Ba giả thuyết nguyên nhân đột tử của anh trai Kim Jong-un

15/02/2017 12:00

Các chuyên gia đưa ra nhiều giả thuyết về lý do anh trai nhà lãnh đạo Triều Tiên chết đột ngột tại sân bay Malaysia, từ bị thủ tiêu đến bệnh tim mạch.

Kim Jong-nam, anh trai nhà cùng cha khác mẹ với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, bất ngờ qua đời ở sân bay quốc tế Kuala Lumpur, Malaysia hôm 13/2, làm dấy lên nhiều giả thuyết về nguyên nhân cái chết của ông.

Bị ám sát

Báo chí Malaysia dẫn lời quan chức cảnh sát cấp cao Fadzil Ahmat cho biết Kim Jong-nam gặp vấn đề về sức khỏe khi đang chuẩn bị lên chuyến bay lúc 10h từ Kuala Lumpur trở về Macau bằng hộ chiếu sử dụng tên giả. Người đàn ông 45 tuổi này bất ngờ đi đến quầy lễ tân và nói rằng ai đó đã xoa chất lạ lên mặt, khiến ông cảm thấy choáng váng. Nhân viên sân bay nhanh chóng đưa ông tới bệnh viên gần đó, nhưng Kim Jong-nam đã qua đời trên đường đi cấp cứu.

Trong khi cảnh sát Malaysia ghi nhận đây là một trường hợp "đột tử" và đang khám nghiệm tử thi để điều tra nguyên nhân, nhiều tờ báo của Hàn Quốc cho rằng Kim Jong-nam đã bị hai nữ điệp viên Triều Tiên ám sát tại sân bay bằng những vũ khí bí mật như kim tẩm thuốc độc hoặc xịt hơi độc vào mặt.

Kim Jong-nam là con trai cả của cố chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-il, từng được bổ nhiệm chức vụ cao trong Bộ Công an Triều Tiên cùng nhiều vị trí cấp cao khác. Tuy nhiên, sau khi bị thất sủng, Kim Jong-nam không còn nắm giữ các vị trí lãnh đạo và gần như sống cả đời ở nước ngoài.

Giáo sư Koh Yu-hwan tại Đại học Dongguk ở Soeul, Hàn Quốc cho rằng Kim Jong-nam là người có quan hệ rất gần gũi với Jang Song-thaek, người quyền lực thứ hai Triều Tiên trước khi bị Kim Jong-un ra lệnh xử tử vào năm 2013.

Dù sống nhiều năm ở nước ngoài, Kim Jong-nam đôi khi vẫn được đồn đại là người có thể thay thế em trai Kim Jong-un, nhà lãnh đạo thế hệ ba của Triều Tiên, theo đúng truyền thống con trai cả được thừa hưởng quyền lực ở nước này.

"Đây có thể là một cuộc chiến huynh đệ tương tàn khốc liệt", tiến sĩ Leonid Petrov thuộc Đại học Quốc gia Australia, nhận định.

Tuy nhiên, Michael Madden, học giả tại Viện Mỹ - Hàn, Đại học Johns Hopkins, chỉ ra rằng Kim Jong-nam đã ra nước ngoài sinh sống trong một thời gian dài và không còn bất cứ ảnh hưởng lớn nào trong tầng lớp tinh hoa ở Triều Tiên để có thể cạnh tranh hay đe dọa đến quyền lực của Kim Jong-un. Người đàn ông này cũng không hề nắm được các tầng lớp kiểm soát trong chính quyền Triều Tiên và dường như cũng không hề hứng thú với chính trị.

Theo chuyên gia này, Kim Jong-nam có quan hệ gần gũi với nhiều quan chức cấp cao Trung Quốc và sống kiểu "lưu vong" ở Macau dưới một số hình thức bảo vệ của Trung Quốc. Một mệnh lệnh thủ tiêu ông Kim Jong-nam, nếu có và nếu xuất phát từ Bình Nhưỡng, chắc chắn sẽ khiến Bắc Kinh nổi giận.

Trong những tháng gần đây, Bình Nhưỡng đang nỗ lực củng cố quan hệ với Bắc Kinh, đồng minh lớn duy nhất của họ, thế nên họ không có bất cứ lợi ích địa chính trị nào khi mạo hiểm chọc giận Trung Quốc bằng một hành động bất cẩn như vậy, Madden nhận định.

ba-gia-thuyet-nguyen-nhan-dot-tu-cua-anh-trai-kim-jong-un

Ông Kim Jong-un và các tướng lĩnh quân đội Triều Tiên. Ảnh: KCNA

Aidan Foster-Carter, chuyên gia về vấn đề Triều Tiên của Anh, thì cho rằng có thể một số quan chức cấp thấp hơn trong chính quyền hoặc lực lượng an ninh Triều Tiên đã ám sát Kim Jong-nam để lấy lòng Kim Jong-un mà không hề được lệnh của ông này.

"Một cơ quan nào đó có khả năng đã thực hiện điều này dù không có lệnh từ nhà lãnh đạo, mục đích là nhằm gây ấn tượng với ông ta, nhất là với những người từng gặp rắc rối với Kim Jong-un và đang tìm cách chuộc lỗi. Khoảng một tháng trước đây, Kim Jong-un đã sa thải người đứng đầu cơ quan cảnh sát mật Triều Tiên và ra lệnh điều tra họ", Carter nói.

Bị xã hội đen sát hại

Tiến sĩ Petrov không loại trừ khả năng Kim Jong-nam bị sát hại vì những mâu thuẫn trong làm ăn với các tổ chức xã hội đen ở Đông Nam Á.

Theo BBC, sau khi bị thất sủng vào năm 2001, Kim Jong-nam rời khỏi Triều Tiên và thường xuyên sống tại các căn hộ của gia đình ở Macau hoặc Bắc Kinh, Trung Quốc. Ông được cho là phụ trách một số hoạt động tài chính có giá trị lên tới nhiều tỷ USD của gia tộc họ Kim ở nước ngoài.

Ông cũng thường xuyên xuất hiện tại các sòng bạc khắp châu Á, nổi tiếng với lối sống xa hoa hưởng thụ, khiến ông bị gán biệt danh "tay chơi tiệc tùng". Tiến sĩ Petrov cho rằng ông Kim Jong-nam có thể dính líu đến một số hoạt động buôn bán ngầm trong quá trình này.

"Đó có thể là một nhóm tội phạm có tổ chức hoặc một băng mafia trong khu vực hay ở Macau. Kim Jong-nam thường tới Trung Quốc và Nga, nên sẽ có rất nhiều nghi phạm và động cơ gây án", Petrov nhận định.

Đau tim

Dù có nhiều lời đồn đoán về âm mưu đen tối đằng sau cái chết của Kim Jong-nam, nhiều chuyên gia chỉ ra rằng đây có thể chỉ là hậu quả của một cơn đau tim gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Nhiều thành viên trong gia tộc họ Kim có tiền sử mắc bệnh tim và đây nhiều khả năng liên quan đến di truyền. Cả ông nội và cha của nhà lãnh đạo Kim Jong-un đều qua đời vì bị đau tim, trong khi cô ruột của ông này cũng phải nhiều lần điều trị bệnh tim mạch ở Nga.

ba-gia-thuyet-nguyen-nhan-dot-tu-cua-anh-trai-kim-jong-un-1

Ông Kim Jong-nam. Ảnh: AFP

Bản thân nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng đã tăng cân nhanh chóng kể từ khi lên nắm quyền, khiến các bác sĩ Triều Tiên tỏ ra lo lắng cho sức khỏe của ông. Theo Korean Times, ông Kim vào năm 2012 đã cho mở cửa trở lại Viện Mansoomoogang, cơ quan nghiên cứu các loại thuốc chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho các nhà lãnh đạo Triều Tiên, với hơn 400 chuyên gia y tế giỏi nhất.

Theo các chuyên gia y tế, những người bị lên cơn đau tim nghiêm trọng thường có cảm giác đau ngực và hoa mắt, chóng mặt, khá trùng khớp với những biểu hiện mà ông Kim Jong-nam mô tả với nhân viên sân bay. Ông Kim Jong-nam cũng là người có các biểu hiện béo phì, thuộc diện những người có nguy cơ mắc bệnh tim khá cao./.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN