Thái Lan xả bán gạo tồn kho, gây khó cho gạo Việt

22/02/2017 08:29

Kế hoạch xả bán hơn 8 triệu tấn gạo của Thái Lan sẽ tác động đến tình hình thị trường gạo thế giới, trong đó có Việt Nam.

Mục tiêu xuất khẩu hơn 5 triệu tấn gạo, trị giá 2,3 tỷ USD trong năm 2017 của Việt Nam đang trở nên khó khăn khi đối thủ lớn trong xuất khẩu gạo là Thái Lan có kế hoạch bán xả kho 8 triệu tấn gạo dự trữ. Đây sẽ là một trong những nguyên nhân chính khiến tình hình tiêu thụ gạo của nước ta gặp nhiều trở ngại, nhất là trong vụ Đông Xuân tới đây - vụ sản xuất chính trong năm của Việt Nam.

Trong những ngày đầu năm 2017, nhiều doanh nghiệp đã có khách hàng giao dịch và ký được một số hợp đồng xuất khẩu gạo quan trọng. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, tình hình kinh doanh gạo có dấu hiệu chững lại, có doanh nghiệp không ký thêm được hợp đồng nào.

suc ep xuat khau gao khi thai lan xa ban gao ton kho hinh 1
Dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam chịu ảnh hưởng khi Thái Lan xả bán gạo tồn kho. (Ảnh minh họa: KT)

Nguyên nhân là do giá gạo trong nước và giá xuất khẩu của Việt Nam đang tăng nhẹ so với thời điểm trước Tết. Cùng với đó là thông tin Thái Lan có kế hoạch giải quyết toàn bộ hơn 8 triệu tấn gạo tồn kho trong 6 tháng đầu năm nay đã tác động đến tình hình thị trường gạo thế giới, trong đó có Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho rằng, việc Thái Lan xả kho gạo trong những năm gần đây sẽ tác động khiến xuất khẩu gạo của nước ta bị sụt giảm mạnh mà điển hình là năm 2016.

Việc Thái Lan quyết định bán hết toàn bộ số gạo tồn kho trong nửa đầu năm nay sẽ tiếp tục tác động xấu đến giá gạo xuất khẩu được dự báo sẽ tiếp tục giảm mạnh. Điều này đồng nghĩa với việc sản xuất và tiêu thụ lúa gạo vụ Đông Xuân sắp tới sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Chỉ khi nào gạo tồn kho của Thái Lan được giải quyết hoàn toàn thì thị trường xuất khẩu mới có khả năng phục hồi.

Ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng Hội nông nghiệp phát triển nông thôn Việt Nam cho rằng, với giải pháp ngắn hạn, cần phải tạo sự chủ động nhất cho doanh nghiệp.

“Quan trọng hơn là doanh nghiệp cần gắn với sản phẩm sạch để làm sao đáp ứng được yêu cầu thị trường, nâng cao giá trị lúa gạo, cùng với đó là tái cơ cấu từ sản xuất lúa, bởi đây là mặt hàng có vị thế rất lớn và có truyền thống lâu đời của nước ta. Một điều nữa là không nên bị động với thị trường bởi xu hướng của Thái Lan luôn biến động và ở vị trí cao”, ông Hùng cho hay.

Ngoài yếu tố xả bán gạo tồn kho của Thái Lan, gạo Việt đang chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác, đó là gạo tồn kho của thế giới đang tăng cao, các nước nhập khẩu lại đẩy mạnh chính sách tự túc an ninh lương thực. Kèm theo đó là xu hướng tự do hóa trong thương mại gạo và hàng rào kỹ thuật ở các nước nhập khẩu ngày càng cao.

Để ổn định thị trường lúa gạo trong nước cũng như đảm bảo xuất khẩu, Chính phủ, các bộ, ngành đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động tìm kiếm các hợp đồng để xuất khẩu là yêu cầu cấp thiết và là một trong những biện pháp cởi trói cho doanh nghiệp hiện nay. Bởi trong 5 triệu tấn gạo xuất khẩu của Việt Nam trong năm qua thì có đến 70% là từ các hợp đồng thương mại.

Trong bối cảnh tiêu thụ gạo đang gặp nhiều khó khăn, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp Việt có thể cạnh tranh được ở phân khúc gạo chất lượng cao vào các thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, EU… vì các thị trường này đang có nhu cầu tiêu thụ gạo rất lớn.

Tuy nhiên, để tăng sức cạnh tranh và đảm bảo xuất khẩu gạo bền vững, về lâu dài các doanh nghiệp vẫn phải đảm bảo được chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và nâng cao chất lượng sản phẩm gạo./.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN