Nguyên Bí thư Thành uỷ Hội An: 'Nhiều người trẻ có tài, có đức là hồng phúc của đất nước'

06/02/2017 08:19

Nguyên Bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự xin nghỉ trước 2 năm với quan niệm từ chức để lớp trẻ phát triển, bởi chức vụ không phải gia tài, điền sản của riêng ai.

Trong cuộc trao đổi về chuyện đề bạt, bổ nhiệm cán bộ "nóng" năm 2016, ông Nguyễn Sự luôn đau đáu: Cần có cơ chế để cất nhắc, trọng dụng cán bộ trẻ có năng lực, không vì tham nhũng chính sách để bố trí người thân, con cháu vào bộ máy. Nếu vì ‘con ông cháu cha’ mà đặt những người bất tài vào bộ máy thì tương lai đất nước sẽ khó phát triển....

Ông từng nói xin từ chức để cho lớp trẻ phát triển. Hiện nay, người trẻ đang được trọng dụng trong rất nhiều lĩnh vực. Thế nhưng thi thoảng dư luận cũng giật mình bởi có những cán bộ trẻ con đường thăng tiến nhanh bất thường. Ông nhìn nhận hiện tượng này thế nào?

Cán bộ trẻ có đầy đủ phẩm chất năng lực, có triển vọng thì nên ủng hộ. Bởi nếu người trẻ có tài có đức còn nhiều thì đó là hồng phúc của đất nước. Nhưng họ phải đi lên bằng chính bản thân, năng lực của mình.

'Chức vụ không phải gia tài của riêng ai'
Nguyên Bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự

Có thể bây giờ lớp trẻ còn non kinh nghiệm một chút nhưng thể hiện được tố chất thì nên cất nhắc, đề bạt và đào tạo để các em, các cháu đảm nhận các vị trí chủ chốt.

Nhưng nếu vì lý do người quen, con ông cháu cha hoặc tiêu cực mà cất nhắc một số trường hợp như vừa rồi công luận lên tiếng thì không thể chấp nhận.

Vị trí, chức vụ trong bộ máy này không phải gia tài, điền sản của ai cả. Do đó không được đem ra đặt cược, và cũng đừng vì bất cứ lý do nào mà đặt những người bất tài, không có đức vào bộ máy.

Ông muốn nhắc đến một số trường hợp bổ nhiệm cán bộ trẻ gây xôn xao thời gian qua. Tuy nhiên, khi xem xét họ đều được bổ nhiệm đúng quy trình?

Quy trình là cái gì? Bây giờ hễ động đến việc gì cũng đổ thừa cho quy trình.

Quy trình là do con người đặt ra, nó không chặt chẽ thì phải sửa. Có những quy trình rất chặt chẽ, rất đúng, nhưng bản chất, mục tiêu của vấn đề nó lại trật lất.

Quy trình mà gây hại đến đời sống nhân dân, kìm hãm sự phát triển thì sẽ kéo lùi cả xã hội.

Quy trình là một phần của chính sách. Chính tham nhũng chính sách nó mới tạo ra tác hại rất ghê gớm với sự phát triển.

Ví dụ như trường hợp Trịnh Xuân Thanh. Việc luân chuyển ông Thanh có phải ông tự động chuyển đi được đâu. Vậy quy trình nào để luân chuyển?

Tôi đang nói về tham nhũng chính sách, nó tác hại ghê lắm. Chính sách thay đổi, sai sót, không phù hợp điều kiện thực tiễn là bình thường, nhưng bản thân những người làm chính sách cố tình trục lợi mới nguy hại.

Lạm quyền có thể chỉ ảnh hưởng đến một đơn vị, một địa phương, một bộ phận nhất định, còn tham nhũng chính sách sẽ ảnh hưởng toàn xã hội. Chỉ một bộ phận nhỏ hưởng lợi mà thôi.

Trở lại câu chuyện cán bộ trẻ, có phải khó khăn nhất với họ là ít kinh nghiệm?

Kinh nghiệm rất cần, nhưng đừng biến nó thành chủ nghĩa kinh nghiệm. Kinh nghiệm là của quá khứ, cả thành công và thất bại. Anh tích lũy được từ những việc đã qua để biết mà tránh, đừng lặp lại.

Kinh nghiệm phải tổng kết từ sự thành công và cả thất bại. Tôi ví dụ sự cố môi trường liên quan đến vụ Formosa ở Hà Tĩnh là bài học nhãn tiền, cái giá mà chúng ta phải trả không phải 1-2 năm mà có thể cả trăm năm. Trong khi đó, việc Bộ Công thương đưa dự án thép Cà Ná vào quy hoạch ngành là điều đáng cân nhắc và suy nghĩ.

Điều quan trọng tôi muốn nói là chúng ta đừng để lợi ích cá nhân, gia đình chi phối lợi ích của nhân dân.

Theo Vietnamnet.vn

TIN LIÊN QUAN