Chỉ đạo, điều hành nổi bật tuần qua của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

04/02/2017 10:49

(Baonghean.vn) - Thủ tướng yêu cầu tập trung xử lý công việc ngay sau nghỉ Tết; Tăng cường ứng dụng CNTT trong hoạt động dạy - học; Phân công chuẩn bị phiên họp thứ 7 UBTVQH; Quy chế hoạt động của BCĐ quốc gia về phát triển điện lực;... là những chỉ đạo, điều hành nổi bật tuần qua của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

1. Thủ tướng yêu cầu tập trung xử lý công việc ngay sau nghỉ Tết

Thủ tướng yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức khẩn trương tập trung giải quyết, xử lý công việc ngay sau những ngày nghỉ Tết (Ảnh minh họa).
Thủ tướng yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức khẩn trương tập trung giải quyết, xử lý công việc ngay sau những ngày nghỉ Tết (Ảnh minh họa).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có công điện gửi các bộ ngành, địa phương đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.

Ông yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương; khẩn trương tập trung giải quyết, xử lý công việc ngay sau những ngày nghỉ Tết, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp và nhu cầu giao dịch của nhân dân.

Tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính, không sử dụng xe công đi lễ hội trừ trường hợp thực thi nhiệm vụ, không tổ chức liên hoan ảnh hưởng đến thời gian và hiệu quả làm việc. Lãnh đạo các bộ, cơ quan, địa phương không tham dự lễ hội nếu không được cấp có thẩm quyền phân công.

Thủ tướng cũng kêu gọi hiệp hội ngành nghề, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, nhân dân tranh thủ thời cơ để sản xuất, đầu tư, kinh doanh có hiệu quả ngay từ những ngày đầu năm.

2. Tăng cường ứng dụng CNTT trong hoạt động dạy - học

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo đó, đến năm 2020, phấn đấu 100% các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục và đào tạo thực hiện quản lý hành chính xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng; 70% cuộc họp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và cơ sở giáo dục và đào tạo được áp dụng hình thức trực tuyến.

70% lớp bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được thực hiện qua mạng theo phương thức học tập kết hợp (blended learning); 50% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến tối thiểu mức độ 3, trong đó 30% được xử lý trực tuyến ở mức độ 4.

3. Phân công chuẩn bị phiên họp thứ 7 UBTVQH

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Để chuẩn bị cho Phiên họp thứ 7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (từ ngày 20-21/2/2017), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phân công các thành viên Chính phủ chuẩn bị một số tờ trình, báo cáo.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ phân công Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị Tờ trình của Chính phủ về danh mục dự án và mức bố trí vốn cụ thể cho từng dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Bộ trưởng Bộ Tài chính chuẩn bị dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách, tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hồ Chí Minh.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao chuẩn bị dự thảo Nghị định của Chính phủ về mức xử phạt tối đa cho các hành vi vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực đối ngoại.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp phối hợp chuẩn bị Báo cáo về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2005/QH14.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chuẩn bị Báo cáo về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật thủy lợi.

4. Quy chế hoạt động của BCĐ quốc gia về phát triển điện lực

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng - Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực vừa ký Quyết định ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo này.

Theo đó, Ban Chỉ đạo quốc gia có nhiệm vụ chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác đầu tư xây dựng các công trình, dự án nguồn và lưới điện trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đặc biệt là các dự án trọng điểm, các dự án cấp bách; đồng thời chỉ đạo việc đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở nhập khẩu than, khí thiên nhiên hóa lỏng - LNG (năng lượng sơ cấp), công tác đàm phán hợp đồng nhập khẩu năng lượng sơ cấp cho phát điện và chỉ đạo kiểm tra việc thực hiện các chủ trương chính sách về mua bán điện với nước ngoài và phát triển năng lượng tái tạo.

Về nguyên tắc làm việc, Trưởng Ban, các Phó Trưởng Ban, các Ủy viên Ban Chỉ đạo quốc gia làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.

Ban Chỉ đạo quốc gia làm việc theo nguyên tắc tập trung thống nhất, các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia chịu trách nhiệm về phần việc được phân công; Trưởng Ban hoặc người được Trưởng Ban ủy quyền quyết định các vấn đề của Ban Chỉ đạo quốc gia.

5. Xây dựng văn hoá giao thông trong Thanh, Thiếu niên

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thực hiện Năm An toàn giao thông 2017 với chủ đề “Xây dựng văn hoá giao thông trong Thanh, Thiếu niên” với tinh thần “Tính mạng con người là trên hết”.

Mục tiêu cụ thể trong Năm An toàn giao thông 2017 là: Giảm tai nạn giao thông từ 5% - 10% cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, bị thương so với năm 2016; giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, đặc biệt là thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và trên các tuyến quốc lộ, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút; nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên.

Đó là nội dung tại Thông báo số 36/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2016 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2017.

6. Để số người nghiện tăng, người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về công tác phòng, chống ma túy, cai nghiện ma túy tại văn bản số 43/TB-VPCP. Thủ tướng yêu cầu xác định rõ đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, thường xuyên, liên tục, không được lơ là của các cấp ủy đảng, chính quyền; huy động sức mạnh của toàn dân tham gia đẩy lùi tội phạm và tệ nạn xã hội.

Tập trung thực hiện mục tiêu 3 giảm: giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại; trong mọi tình huống phải bảo đảm đủ kinh phí cho công tác cai nghiện ma túy, tăng cường huy động các nguồn lực của Trung ương, địa phương, xã hội.

Các Bộ, ngành trong phạm vi trách nhiệm của mình, phải chỉ đạo ban hành ngay các văn bản hướng dẫn. Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan với lực lượng chức năng. Xác định trách nhiệm rõ ràng, nơi nào làm chưa tốt người đứng đầu các ngành, các cấp chính quyền, cấp ủy đảng phải chịu trách nhiệm. Địa phương nào để tội phạm ma túy lộng hành, để số người nghiện ma túy tăng, tiếp nhận và quản lý học viện cai nghiện không tốt thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.

7. Báo cáo Thủ tướng việc cấp biển số 80A, 80B cho doanh nghiệp

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có ý kiến chỉ đạo về việc cấp biển số xe ô tô trong thời gian qua.

Trước đó, một số cơ quan báo chí phản ánh tình trạng cấp biển số xe ô tô tại tỉnh Thừa Thiên Huế thiếu minh bạch. Theo phản ánh, nhiều tháng nay, tại Thừa Thiên-Huế xuất hiện hàng loạt xe ô tô mang biển số “khủng” vượt rất nhiều những đầu số thực tế đang được cấp khiến dư luận xôn xao.

Xét báo cáo của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an báo cáo việc cấp biển số xe ô tô 80A, 80B... cho các doanh nghiệp (các loại hình) thời điểm từ ngày 1/6/2014 đến nay.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát các quy định về việc thực hiện đăng ký, cấp biển số xe ô tô, xe máy; nếu phát hiện vấn đề bất cập đề xuất sửa đổi, bổ sung bảo đảm chặt chẽ, khách quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý I/2017.

8. Đặt cược là hoạt động kinh doanh có điều kiện

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nghị định này quy định về việc kinh doanh, quản lý hoạt động kinh doanh và xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh đặt cược đua ngựa, đặt cược đua chó và thí điểm đặt cược bóng đá quốc tế trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Kinh doanh đặt cược là hoạt động kinh doanh có điều kiện, không khuyến khích phát triển, chịu sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để đảm bảo tuân thủ đúng quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật có liên quan.

Chỉ những doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đặt cược theo quy định tại Nghị định này và doanh nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 79 Nghị định này mới được kinh doanh đặt cược.

Việc tổ chức kinh doanh đặt cược phải đảm bảo minh bạch, khách quan, trung thực, bảo vệ quyền và lợi ích của các bên tham gia.

Đồng tiền được sử dụng để mua vé đặt cược, trả thưởng trong kinh doanh đặt cược là Việt Nam đồng.

Nghị định quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong kinh doanh đặt cược gồm: Kinh doanh đặt cược khi chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đặt cược; kinh doanh đặt cược không đúng với nội dung được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép kinh doanh theo quy định của pháp luật; tham gia dàn xếp hoặc thỏa thuận làm sai lệch kết quả sự kiện đặt cược; doanh nghiệp kinh doanh đặt cược cho người chơi vay tiền để tham gia đặt cược.

9. Thủ tướng chỉ thị đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới DNNN

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị về việc đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016-2020.

Chỉ thị nêu rõ, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước, trong những năm qua, đặc biệt là giai đoạn 2011-2015 đạt được nhiều kết quả quan trọng; doanh nghiệp nhà nước đã giảm mạnh về số lượng, tập trung hơn vào những ngành, lĩnh vực then chốt, cơ bản thực hiện được vai trò, nhiệm vụ được giao, làm nòng cốt để kinh tế nhà nước định hướng điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô; hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp sau cổ phần hóa được nâng lên. Cơ chế, chính sách về đổi mới tổ chức, quản lý, sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước đã được ban hành, sửa đổi, bổ sung khá đầy đủ và đồng bộ.

Để đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ.

10. Lập Quy hoạch di tích quốc gia đặc biệt Chùa Thầy

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Phó Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thẩm định Nhiệm vụ quy hoạch và Đồ án Quy hoạch tổng thể di tích quốc gia đặc biệt Chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo UBND thành phố Hà Nội, di tích Quốc gia đặc biệt Chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách, huyện Quốc Oai đã được xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 2408/QĐ-TTgngày 31/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ, hiện do UBND huyện Quốc Oai quản lý theo phân cấp của UBND TP Hà Nội.

Chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách là quần thể di tích gồm 16 điểm di tích nằm trên địa phận 3 xã, thị trấn gồm xã Sài Sơn, xã Phượng Cách và thị trấn Quốc Oai. Hiện nay, quần thể di tích này có nhiều bất cập cần khắc phục như không gian cảnh quan của di tích bị xâm lấn, hạ tầng kỹ thuật, hệ thống dịch vụ sơ sài. Vì vậy, việc lập quy hoạch tổng thể di tích Quốc gia đặc biệt Chùa Thầy là cần thiết.

Thái Bình

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN