Kỹ sư phần mềm bỏ nghề đi làm đồ da handmade, thu nhập hàng trăm triệu/năm
(Baonghean.vn) - Từ bỏ công việc ổn định tại một công ty phần mềm có tiếng ở Hà Nội, Nguyễn Hoài Đức, sinh năm 1990 đã lựa chọn trở về Nghệ An để theo đuổi đam mê với nghề làm đồ da handmade.
» Linh mục Nguyễn Đình Thục kích động giáo dân
Góc làm việc hàng ngày của anh Nguyễn Hoài Đức. Ảnh: Chu Thanh. |
Cặm cụi bên đống đồ da với nào búa, kim, chỉ, anh Nguyễn Hoài Đức chia sẻ, anh đến với nghề làm đồ da handmade như là một cái duyên, nhất là khi công việc đang làm hiện tại không hề liên quan đến ngành anh theo học trên giảng đường đại học.
Tốt nghiệp ngành công nghệ tin học, sau đó nhanh chóng trở thành nhân viên quản trị web với mức lương tốt ở công ty FPT tại Hà Nội, ai cũng nghĩ rằng anh Đức sẽ gắn bó lâu dài với công việc đó. Ấy thế mà, chàng kỹ sư trẻ thích tự do, luôn có những ý tưởng mới lại sẵn sàng quyết định từ bỏ công việc để đi theo tiếng gọi của đam mê.
Nghề làm đồ gia handmade là một công việc đòi hỏi tính tỉ mỉ, chính xác, kiên trì cũng như sáng tạo cao. Ảnh: Chu Thanh. |
Việc từ bỏ nghề sản xuất phần mềm để đến với nghề làm đồ da handmade cũng gắn với câu chuyện tình yêu của anh Đức. Khi đến sinh nhật người yêu mà hiện tại là vợ, anh Đức phân vân chưa biết nên tặng món quà gì thì chợt nghĩ đến việc tự tay làm một món quà tặng vợ.
Nghĩ là làm, anh đến cửa hàng đồ da handmade bắt tay thực hiện ý tưởng của mình. Không giống với những người khác thường chọn làm các sản phẩm nhỏ như ví, móc chìa khóa khi mới lần đầu làm đồ da, anh Đức quyết định chọn may túi, một sản phẩm có độ khó cao hơn và mất nhiều công sức hơn. Để hoàn thành món quà của mình, anh Đức mất hơn 1 tuần lọ mọ bên đống da, kim chỉ khâu. Và cũng từ đây, mối duyên với nghề làm đồ da handmade của Đức bắt đầu.
Tùy kích thước, độ khó mà một sản phẩm làm đồ da handmade có thể mất đến vài ngày thậm chí là cả tuần để hoàn thành. Ảnh: Chu Thanh. |
Một thời gian sau, khi biết đến với đồ da handmade, anh Đức nghỉ việc ở FPT trong sự ngỡ ngàng của gia đình, bạn bè. Đây là khoảng thời gian khá khó khăn với anh. Suốt nhiều tháng trời, anh dồn hết tâm huyết tự học, mày mò làm đồ da. Nhờ vốn tiếng Anh cộng với kỹ năng về công nghệ thông tin giúp anh nhanh chóng tìm kiếm được nhiều kiến thức, kỹ năng cần thiết từ các trang web, đặc biệt là các trang web nước ngoài.
Từ lý thuyết đến thực tế cũng là một chặng đường không mấy dễ dàng. Để có được những sản phẩm ưng ý như bây giờ, anh Đức đã bỏ ra không ít công sức, tiền của. Bởi theo anh, làm đồ da handmade không phải là dễ vì nó đòi hỏi người thợ cần phải làm một cách chính xác, tỉ mỉ, kiên trì, nhất là khi muốn thổi hồn vào những tác phẩm đồ da mình làm ra. Chỉ cần một sai sót nhỏ, có thể công sức làm việc trong mấy ngày trời trở nên vô nghĩa.
Những sản phẩm đồ da handmade do anh Đức làm theo yêu cầu của khách hàng. Ảnh: Chu Thanh. |
Nhận thấy xu hướng làm nghề đồ da handmade có cơ hội phát triển ở Nghệ An mà cụ thể là ở thành phố Vinh, anh Đức quyết định về quê gây dựng sự nghiệp. Ban đầu, quyết định của anh bị bố mẹ phản đối kịch liệt. Nhưng bằng quyết tâm của bản thân, trong 1 năm qua, anh dần chứng minh được với mọi người con đường anh theo đuổi không phải chỉ là bồng bột nhất thời mà là một con đường có kế hoạch dài hạn.
Những sản phẩm của anh làm ra bắt đầu được nhiều khách hàng biết đến và được giới ưa thích đồ da handmade ở Vinh đón nhận. Thu nhập từ nghề cũng khá khả quan, trung bình khoảng 20 triệu đồng/ tháng.
Với anh, làm đồ da handmade không còn chỉ là nghề mưu sinh mà còn là đam mê. Bản thân anh cũng luôn tâm niệm, tuổi trẻ chỉ có một lần nên phải được sống bằng đam mê và nhiệt huyết./.
Chu Thanh
TIN LIÊN QUAN |
---|