Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo đối đất tầm trung: Thăm dò hay thách thức?

14/02/2017 06:44

(Baonghean) - Sau các nguồn tin khác nhau, hôm qua (13/2), hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA chính thức xác nhận, nước này đã phóng thử thành công một tên lửa đạn đạo đối đất tầm trung. Vụ việc diễn ra ngay trong lúc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang có chuyến thăm Mỹ, được đánh giá là động thái nhiều thông điệp mà CHDCND Triều Tiên gửi đến hai nước này.

Người dân Hàn Quốc xem tin tức về vụ phóng thử tên lửa của CHDCND Triều Tiên. (Nguồn: Reuters)
Người dân Hàn Quốc xem tin tức về vụ phóng thử tên lửa của CHDCND Triều Tiên. (Nguồn: Reuters)

Thông điệp đầu năm

Trong bản tin phát ngày 13/2, hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA cho biết, Triều Tiên xác nhận nước này đã phóng thử "thành công" một tên lửa đạn đạo. Cụ thể, “một tên lửa đạn đạo đất đối đất tầm trung Pukguksong-2 đã được phóng thử thành công vào ngày 12/2”.

Nhìn vào diễn biến này, dư luận không quá bất ngờ. Bởi các vụ phóng thử tên lửa của CHDCND Triều Tiên thường vẫn mang nhiều thông điệp ngầm mà nước này muốn gửi đến cộng đồng quốc tế. Lần này, đó là Mỹ và Nhật Bản.

Vụ thử tên lửa diễn ra ngay khi Thủ tướng Nhật Bản đang có chuyến công du Mỹ nhằm thắt chặt quan hệ đồng minh dưới thời tân Tổng thống Donald Trump. Dễ lý giải cho động thái của Triều Tiên, vì sau cuộc gặp cấp cao, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Nhật Bản đã cùng nhất trí phối hợp đảm bảo phòng thủ mạnh mẽ chống lại mọi mối đe dọa an ninh trong khu vực.

CHDCND Triều Tiên vốn luôn “bực dọc” với mối thân tình giữa Mỹ và các đồng minh trong khu vực là Nhật Bản và Hàn Quốc. Mọi động thái hợp tác an ninh, quân sự hay tập trận giữa bộ ba này với Triều Tiên đều là những bước đi có thể đe dọa an ninh của quốc gia này. Đặc biệt trong bối cảnh nước Mỹ vừa có một vị Tổng thống mới, vụ phóng tên lửa của Triều Tiên được cho là nhằm tạo phép thử thăm dò thái độ của chính quyền ông Donald Trump.

Dư luận hẳn còn nhớ ngay trong nhiệm kỳ đầu của người tiền nhiệm Barack Obama, CHDCND Triều Tiên ngay lập tức thực hiện một vụ nổ hạt nhân dưới lòng đất sau khi ông Obama nhậm chức vài tháng. Vì thế, “món quà” mà chính quyền Triều Tiên dành cho tân Tổng thống Donald Trump cũng không phải là ngoại lệ.

Tuy vậy cũng có ý kiến khác cho rằng, việc chỉ bắn thử tên lửa tầm trung cũng là ý đồ của CHDCND Triều Tiên, khi chỉ muốn thăm dò chứ không thách thức tân Tổng thống Mỹ. Rõ ràng, trong bối cảnh hồ sơ hạt nhân Triều Tiên đang là mối bận tâm chung của cộng đồng quốc tế, việc đóng sập các cánh cửa đàm phán sẽ không hề có lợi cho nước này.

Đặc biệt, đồng minh duy nhất của Triều Tiên là Trung Quốc thời gian gần đây cũng công khai đưa ra các tuyên bố chỉ trích nước này. Mới nhất hôm 13/2, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng trong một cuộc họp báo nhấn mạnh, hành động của Triều Tiên là đi ngược lại các nghị quyết của Liên Hợp quốc, đồng thời yêu cầu Triều Tiên dừng chương trình vũ khí hạt nhân, cũng như không được tiến hành bất kỳ vụ thử hạt nhân và tên lửa nào nữa. Bởi thế, có ý kiến lạc quan lại cho rằng, đơn giản vụ thử tên lửa của Triều Tiên chỉ nhằm hướng đến kỷ niệm sinh nhật sắp tới (16/2) của cố lãnh đạo Kim Jong-il, cha của ông Kim Jong-un.

Hồ sơ hạt nhân Triều Tiên là một trong những thách thức khó khăn của Tổng thống Mỹ Donald Trump.(Nguồn: CNN)
Hồ sơ hạt nhân Triều Tiên là một trong những thách thức khó khăn của Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Nguồn: CNN)

Mỹ đang bối rối?

Nếu về phía Triều Tiên là những mục đích không quá bất ngờ thì về phía Mỹ lại có những phản ứng gây tranh cãi về cách ứng xử của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Trong phát biểu của mình ngay trong cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sau khi Triều Tiên phóng thử tên lửa, ông Trump đã cam kết sẽ ủng hộ đồng minh châu Á. Không phủ nhận, đây là thông điệp mạnh mẽ mà ông Trump muốn gửi đến Triều Tiên. Thế nhưng, nhiều ý kiến lại cho rằng, việc ông Trump đã không hề nhắc tới Triều Tiên trong tuyên bố của mình có thể đang bộc lộ nhiều vấn đề khác nhau.

Một luồng ý kiến nhận định, việc ông Trump không nhắc trực tiếp tới CHDCND Triều Tiên là một sự khéo léo cần thiết và đúng lúc. Ông đã không chọn những cách mà người người tiền nhiệm Barack Obama từng làm, như chỉ trích mạnh mẽ hay áp các lệnh trừng phạt mới với Triều Tiên.

Luồng ý kiến này cho rằng, ông Trump đang lựa để Mỹ không bị kéo vào những cuộc đối đầu mới, đồng thời vẫn cam kết ủng hộ được đồng minh. Tiếp đó, ông Trump đã nhường lời cho Cố vấn Nhà Trắng Stephen Miller khẳng định rằng, Mỹ cam kết đảm bảo an ninh cho các đồng minh của nước này tại khu vực Thái Bình Dương và sẽ ủng hộ các đồng minh chống lại bất cứ hành động thù địch nào của Triều Tiên.

Bên cạnh các ý kiến đánh giá cao cách ứng xử của ông Trump, có ý kiến lại nhận định, động thái này chỉ bộc lộ rằng, chính quyền Mỹ đang thực sự bối rối trước hồ sơ Triều Tiên. Một mặt, Tổng thống Trump vẫn chưa chọn được đối sách phù hợp cho vấn đề Triều Tiên. Mặt khác, đội ngũ của ông Trump đang thực sự thiếu hụt nhân lực có thể “cáng đáng” được bài toán hóc búa này.

Trong khi đó, việc hợp tác với đối trọng hàng đầu là Trung Quốc để giải quyết vấn đề Triều Tiên chắc chắn sẽ còn nhiều gian nan. Vì vậy, tân Tổng thống Mỹ vẫn đang phải thăm dò và tìm ra phương thức phù hợp. Cộng với tuyên bố trên trang Twitter cá nhân hồi đầu tháng 1 nhấn mạnh, Triều Tiên sẽ không bao giờ thử nghiệm một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), giới phân tích cho rằng, Tổng thống Donald Trump đang tự đặt mình trong một thế vô cùng khó.

Phương Hoa

TIN LIÊN QUAN