Quỳnh Lưu thả 465 ha, trong đó xã nhiều nhất là Quỳnh Bảng 196 ha, còn lại Quỳnh Thanh 78 ha, An Hòa 46 ha... Theo tổng hợp nhanh của Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện, đến ngày 20/2 toàn huyện đã thả được khoảng 20 ha tôm, những diện tích còn lại, ao đầm cơ bản đã được cải tạo, xử lý xong, bà con bắt đầu thả rải rác, tháng 3 sẽ bắt đầu vào vụ thả rộ.

Với diện tích 465 ha tôm, Quỳnh Lưu cần khoảng 5 triệu con giống, chủ yếu lấy của các cơ sở trên địa bàn và một phần nhập từ các tỉnh phía Nam. Đến nay, địa phương đã làm việc với các đơn vị ương gièo, cung ứng giống trên địa bàn ưu tiên dành đủ nguồn giống đảm bảo chất lượng cho bà con.

Người dân xã Diễn Trung (Diễn Châu) thả tôm vụ 1 năm 2017. Ảnh: Hồng Hạnh
Người dân xã Diễn Trung (Diễn Châu) thả tôm vụ 1 năm 2017. Ảnh: Hồng Hạnh
Với mục tiêu đạt tổng sản lượng 6.500 - 6.800 tấn tôm năm 2017, vụ 1 năm nay toàn tỉnh dự kiến thả 1.350 ha tôm, trong đó nhiều nhất là TX. Hoàng Mai 550 ha, Quỳnh Lưu gần 500 ha, còn lại là các huyện Diễn Châu, Nghi Lộc và xã Hưng Hòa (TP. Vinh). Năm nay, lịch thả sớm hơn mọi năm nên ngay từ trong Tết, trừ những diện tích nuôi tôm vụ 3, người dân các vùng tôm đã tập trung cải tạo, xử lý ao đầm. Vụ tôm năm 2016, ngành Nông nghiệp bắt đầu ban hành và áp dụng quy trình sản xuất sạch, tuy một phần diện tích được bớt ra để làm ao lắng, mật độ thả cũng thấp hơn, nhưng nhìn chung năng suất vẫn đảm bảo và tăng, bình quân đạt từ 3,5 - 4,5 tấn/ha.

Trên đà thắng lợi đó, năm nay, ở hầu hết các vùng nuôi từ tháng 12/2016 đến nay bà con đã đồng loạt chuyển đổi áp dụng quy trình, 60% đã tăng diện tích ao lắng chứa nước lên tỷ lệ 50 - 50 so với trước đây chỉ để từ 15 - 20% diện tích làm ao lắng, không áp dụng một ao nuôi cố định mà luân phiên để trữ và chủ động được nguồn nước sạch đã qua xử lý, sử dụng các chế phẩm sinh học.

Theo Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thủy sản - ông Tạ Quang Sáng, từ ngày 20/2 là bắt đầu lịch thời vụ thả tôm vụ 1, đến nay đã thả ở một số diện tích ở Quỳnh Lưu, Nghi Lộc... Lịch thời vụ còn dài, nhưng năm nay đặc biệt lưu ý bà con không thả giống thời điểm tháng 6 do năm nay nhuần hai tháng 6, thời tiết nắng nóng nếu thả sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của tôm. Trong kế hoạch, các cơ sở ương gièo trên địa bàn đã đăng ký cung ứng trên 1,2 tỷ con giống, đáp ứng đủ nhu cầu cho người dân.

Ngành thủy sản và các địa phương đã làm việc, yêu cầu các đơn vị có giải pháp cung ứng đủ giống cho việc xuống giống đại trà, tuy nhiên, trong chỉ đạo ngành vẫn khuyến cáo, tuyên truyền để từ trong mỗi vùng nuôi, trong mỗi hộ gia đình tự cân đối, thả rải, ngắt vụ để chủ động được nguồn giống và tiêu thụ khi thu hoạch. Công tác quản lý giống cũng được đẩy mạnh, tôm bố mẹ đòi hỏi đầy đủ hồ sơ, chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo chất lượng. Những trường hợp con giống vào địa bàn mà không qua ương gièo, ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp chính quyền địa phương và công an xử lý, trục xuất theo đúng quy định của Luật Thú y.

Phú Hương

TIN LIÊN QUAN