Hành trình đến 'ốc đảo' biệt lập nhất Nghệ An

27/02/2017 16:49

(Baonghean.vn) – Đến thời điểm hiện nay, có thể xem Hữu Khuông (Tương Dương) là xã heo hút và khó khăn nhất tỉnh. Bởi nằm giữa lòng hồ thủy điện bản Vẽ, địa hình phức tạp, giao thông cách trở, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

» Linh mục Nguyễn Đình Thục kích động giáo dân

Để đến trung tâm xã Hữu Khuông không có cách nào khác là đi thuyền máy giữa lòng hồ thủy điện Bản Vẽ.
Để đến trung tâm xã Hữu Khuông không có cách nào khác là đi thuyền máy giữa lòng hồ thủy điện Bản Vẽ. Ảnh: Hồ Phương.

Nhiều lần lên với miền Tây Nghệ An nhưng hành trình vào Hữu Khuông lần này mới thực sự là "trèo đèo lội suối". Không phải từ chân đập thủy điện Bản Vẽ chạy vào lòng hồ, chúng tôi phải cất công ngược lên Mường Xén, đi qua Phá Đánh, Huồi Tụ, Mỹ Lý của huyện Kỳ Sơn rồi theo đường Tây Nghệ An sang Mai Sơn, Nhôn Mai của Tương Dương.

Tính từ trung tâm huyện Tương Dương, chặng đường này ngót 200km, mất hơn 3 giờ chạy ô tô. Từ Nhôn Mai lại ngồi thuyền máy xuôi lòng hồ Bản Vẽ, đến trung tâm xã Hữu Khuông mất khoảng hơn 1 giờ nữa. 4 giờ đồng hồ đầy mệt mỏi.

Vừa đặt chân lên mặt đất, Bí thư Đảng ủy xã Lô Văn Tùng liền nói: “Chào mừng các anh đến với Hữu Khuông, xã duy nhất của tỉnh chưa có đường về trung tâm”.

Hữu Khuông
Ở Hữu Khuông một số bản đã có thể đi xe máy. Nhưng trước khi về bản, xe máy cũng phải...đi thuyền. Ảnh: Hồ Phương.

Hữu Khuông là nơi cư trú của đồng bào Thái, Mông và Khơ mú, hiện xã có 7 bản, gồm: bản Xàn, Huồi Cọ, Con Phen, Pủng Bón, Tủng Hốc, Huồi Pủng, Chà Lâng. Chỉ tên gọi thôi đã thấy lạ lẫm và rất xa xôi rồi. Tuyến đường Yên Tĩnh – Hữu Khuông mới chỉ đến bản Xàn và Huồi Cọ, nhà nước chưa có kế hoạch triển khai những đoạn tiếp theo. Thế là 5/7 bản của xã đành chịu cảnh chưa có đường bộ, đi lại bằng thuyền máy và xe "căng hải" tức... hai cẳng!

Xung quanh là núi non bao bọc, ở giữa là lòng hồ mênh mông, Hữu Khuông trở thành một “ốc đảo” gần như tách biệt với các xã trong vùng. Nguồn thu nhập chính của người dân vẫn chưa có gì khác ngoài nương rẫy.

Địa hình dốc, kỹ thuật canh tác lạc hậu, chăn nuôi thì chỉ theo cách truyền thống nhất là... thả rông. Tư duy của người dân Hữu Khuông vẫn bó hẹp trong cái vòng luẩn quẩn tự cung tự cấp chứ chưa biết phát triển kinh tế hàng hoá.

Mà kể cả có nghĩ đến thì cũng không mấy khả thi vì chưa có đường bộ thì biết lưu thông hàng hoá như thế nào? Chúng tôi không lấy làm ngạc nhiên khi biết tỷ lệ hộ nghèo của xã nằm ở mức hơn 80%, trở thành một trong những xã nghèo nhất tỉnh.

Đường về bản Huồi Pủng cheo leo, cách trở nên hàng hóa không thể lưu thông.
Những con đường về các bản ở Hữu Khuông cheo leo, cách trở nên hàng hóa không thể lưu thông. Ảnh: C.K.

Sống quanh quẩn với núi rừng và nương rẫy, đồng bào các dân tộc ở Hữu Khuông còn giữ được khá niều những phong tục từ thuở xa xưa. Đến bản Mông Chà Lâng chúng ta dễ dàng bắt gặp những ngôi nhà lợp ván sa mu phủ đầy rêu phong trong làn sương mờ ảo. Hay những chú ngựa được dùng để thồ hàng qua những con dốc vắt vẻo.

Đến các bản làng Khơ mú, thấy những người đàn ông, và cả đàn bà nữa, họ ngồi trước hiên nhà, ngậm chiếc tẩu thuốc và đăm chiêu phả làn khói vào không trung. Đó là những thứ "đặc sản" ở Hữu Khuông còn lưu giữ được.

Người dân Khơ mú ở Hữu Khuông vẫn lưu giữ cách hút thuốc lá bằng tẩu.
Người dân Khơ mú ở Hữu Khuông vẫn lưu giữ cách hút thuốc lá bằng tẩu.

Dù vậy nhưng theo lời người dân ở đây, so với trước đời sống ở Hữu Khuông đã có nhiều thay đổi. Một số bản đã có điện lưới quốc gia, có sóng điện thoại để liên lạc. So với các xã bạn cạnh bên là Mai Sơn và Nhôn Mai, những bước tiến của Hữu Khuông như rùa so với thỏ. Nhưng với người Hữu Khuông thì đã là cả một thay đổi lớn, mở ra cho họ cánh cửa kết nối với cộng đồng.

Khi chúng tôi có mặt ở Hữu Khuông, bà con nơi đây đang tích cực làm chiến dịch mở đường giao thông về bản. Năm nay, xã tập trung chỉ đạo mở tuyến đường từ bản Con Phen (trung tâm xã) đi bản Huồi Pủng với chiều dài 7,1km.

Huyện hỗ trợ bằng cách điều máy ủi san 2km, phần còn lại xã huy động gần 600 nhân công của tất cả các bản thực hiện trong vòng 5 ngày. Một con đường nhỏ men theo sườn núi, chạy về Huồi Pủng đã hình thành.

Trên những con thuyền chòng chành giữa lòng hồ Bản Vẽ hay trên những sườn núi dốc nơi những con đường nhỏ bé được mở ra, người Hữu Khuông vẫn không ngừng ước mơ về những con đường lớn.

Công Kiên

TIN LIÊN QUAN