Bạo lực trong bóng đá: 'Con hư tại mẹ'?

08/02/2017 15:59

(Baonghean.vn) - V-League 2017 mới đi được 4 vòng đấu mà xem ra mọi việc cứ rối tinh, rối mù. Công luận đã phản ứng dữ dội việc Samson “trắng án” sau pha vào bóng thô bạo bằng gầm giày, đạp thẳng vào đùi cầu thủ Châu Ngọc Quang, rồi việc FLC Thanh Hóa dọa bỏ giải...

Từ kiểu xây dựng khung hình phạt, đến cách áp dụng của VFF theo kiểu chẳng giống ai, một mình chống lại thế giới trọng tài… khiến cho dư luận sôi sùng sục suốt gần tháng qua.

Phạt, không phạt, rồi lại phạt!

Tiến sỹ Mai Liêm Trực - nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông, nguyên Chủ tịch VFF khóa V từng nói: “Mặt bằng VFF thấp hơn mặt bằng chung của xã hội”. Ông cho rằng: “Với kinh nghiệm của một người nhiều năm quản lý một doanh nghiệp lớn, một cơ quan nhà nước, tôi đã nhìn thấy những bất cập, chồng chéo, ôm đồm, thiếu khả năng tập hợp sức mạnh trong bộ máy điều hành VFF và tôi đã nói như thế”. Hơn 1 thập kỷ sau, nhận định của vị Chủ tịch VFF khóa V này vẫn còn nóng hổi và nguyên giá trị.

V-League 2017 mới chỉ bắt đầu với 4 vòng đấu ở V.League và vòng loại Cúp Quốc gia nhưng những hành vi phi thể thao và cách giải quyết “khó coi” của BTC đã làm hình ảnh bóng đá Việt Nam trở nên xấu xí hơn. Thông cáo báo chí của BTC V - League 2017 ghi rõ: “Ban trọng tài VFF và BTC giải đã nghiên cứu rất kỹ và có nhận định khách quan về tình huống như sau. Sau khi nghiên cứu các báo cáo và băng hình kỹ thuật, các ban chuyên môn nhận định: Theo Luật 12, pha vào bóng của Samson là tình huống tranh chấp bóng với mức độ liều lĩnh, không quan tâm đến sự an toàn của cầu thủ đối phương, chứ không phải hành vi bạo lực".

Hình ảnh Hoàng Vũ Samson (Hà Nội FC) đạp thẳng vào đùi Châu Ngọc Quang (HAGL), khi cầu thủ này đã ngã ra sân được hàng triệu khán giả thấy rõ. Người ta còn gửi clip này cho các trọng tài bóng đá khu vực châu Á tham khảo và đều được trả lời dứt khoát: thẻ đỏ, chắc chắn là thẻ đỏ. Thế mà ban đầu VFF cố “cãi sống, cãi chết” với dư luận: Không hề có thẻ phạt (lý do trọng tài không nhìn thấy), không có án phạt nguội (Ban trọng tài khẳng định pha bóng bình thường). Trong từ điển của VFF giờ đây xuất hiện khái niệm "vào bóng triệt hạ đối phương” được giải thích là “hành động tranh chấp bóng liều lĩnh!".

Thế nhưng, khi nhà báo Phan Đăng (Báo CAND) “đội đơn” đến Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện, để rồi sau đó Tổng cục TDTT yêu cầu phúc tra thì chính VFF lại vội vàng nhóm họp ra án phạt Hoàng Vũ Samson cấm thi đấu 2 trận vì hành vi trên. Nó giống hệt trò chơi “chẵn lẻ” của bọn con nít: Phạt, không phạt, phạt…

Ban giải quyết khiếu nại đã quyết định giảm án kỷ luật Pape Omar xuống còn 6 trận thay vì 8 trận như ban hành trước đó của Ban kỷ luật. Ảnh: Internet
Ban giải quyết khiếu nại đã quyết định giảm án kỷ luật Pape Omar xuống còn 6 trận thay vì 8 trận như ban hành trước đó của Ban kỷ luật. Ảnh: Internet

Dọa là thắng?

Ở vụ việc khác, tiền đạo Omar (FLC Thanh Hóa) phạm lỗi thô bạo với Nhật Nam (S.Khánh Hòa), sau đó đội trưởng của Thanh Hóa đã có pha đánh nguội trung vệ Văn Vũ. Trọng tài Xuân Nguyện đã không ngần ngại rút thẻ đỏ trực tiếp đối với ngoại binh của đội khách. Trên đường tiến vào phòng thay đồ, khi bị khán giả Nha Trang phản ứng, Pape Omar đã có hành vi khiếm nhã, thiếu văn hoá.

Theo đó, Ban kỷ luật VFF đã dựa vào băng hình, cùng với những thông tin từ báo chí, căn cứ vào Điều 63 Quy chế bóng đá chuyên nghiệp và đi đến quyết định nâng khung hình phạt lên mức cao nhất đối với hành vi trên của ngoại binh FLC Thanh Hoá. Omar bị phạt 30 triệu đồng và đình chỉ thi đấu 8 trận kế tiếp.

Nhưng sau khi sếp FLC đăng đàn, địa phương Thanh Hóa có công văn gửi VFF đòi quyền công bằng, đúng luật thì mọi chuyện lại diễn biến khác đi. Ban giải quyết khiếu nại đã quyết định giảm án kỷ luật Pape Omar xuống còn 6 trận thay vì 8 trận như ban hành trước đó của Ban kỷ luật. Hàng loạt quan chức VFF bấy lâu khẳng định đã xử đúng người, đúng tội, thậm chí ông Cao Văn Chóng - Tổng Giám đốc VPF còn khẳng định: “Nếu FLC Thanh Hóa bỏ giải, chỉ cần 15 phút để BTC điều chỉnh lại lịch thi đấu là xong”… thế mà nay cũng chính các sếp “tự dưng muốn giảm án” khiến cho công luận càng ngán ngẩm.

Bóng đá Việt Nam đang rối tinh, rối mù bởi cung cách điều hành chẳng giống ai của bộ máy VFF. Khán giả đang có cảm giác các vụ kỷ luật được hành xử theo kiểu lợi thế nghiêng về phía các đại gia sân cỏ.

Nhà báo Phan Đăng đặt câu hỏi: “Hoàng Vũ Samson đã phải chịu hậu quả từ lỗi lầm của mình, vậy hàng loạt cái sai và thiếu trách nhiệm của Ban trọng tài, Ban tổ chức, Ban kỷ luật sẽ không phải chịu bất cứ hình thức chế tài nào? Nếu không có ai tuýt còi, xử phạt những cái sai lồ lộ của các quan chức VPF, VFF trong vụ việc này thì từ nay về sau những sự việc tương tự, nhiều khả năng sẽ còn lặp lại!”

Còn tôi, một khán giả xứ Nghệ thầm tiếc, giá như VFF xử đúng tội, nghiêm khắc với Hoàng Vũ Samson ngay từ đầu thì có khi Thế Nhật (SLNA) không dám “vung tay vào mũi” Trung Hiếu (Đắk Lắk) để chịu án phạt nặng như thế.

Người xưa có câu: Con hư, tại mẹ!

Catcosan Vinh

TIN LIÊN QUAN