Chỉ lệnh của Thủ tướng và chuyện cán bộ đi lễ

09/02/2017 14:54

Trong ngày 8/2, các báo đồng loạt đưa tin cả Bộ Công Thương và Hà Nội, những nơi được phản ánh là có cán bộ, xe biển xanh thuộc quyền đi lễ chùa trong giờ hành chính, đều có báo cáo nóng hổi về vấn đề dư luận đã nêu.

Theo đó, sau bản tin phát tối 7/2 của VTV phản ánh có cán bộ thuộc Bộ Công Thương đi lễ chùa trong giờ hành chính, bộ này đã cho xác minh ngay trong đêm, xác nhận người này là cán bộ thuộc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu Cục Xúc tiến thương mại.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Hà Nội thì có báo cáo về hai xe công mang biển số 31A đi lễ trong giờ làm việc, Bảo hiểm xã hội Hà Nội cũng xác minh việc năm cán bộ của cơ quan này đi lễ chùa tại Hưng Yên mà báo chí đã phản ánh…

Hơn bao giờ hết, dư luận cảm nhận được một không khí quyết liệt từ các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện chỉ lệnh của người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Trước đó, trong công điện gửi các bộ, ngành, địa phương đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, Thủ tướng đã ra nghiêm lệnh với đội ngũ cán bộ, công chức: “Tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính, không sử dụng xe công đi lễ hội trừ trường hợp thực thi nhiệm vụ”.

Trong phiên họp chính phủ thường kỳ đầu tiên của năm mới Đinh Dậu (ngày 3-2), Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh: Bất cứ cán bộ, công chức nào trong giờ hành chính mà đi lễ hội, bất cứ cơ quan nào sử dụng xe công đi lễ hội đều sẽ bị xử lý nghiêm.

Những ngày đầu năm, dù nơi này, nơi kia vẫn còn rơi rớt lại hiện tượng đi chùa trong giờ hành chính hoặc dùng xe công đi lễ hội nhưng không thể phủ nhận so với những năm trước, năm nay những hiện tượng này đã trở nên rất cá biệt. Sự cá biệt này cũng giống như bây giờ ra đường ai không đội mũ bảo hiểm thì bị mọi người nhìn như “người hành tinh khác” vậy!

Từ nếp sống, nếp nghĩ, nếp làm việc ăn sâu “tháng Giêng là tháng ăn chơi” đến việc những hiện tượng đó trở thành cá biệt cho thấy cả nền hành chính đã chuyển động thực sự. Vấn đề bây giờ là xử lý những cán bộ, những đơn vị vi phạm như thế nào cho tương xứng với yêu cầu “xử lý nghiêm” của Thủ tướng.

Trước giờ dư luận vẫn ngán ngẩm tình trạng trên bảo dưới không nghe, có phát mà không có động hay những lệnh cấm trôi êm đềm vào dĩ vãng. Thế nhưng với những gì đang diễn ra và sẽ diễn ra, chúng ta tin tưởng những điều này sẽ không còn đất để tồn tại. Và trên con đường xây dựng một chính phủ hành động, liêm chính, kiến tạo, phục vụ thì ít nhất những chỉ lệnh của người đứng đầu Chính phủ phải được “tuyệt đối thực hiện nghiêm!”.

Theo PLO

TIN LIÊN QUAN