Nỗi ám ảnh mang tên khủng bố cực đoan

06/02/2017 20:17

(Baonghean) - Chủ nghĩa khủng bố cực đoan đang bị đẩy lùi trên nhiều mặt trận song bóng ma của nó vẫn ám ảnh, gây ảnh hưởng không nhỏ đến quyết sách của nhiều quốc gia, nhất là trong bối cảnh thế giới đang khá nhạy cảm như hiện nay.

Người dân biểu tình chống sắc lệnh cấm nhập cư tại New York hôm 2/2. Ảnh: AP
Người dân biểu tình chống sắc lệnh cấm nhập cư tại New York hôm 2/2. Ảnh: AP

Mỹ “co cụm lại” với sắc lệnh cấm nhập cư

Ngày 3/2, thẩm phán Mỹ James Robart của bang Washington đã tạm thời ngăn cản lệnh cấm nhập cư mà Tổng thống Donald Trump ký ngày 27/1 áp dụng với người di cư, trong đó cấm người dân từ 7 quốc gia Hồi giáo tới Mỹ.

Sắc lệnh trên nhằm mục đích tạm thời ngăn chặn việc nhập cư vào Mỹ của người dân đến từ Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Yemen và vĩnh viễn với người Syria – những quốc gia bị xem là có nhiều phần tử cực đoan nguy hiểm.

Quyết định của ông Trump đã làm dấy lên làn sóng phản đối ở Mỹ. Nhiều cuộc biểu tình và tình trạng hỗn loạn đã xảy ra khi nhiều vụ bắt giữ diễn ra ở sân bay trên khắp cả nước. Mới đây nhất, Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại New York MoMA thể hiện sự phản đối bằng cách trưng bày các tác phẩm của những người nghệ sĩ Sudan, Iran hay Iraq.

Không chỉ ở trong nước, cộng đồng quốc tế cũng lên án sắc lệnh này và cho rằng đây là những biện pháp phân biệt với người Hồi giáo trong khi Nhà Trắng một mực phủ nhận.

Thẩm phán James Robart tin rằng, sắc lệnh đặc biệt nhằm vào các công dân Hồi giáo trái với điều mà Hiến pháp Mỹ quy định về việc nghiêm cấm phân biệt đối xử. Nhà Trắng ngay sau đó đã bày tỏ sự bực tức về quyết định của thẩm phán.

Trong thông báo đầu tiên của mình, Nhà Trắng cho biết phán quyết là một quyết định “tai tiếng” trước khi xóa bỏ từ này khoảng 7 phút sau đó, đồng thời đảm bảo Bộ Tư pháp sẽ nhanh chóng hành động nhằm bảo vệ một quyết định “chính xác và thích hợp”.

Nhà Trắng giải thích, sắc lệnh được đưa ra nhằm đảm bảo sự an toàn cho công dân Mỹ trước mối đe dọa cực đoan khi những kẻ khủng bố đến dưới vỏ bọc người di cư. Tuy nhiên, có vẻ như lập luận này không mấy thuyết phục khi những vụ tấn công mới nhất ở Mỹ được thực hiện bởi những kẻ không liên quan đến các nước nằm trong danh sách bị cấm. Một số nhà phân tích tin rằng, quyết định trên của Nhà Trắng chỉ càng khiến cho các nhóm cực đoan tiếp tục thêu dệt Mỹ đang mở một cuộc chiến tranh chống lại Hồi giáo.

Và vài giờ trước khi có quyết định của thẩm phán James Robart, CNN đã cho công bố một cuộc khảo sát, trong đó đa số người được hỏi (53%) phản đối sắc lệnh cấm nhập cư, 55% người dân cho rằng một sắc lệnh như trên không khác gì một lệnh cấm người Hồi giáo.

Hiện tại, chưa thể nói trước điều gì về số phận của sắc lệnh cấm người di cư mà ông Trump đưa ra khi phán quyết của thẩm phán James Robart mới chỉ là tạm thời. Song việc sắc lệnh này sẽ vấp phải rất nhiều sự phản đối từ trong và ngoài nước là điều dễ dàng tiên liệu trước khi nó không chỉ tác động đến xã hội Mỹ mà còn làm gia tăng sự hỗn loạn trên toàn cầu.

Và có lẽ cũng đúng như Ngoại trưởng Pháp Jean Marc Ayrault khi bày tỏ quan điểm trước sắc lệnh cấm nhập cư của Tổng thống Trump rằng: “Khi đối mặt với một thế giới bất ổn và bấp bênh, tìm cách co cụm lại là một phản ứng vô ích”.

Hai binh lính canh gác một người đàn ông nằm dưới đất sau vụ tấn công bằng dao ở trung tâm mua sắm Carroussel ở Bảo tàng Louvre hôm 3/2. Ảnh: AP
Hai binh lính canh gác một người đàn ông nằm dưới đất sau vụ tấn công bằng dao ở trung tâm mua sắm Carroussel ở Bảo tàng Louvre hôm 3/2. Ảnh: AP

Pháp canh cánh nỗi lo chống khủng bố

Nước Pháp vẫn chưa thoát khỏi “bóng ma” của những vụ tấn công khủng bố trong thời gian qua thì sáng ngày 3/2, một vụ tấn công bằng dao lại xảy ra ở trung tâm mua sắm Carroussel ở Bảo tàng Louvre, thủ đô Paris.

Khoảng 10 giờ sáng, một người đàn ông chưa xác định danh tính đã tiến về phía 4 người binh lính ở lối vào trung tâm mua sắm. Y mặc một chiếc áo T-shirt màu đen có hình đầu lâu, mang theo 1 ba lô và dùng dao tấn công một binh lính Pháp. Y đã hét lên “Allahu Akbar” (Thượng đế vĩ đại) trước khi lao vào tấn công binh lính và bị bắn hạ sau đó.

Theo thông tin đầu tiên từ cuộc điều tra, hung thủ là một người Ai Cập, 29 tuổi, thường trú tại Dubai. Các công tố viên chống khủng bố đã mở một cuộc điều tra về hành vi “cố tình giết người có liên hệ với tổ chức khủng bố” cho vụ việc trên.

Lực lượng an ninh đã khám xét nhưng không tìm thấy súng, chất nổ hay giấy tờ tùy thân của nghi phạm. Đáng nói, y không nằm trong danh sách theo dõi của lực lượng tình báo Pháp. Theo những gì mà các nhà điều tra tìm thấy trên tài khoản Facebook và Twitter thì nghi phạm có giấy công tác ở Dubai, là một fan hâm mộ bóng đá và đã cưới vợ.

Y đến Pháp hôm 26/1 sau khi xin visa từ Các tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và dự định rời khỏi Pháp vào ngày 5/2. Y đã thuê một căn hộ ở quận 8 với giá 1.700 euro trong vòng 1 tuần và mua 2 con dao ở một cửa hàng tại quận 11 với giá 680 euro hôm 28/1, tức chỉ 2 ngày sau khi đến Paris.

Hoạt động trên Twitter của y tăng đột biến trong 24 giờ trước khi gây án. Khoảng 1 giờ trước khi gây án, y ít nhất 10 lần đăng tải những thông điệp dạng như “Tại sao chúng lại sợ sự xuất hiện của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS)?”, “IS bảo vệ lãnh thổ và danh dự của người Hồi giáo”, “Họ chiến đấu nhân danh Thượng đế và không hề lo sợ”…

Còn theo như dòng Twitter cuối cùng tại Ả Rập, nếu như y là tác giả của nó thì dường như là lời thông báo cho kế hoạch sắp tới với các thông điệp “Không thỏa hiệp”, “Không quay trở lại”, “Không có hòa bình trong chiến tranh” và 1 dòng trạng thái bằng tiếng Anh lộn xộn khó hiểu “You are not Donald Trump and more… from now on your official name is: Donald Duck” (Bạn không phải là Donald Trump và hơn thế nữa... từ bây giờ tên chính thức của bạn là: Donald Duck).

Các nhà điều tra, công tố viên Pháp đang làm rõ động cơ gây án của nghi phạm và rất thận trọng khi đưa ra các kết luận bởi chỉ chưa đầy 3 tháng nữa nước Pháp sẽ chính thức diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống năm 2017.

Nhiều người không loại trừ khả năng vụ tấn công do các chiến binh Hồi giáo cực đoan đơn độc tiến hành nhằm làm suy yếu, đánh vào nền kinh tế và trừng phạt những hành động chống lại nhà nước Hồi giáo của chúng. Dù kết quả điều tra cuối cùng ra sao nhưng trước mắt bài toán về an ninh vẫn là thách thức lớn nhất với nước Pháp lúc này, nhất là trước thềm bầu cử Tổng thống.

Chu Thanh

TIN LIÊN QUAN