'Tổ chức Đảng xa dân thì khó làm được việc'
Ông Lê Quang Thưởng cho rằng, ở đâu tổ chức Đảng xa dân, không dựa vào dân, không phát động được nhân dân thì khó làm được việc.
Đấu tranh ngăn chặn đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là cuộc chiến đầy cam go, nhưng không thể không làm vì nó liên quan đến vận mệnh của Đảng và chế độ. Chính vì vậy, việc ban hành một Nghị quyết nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng đã nhận được sự quan tâm và kỳ vọng rất lớn của dư luận xã hội. Phóng viên VOV phỏng vấn ông Lê Quang Thưởng - nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương về nội dung này.
Ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương. |
PV: Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã và đang tạo ra sức lan tỏa nhanh, rộng và tác động mạnh mẽ đến đời sống tinh thần của xã hội. Đây là một nhận định của tất cả dư luận trong Đảng cũng như trong nhân dân. Ông ấn tượng sâu sắc nhất về điều gì trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4?
Ông Lê Quang Thưởng: Trong quá trình triển khai, các cấp, các ngành họp, nghe báo cáo, thảo luận, bàn những biện pháp để thực hiện Nghị quyết đi vào cuộc sống. Nghị quyết này Trung ương xây dựng khá chi tiết, cụ thể, các biện pháp đề ra cũng mạnh mẽ, quyết liệt và vấn đề là cần phải thực hiện thế nào. Vì vậy người dân mong đợi việc quán triệt nhận thức thực hiện như thế nào.
PV: Một trong những điểm mới của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII chính là việc xây dựng tiêu chí để thực hiện công tác đánh giá, sàng lọc đảng viên. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những thách thức đối với cán bộ, đảng viên và lãnh đạo. Theo ông, làm thế nào để triển khai công tác này một cách hiệu quả nhất?
Ông Lê Quang Thưởng: Yếu tố quan trọng nhất là người đứng đầu phải quyết liệt, nghiêm túc. Ở nơi nào người đứng đầu không tích cực, thậm chí có những thiếu sót, khuyết điểm thì khó thực hiện được. Hy vọng các cấp, các ngành, các tổ chức Đảng phải đồng loạt thực hiện cho tốt thì mới thúc giục được mọi người làm theo.
PV: Theo ông, vũ khí phê bình và tự phê bình có còn đủ sức để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống hiện nay của một bộ phận cán bộ, đảng viên hay không?
Ông Lê Quang Thưởng: Trước hết, trong tổ chức Đảng phải làm tốt phê bình và tự phê bình; Nhà nước cần có chính sách, cơ chế thích hợp để kiểm soát tình hình. Một điều quan trọng nhất là phải dựa vào dân, phát động nhân dân tham gia vào việc cổ vũ những mặt tích cực và đấu tranh với những mặt tiêu cực. Ở đâu tổ chức Đảng xa dân, không dựa vào dân, không phát động được nhân dân thì khó làm được việc. Áp dụng những biện pháp tổng hợp về giáo dục, quản lý, cơ chế chính sách và đặc biệt là nhân dân phải tham gia.
Thời này là thời kỳ đổi mới sâu sắc, toàn diện và thực hiện cơ chế thị trường nên mặt tích cực cũng nhiều nhưng mặt tiêu cực cũng không ít, ảnh hưởng vào tổ chức Đảng. Gần đây, các lãnh đạo cấp cao cũng đã quyết tâm, nêu ra một số vụ án lớn để chỉ đạo xử lý nhưng tôi vẫn cảm thấy hơi chậm, dân đang mong chờ sự chỉ đạo mạnh mẽ hơn.
PV: Chúng ta đang bước sang năm mới Đinh Đậu với nhiều vận hội mới nhưng cũng không ít những khó khăn, thách thức. Theo ông, cần làm thế nào để những tinh thần mới, khí thế mới của Nghị quyết Trung ương 4 tiếp tục được phát huy và tạo được niềm tin của nhân dân với Đảng?
Ông Lê Quang Thưởng: Đây là một Nghị quyết làm lâu dài chứ không phải làm 1, 2 năm là xong, vì vậy sự chỉ đạo phải hết sức kiên trì, rút kinh nghiệm từng bước thì Nghị quyết mới đi vào cuộc sống.
PV: Trong 4 nhiệm vụ giải pháp, theo ông cần chú trọng đến nhóm nhiệm vụ giải pháp nào?
Ông Lê Quang Thưởng: Lớn nhất là giáo dục chính trị tư tưởng phải làm tốt hơn. Các tổ chức Đảng, các cấp ủy Đảng phải tăng cường công tác quản lý của mình để công việc này thực sự là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng trong thời gian hiện nay và sắp tới, kể cả quản lý trong Đảng và quản lý của Nhà nước. Một vấn đề quan trọng nữa là phải dựa vào nhân dân.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng một việc làm có ích, một đóng góp thiết thực có giá trị hơn nhiều so với những lời nói khoa trương và một tấm gương sống sẽ hơn hàng trăm bài diễn văn tuyên truyền. Ông nghĩ sao về sự gương mẫu và việc tôn vinh những tấm gương có sức lan tỏa lớn trong cộng đồng?
Ông Lê Quang Thưởng: Việc nêu gương rất quan trọng, thực tế hơn những bài giảng và đi vào lòng dân tốt hơn.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Theo VOV