Quỳnh Lưu hỗ trợ 70 triệu đồng cho xóm giáo xây dựng nhà văn hóa

07/03/2017 12:30

(Baonghean) - Nhờ đổi mới trong cách lãnh đạo, phát huy tinh thần dân chủ, các xã trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu đã tạo được những chuyển biến tích cực trong phong trào thi đua xây dựng làng văn hóa.

» Linh mục Nguyễn Đình Thục kích động giáo dân

Triển khai sâu rộng

Trước đây, thôn 4A, xã Quỳnh Châu, người dân không mặn mà khi tham gia các hoạt động của xóm và xã phát động. Vì thế, trong các cuộc họp Đảng ủy, chính quyền, thôn đều bị nhắc nhở, phê bình. Nhằm vực dậy các phong trào, chi bộ thôn đã tổ chức họp bàn thống nhất các giải pháp, đề ra các kế hoạch một cách cụ thể, đồng thời củng cố lại hoạt động các tổ chức đoàn thể. Trước khi thực hiện công việc gì cũng được đưa ra bàn bạc, công khai hóa mọi khoản đóng góp.

Nhờ đó, người dân đã đồng tình, hưởng ứng tích cực, huy động các hộ gia đình, con em xa quê được 800 triệu đồng để bê tông hóa đường giao thông nông thôn; xây mới nhà văn hóa khang trang, khuôn viên rộng rãi trị giá hàng trăm triệu đồng. Hiện thôn đã thành lập được đội văn nghệ với 35 thành viên, 1 đội bóng chuyền, bóng đá nữ 28 thành viên. Hoạt động của các đội được trích từ quỹ tình nguyện ủng hộ của toàn thôn từ 40 – 50 triệu đồng mỗi năm.

Bên cạnh các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao ngày càng phát triển, các hộ dân cũng năng động phát triển đa dạng ngành nghề, dịch vụ nên đã nâng tổng mức thu nhập bình quân đầu người đạt 28 triệu đồng/năm. Với những kết quả đó, cuối năm 2016 thôn 4A được trao bằng danh hiệu Làng văn hóa giai đoạn 2014 - 2016.

Hàng nghìn người dân tham gia lễ hội Cầu ngư tại cảng Lạch Quèn - xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Ảnh Ngọc Toàn
Hàng nghìn người dân tham gia lễ hội Cầu ngư tại cảng Lạch Quèn - xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Ảnh tư liệu.

Để phong trào xây dựng làng văn hóa ngày càng được lan tỏa, cấp ủy, chính quyền xã Quỳnh Châu đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa trong đời sống nông thôn hiện nay. Đồng thời, dựa trên các tiêu chuẩn bình xét danh hiệu thôn văn hóa để xã có định hướng chỉ đạo sát sao cho cơ sở tổ chức thực hiện.

Trong đó, coi trọng nhất là việc nâng cao thu nhập của người dân. Chính vì vậy, bằng các hình thức khác nhau, địa phương đã hỗ trợ các hộ phát triển đa dạng các ngành nghề như vận tải, dịch vụ, trồng trọt, chăn nuôi. Nhờ đó, trong vài năm trở lại đây Quỳnh Châu đã xuất hiện các mô hình trồng cam chất lượng cao cho thu nhập từ 250 – 300 triệu đồng mỗi năm.

Với định hướng kịp thời của cấp ủy, chính quyền, sự năng động của người dân nên thu nhập bình quân đầu người ở Quỳnh Châu đạt gần 31 triệu đồng/năm. Đời sống ngày càng được nâng cao, nhân dân trong xã đã tự nguyện đóng góp kinh phí xây dựng đường giao thông liên thôn, nhà văn hóa, sân chơi thể thao…

Đến nay, 21/21 thôn có nhà văn hóa phục vụ nhu cầu sinh hoạt cộng đồng. Mỗi thôn đều có các tổ hòa giải để khi có sự việc gì xảy ra, tổ trực tiếp đến xác minh, tìm hiểu rõ nguyên nhân, phân công thành viên gặp gỡ, thuyết phục người trong cuộc, nên các vụ việc phát sinh trên địa bàn đều được dàn xếp kịp thời, không để vấn đề phức tạp xảy ra.

Cùng với Quỳnh Châu, hiện nay, các địa phương khác ở Quỳnh Lưu cũng đang tích cực thực hiện đẩy mạnh phong trào xây dựng làng văn hóa. Như ở xã Quỳnh Giang, nhờ sự phối hợp nhịp nhàng trong công tác tuyên truyền nên phong trào xây dựng làng văn hóa ở Quỳnh Giang dần đi sâu vào nhận thức của mỗi người dân, tạo điều kiện thuận lợi để xã phát huy nội lực xây dựng cơ sở hạ tầng, làm cho đường làng, ngõ xóm ngày càng khang trang, sạch, đẹp.

Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, toàn xã đã nhựa hóa được 7,5 km đường liên xã, bê tông hóa được 5,3 km đường trục thôn, 12/13 xóm hoàn thiện xây dựng mạng lưới thiết chế văn hóa ở cơ sở. Hiện nay Quỳnh Giang đang nỗ lực để hoàn thiện 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới trong năm 2017.

Phong trào văn nghệ quần chúng phát triển rộng khắp các thôn, xóm ở huyện Quỳnh Lưu. Ảnh: Hồng Diện
Phong trào văn nghệ quần chúng phát triển rộng khắp các thôn, xóm ở huyện Quỳnh Lưu. Ảnh: Hồng Diện

Cụ thể hóa các chính sách

Ông Phạm Văn Giang – Phó phòng Văn hóa thông tin huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Hàng năm, phòng đều tham mưu cho Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” của huyện ban hành các văn bản chỉ đạo các địa phương tổ chức cho cơ sở thôn, hộ gia đình tiến hành đăng ký, thực hiện và bình xét các danh hiệu thi đua.

Huyện cũng có chính sách khi các thôn ở vùng giáo xây dựng nhà văn hóa sẽ hỗ trợ 70 triệu đồng/nhà. Huyện cũng khuyến khích phát triển các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao quần chúng, xây dựng nếp sống văn minh tại các khu dân cư…

Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai, các địa phương, cơ sở gắn xây dựng đời sống văn hoá với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, đời sống nhân dân, tạo phong trào sâu rộng trong nhân dân.

Đặc biệt, ở vùng nông thôn, những tiêu chí trong phong trào được gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo, bảo đảm các vấn đề an sinh xã hội, từ đó phong trào càng mang ý nghĩa thiết thực trong đời sống”.

Đến nay, toàn huyện Quỳnh Lưu có 300/406 thôn, xóm đã được công nhận xóm văn hóa, góp phần lớn trong phong trào xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Trong đó, một số xã có 100% thôn được công nhận làng văn hoá và liên tục giữ vững danh hiệu như Quỳnh Đôi, Quỳnh Hậu, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Minh, Quỳnh Lương, Quỳnh Diện…

Nhiều điển hình làng văn hoá tiêu biểu như: Thôn Nghĩa Phú (xã Quỳnh Nghĩa), thôn Tiến Thành (xã Quỳnh Thắng), thôn 3 (xã Quỳnh Hậu), thôn 7 (xã Quỳnh Thạch), thôn Phú Thành (Quỳnh Long), thôn 5 (xã Quỳnh Đôi)… từ đó, đã tạo dựng được nền tảng vững chắc trong việc xây dựng làng văn hoá.

Hồng Diện

(Đài Quỳnh Lưu)

TIN LIÊN QUAN