'Án điểm' cần thuyết phục!
(Baonghean) - Trong tuần qua, làng bóng đá Việt lại ồn ào chuyện án phạt treo giò 8 trận dành cho Omar-thủ quân đội tuyển FLC Thanh Hóa vì chiếc thẻ đỏ và hành vi khiêu khích CĐV trong trận đấu giữa Khánh Hòa và FLC Thanh Hóa tại vòng 2 V.League. Người thì cho rằng án phạt đó là thích đáng để ngăn ngừa những hành vi phi thể thao, bạo lực trên sân cỏ hiện nay, người thì cho rằng án phạt này là quá nặng và thiếu tính thuyết phục.
Trước án phạt này, chuyên gia bóng đá Trịnh Minh Huế cho rằng: “Muốn xử phạt bất kỳ tình huống nào thì phải có khung hình phạt rõ ràng. Tuy nhiên, tôi nhận thấy có lẽ mức xử phạt này dường như là xử theo xu thế của dư luận. Và rất có thể, với nhiều người, trường hợp xử phạt Omar chủ yếu có tính chất để làm gương cho các cầu thủ và đội bóng khác ở đầu mùa giải mới, chứ nó chưa tuân theo khung hình phạt cụ thể nào cả”.
Hành vi phản ứng trọng tài và CĐV Khánh Hòa của tiền đạo Omar. Ảnh: Internet |
Trong lúc đó, cựu HLV CLB Hà Nội T&T Triệu Quang Hà cho rằng: “Mức phạt treo giò 8 trận và xử phạt 30 triệu đồng đối với Omar là không hề nặng. Tôi đồng tình với cách xử lý nội bộ cắt lương thưởng của FLC Thanh Hóa dành cho ngoại binh này. Những hình phạt trên sẽ có tính răn đe không chỉ đối với Omar nói riêng mà tất cả các cầu thủ khác nói chung. Phải phạt như thế để Omar thấy được mức độ nghiêm trọng mà những lỗi lầm của anh đã gây ra tại vòng 2 V-League vừa qua”.
Còn ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC - “ông bầu” của CLB Thanh Hóa bức xúc: “Tôi khẳng định nếu bản án kỷ luật của Omar không được xem xét lại một cách nghiêm túc thì FLC sẽ rút khỏi V-League. Khi quyết định đầu tư vào bóng đá, chúng tôi mong muốn có môi trường cạnh tranh sòng phẳng, tạo ra sân chơi tốt cho bóng đá Việt Nam, nuôi dưỡng những nhân tố tốt để cống hiến cho đội tuyển quốc gia, nhưng nếu nhận thấy tiêu chí công bằng của cuộc chơi không được bảo đảm, tôi nghĩ không nên tiếp tục. Việc Ban Kỷ luật chỉ xử lý một mình Omar là rất không công bằng, chưa kể án phạt dành cho Omar lại vượt quá khung hình phạt của Ban Kỷ luật, chẳng theo một quy định nào. Tôi nghĩ là đã đến lúc FLC cần nhìn nhận lại việc tham dự V-League của mình, khi quyết tâm, nhiệt huyết và cả tiền bạc của chúng tôi chỉ đổi lấy sự thất vọng và bất bình”.
Là người nhiều năm cầm quân ở V.League, HLV Lê Thụy Hải cho rằng: “BTC giải, Ban Trọng tài, Ban Kỷ luật phải giải thích, chứng minh được cơ sở tại sao lại đưa ra mức án kỷ luật phạt tiền và treo giò 8 trận với Omar. Luật bóng đá hoàn toàn có thể thay đổi, tôi cũng ủng hộ việc ấy và bất cứ cầu thủ nào vi phạm vào những điều luật đã được sửa đổi thì phải chịu hình thức kỷ luật. Nếu VFF, BTC giải hay Ban Kỷ luật muốn làm nghiêm túc thì phải thực sự nghiêm túc, đừng vì người này hay người kia mà thay đổi quan điểm”.
Như vậy, chỉ với một “án điểm” dành cho một cầu thủ, mà Ban tổ chức V.League đã gặp phải những luồng dư luận trái chiều, trong đó, đáng chú ý là “ông bầu” của đội bóng FLC Thanh Hóa đã dọa bỏ giải nếu như án kỷ luật không được giảm nhẹ. Vấn đề ở đây là án phạt của Ban tổ chức đưa ra một cách chưa rõ ràng và chưa thuyết phục. Lỗi chính thuộc về cầu thủ Omar - người bị phạt treo giò tới 8 trận. Nhưng nguyên nhân thì lại bắt đầu từ việc các cầu thủ Khánh Hòa chơi xấu, mà trọng tài lại không rút thẻ phạt, dẫn đến cầu thủ bị phạm lỗi bức xúc, có hành vi phản ứng.
Việc ra “án điểm” để chấn chỉnh những hành vi phi thể thao là cần thiết. Nhưng các án phạt này phải “tâm phục khẩu phục”, hài hòa giữa sự răn đe và lợi ích của các đội bóng. Chứ không nên ra một án phạt “giơ cao”, nhưng sau khi các đội bóng phản ứng lại giảm án, “đánh khẽ” thì sẽ mất đi tính nghiêm minh.
Đức Dũng
TIN LIÊN QUAN |
---|