Tâm lý người Việt đi lễ: Đốt hương càng nhiều, công đức càng lớn?
(Baonghean) - Không hiếm phen người đốt vừa lễ, cắm xong quay đi là ban quản lý đền, chùa đã vội vàng nhổ ra, dụi, ném vào sọt rác! Nhiều nơi phải treo bảng khuyến cáo du khách chỉ nên đốt mỗi người một cây hương.
Nghìn đời, các tín ngưỡng truyền thống của cha ông hầu như luôn gắn liền với nén hương: thờ cúng gia tiên, chư Phật, hiền thánh, quỷ thần; giỗ chạp, Tết nhất, tảo/viếng mộ, ma chay…; bất cứ lễ tiết nào mang yếu tố tâm linh đều phải có khói hương.
Khói hương như cái cầu nối tượng trưng, vô hình giữa người tại thế và những quyền năng khuất mặt. Thử tưởng tượng một nghi lễ cúng bái truyền thống mà không có nén hương cháy đỏ thong thả rớt từng làn tro cong, thong thả nhả từng làn khói ngan ngát mùi trầm lờ lững không gian; lễ cúng ấy hẳn sẽ là rất “nhạt”. Tư gia đã vậy, đền chùa miếu mạo đương nhiên càng không thể thiếu khói hương, cả bốn mùa…
Vậy nhưng, mỹ tục (vài nơi) đang có nguy cơ biến thành hủ tục khi cuộc sống đi lên, cái nhu cầu tâm linh tăng vọt khiến mùa lễ hội giêng hai đâu đâu cũng nườm nượp khách vãn cảnh, lễ chùa. Lễ đền, chùa đương nhiên đâu thể thiếu hương; và nhiệt thành tín ngưỡng khiến đa phần các du khách tâm linh không bao giờ tiếc tiền mua hương. Rất sẵn những quầy bán hương. Cả người bán lẻ bên ngoài, cả ban quản lý đền – chùa bên trong cũng bày bán hương để có thêm thu nhập.
Hương khói nghi ngút đến ngẹt thở ở nhiều ngôi chùa, đền những ngày đầu Xuân. Ảnh: Chu Thanh |
Không ít người bán muốn doanh thu cao, luôn mồm khuyến khích khách thập phương mua nhiều, đốt nhiều hương để công đức lớn (!?). Người mua thì; hoặc cả tin, hoặc bị tâm lý đám đông chi phối; thấy ai cũng mua nhiều, đốt nhiều, mình đốt ít sợ không… linh.
Vậy là mua luôn cả bó to. Giá cả đương nhiên đắt gấp rưỡi hoặc gấp đôi bên ngoài. Kệ đi, công đức mà tính toán chi, lâu lâu mới có dịp vãn cảnh, xin lộc của chư vị thánh thần.
Kết quả là không ít đền, chùa mùa lễ hội khói đặc quánh cả không gian như… hỏa hoạn. Mà không khéo có khi hỏa hoạn thật. Đền chùa nào đông khách thập phương cũng phải cắt cử người trông nom, “giải quyết” các lư hương, bát hương được du khách “chiếu cố” thường xuyên. Không hiếm phen người đốt vừa lễ, cắm xong quay đi là ban quản lý đền, chùa đã vội vàng nhổ ra, dụi, ném vào sọt rác! Nhiều nơi phải treo bảng khuyến cáo du khách chỉ nên đốt mỗi người một cây hương.
Thế nhưng nhiều người chắc không thấy (hoặc cố tình không thấy); vào lễ vẫn đốt luôn nguyên bó cho nó… “nhiệt thành”. Vậy nên “giờ cao điểm” trong đền, chùa luôn là một không gian đặc quánh, sặc sụa khói tuôn ra từ mọi gian thờ cúng. Đương nhiên ai chậm chân vào muộn cũng đốt vội, lễ vội quáng quàng cho xong rồi “bỏ chạy”; chẳng còn tìm đâu ra cái cảm xúc tâm linh được thăng hoa bởi mùi trầm ngan ngát, phảng phất không gian tỏa ra từ vài ba nén hương nhả khói lững lờ…
Chứng kiến cảnh những “sọt rác tâm linh” (đựng toàn cây hương cháy dở to đùng) mỗi chiều ban quản lý đền, chùa mang đi đổ mà không xót ruột mới chuyện lạ. Nhìn xa, nghĩ xa chút hẳn chư Thần Phật - nếu thật sự hiển linh - hẳn cũng không bao giờ mong muốn chúng sinh làm chuyện đại lãng phí cũng như ô nhiễm môi trường dường ấy.
Tự nghĩ: phải chăng do cái tham tâm (muốn được Thần Phật chiếu cố) nên con người mới sa đà đến chỗ hành xử vô minh (không sáng suốt) mà không tự biết?
Y Nguyên
TIN LIÊN QUAN |
---|