'Châu Âu đa tốc độ'- chuyện không dễ!

13/03/2017 07:22

(Baonghean) - Cuối tuần qua, Hội nghị thượng đỉnh mùa xuân của Liên minh châu Âu (EU) đã kết thúc lại Brussels, Bỉ. Diễn ra trong bối cảnh châu Âu đang có nhiều chia rẽ, hội nghị được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho sự đoàn kết, thống nhất nội khối. Thế nhưng, sự phản đối mạnh mẽ của Ba Lan và sự lo ngại của một số nước Đông Âu về ý tưởng một “châu Âu đa tốc độ” đang bộc lộ rõ những khó khăn lớn mà châu Âu đang phải đối mặt.

Chia hạng công dân?

Với hàng loạt chia rẽ và mâu thuẫn thời gian qua liên quan đến vấn đề tăng trưởng, người nhập cư, định hướng phát triển sau khi Anh rời khỏi liên minh…, hơn bao giờ hết, các nhà lãnh đạo châu Âu đang nỗ lực hướng tới một ngôi nhà chung thống nhất và đoàn kết. Thể hiện là tại các phiên thảo luận, các nhà lãnh đạo EU đã cố gắng xích lại gần nhau, tìm ra những điểm chung trên cơ sở các lập trường riêng.

Nổi bật nhất phải kể đến là ý tưởng xây dựng một châu Âu “đa tốc tộ” được Ủy ban châu Âu đưa ra trong “Sách trắng” về tương lai châu Âu. Lý giải về ý tưởng này, các nhà lãnh đạo châu Âu thừa nhận rằng, các nước thành viên của Liên minh châu Âu hiện khó có thể hành động và suy nghĩ giống nhau và sự thay đổi là cần thiết. Đồng thời, việc Anh rời khỏi EU cũng là động lực để châu Âu định hình một khuôn khổ mới.

Một châu Âu thống nhất và đoàn kết là mục tiêu lớn nhất của các nhà lãnh đạo EU.Nguồn: Telegraph
Một châu Âu thống nhất và đoàn kết là mục tiêu lớn nhất của các nhà lãnh đạo EU. Nguồn: Telegraph

Thế nhưng ý tưởng này đã vấp phải những quan điểm trái chiều. Là những quốc gia có nền kinh tế hàng đầu châu Âu, các nước như Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha đều bày tỏ ủng hộ ý tưởng này.

Tại cuộc họp thượng đỉnh không chính thức tại Versailles (Pháp) mới đây, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã nhấn mạnh, đây là “thống nhất chứ không phải là đồng nhất” và cho rằng, một số nước thành viên EU có thể đi nhanh hơn và tiến xa hơn trong các lĩnh vực như quốc phòng, thuế quan…

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel bày tỏ, châu Âu cần phải có dũng khí để chấp nhận một số nước phát triển nhanh hơn các nước khác. Theo bà, đây là việc phải làm trong quá trình toàn cầu hóa hiện nay.

Ở phía ngược lại, một số nước Đông Âu điển hình như Ba Lan hay Hungary lại đang có những lo lắng riêng. Các nước này sợ rằng, “đa tốc độ” chẳng qua là cách hiểu khác của “phân hạng công dân”, khi họ nhiều khả năng sẽ bị “cho ra rìa” trong các kế hoạch hợp tác phát triển của toàn Liên minh.

Ngay tại hội nghị vừa qua, Thủ tướng Ba Lan Beata Szydlo đã không ngại ngần tuyên bố phản đối ý tưởng một châu Âu đa tốc độ. Bà cũng nhấn mạnh, Ba Lan kiên quyết không chấp nhận bất cứ hành động nào làm nguy hại đến sự toàn vẹn của thị trường chung, khu vực tự do đi lại Schengen và hơn hết là của chính liên minh châu Âu.

Theo bà Beata, việc EU cần làm đó phải tăng cường khả năng tự cải tổ của mình. Không chỉ Ba Lan, mới đây, cả Slovakia, CH Czech và Hungary cũng đã kêu gọi EU cần phải đối xử bình đẳng với tất cả các quốc gia thành viên.

Khó có tiếng nói chung

Nhằm trấn an tất cả các nước thành viên, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean Claude Juncker trong buổi họp báo kết thúc hội nghị cuối tuần qua nhấn mạnh, EU không có ý định gây chia rẽ hay tạo ra “bức tường sắt” mới với kịch bản “châu Âu đa tốc độ”.

Ông Juncker cũng dẫn một thực tế là, châu Âu đa tốc độ đã tồn tại từ lâu với khu vực Eurozone hay khu vực Schengen. Theo ông, đây là hai thành tựu lớn trong lộ trình hợp tác trong nội khối EU nhưng không phải là tất cả các nước thành viên đều cùng tham gia. Mặc dù vậy, Chủ tịch Ủy ban châu Âu cũng thừa nhận, chủ trương châu Âu đa tốc độ có thể gây thiệt thòi cho một số nước Đông Âu.

Thủ tướng Ba Lan Beata Szydlo và những quan điểm khác biệt đang là một trong những mối bận tâm của EU hiện nay.Nguồn: Telegraph
Thủ tướng Ba Lan Beata Szydlo và những quan điểm khác biệt đang là một trong những mối bận tâm của EU hiện nay. Nguồn: Telegraph

Bên cạnh đó, giới phân tích đánh giá, việc phải đề cập một cách rõ ràng, công khai trong “Sách trắng phát triển” cho thấy, mâu thuẫn tăng trưởng đang thực sự là vấn đề nan giải với Liên minh châu Âu.

Thậm chí, một tuyên bố chung về định hướng phát triển của EU dự kiến sẽ được công bố nhân kỷ niệm 60 năm ngày ra đời Hiệp ước thành lập Cộng đồng châu Âu - tiền thân của Liên minh châu Âu, sẽ được tổ chức tại Rome, Italy ngày 25/3 tới đây, cũng được dự báo sẽ gặp nhiều trắc trở.

Chắc chắn rằng, các nước Đông Âu, đặc biệt là Ba Lan sẽ lại đưa ra các ý kiến phản đối, như việc không ủng hộ ông Donald Tusk tái đắc cử Chủ tịch Hội đồng Châu Âu (EC) vừa qua.

Không chỉ vậy, những rạn nứt và chia rẽ trong chiến lược “châu Âu đa tốc độ” sẽ còn bị ảnh hưởng bởi lộ trình Brexit tới đây.

Vì rất có thể, Thủ tướng Anh Theresa May sẽ kích hoạt điều 50 Hiệp ước Lisbon ngay vào tuần tới, trong lúc EU chưa thực sự sẵn sàng. Bên cạnh đó, một loạt những thách thức đối nội, đối ngoại khác như sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy tại các nước thành viên, quan hệ với các nước lớn như Nga - Mỹ…, cũng sẽ tiếp tục thử thách sự đoàn kết và thống nhất của Liên minh châu Âu. Liệu ý tưởng “châu Âu đa tốc độ” có thể được hiện thực hóa và thành công hay không, đó còn là vấn đề thời gian và quyết tâm của tất cả các quốc gia thành viên.

Khang Duy

TIN LIÊN QUAN