Bí quyết để có giấc ngủ ngon, bảo đảm sức khỏe tâm thần

24/02/2017 20:59

Tư vấn của TS.BS Dương Minh Tâm, Viện Sức khỏe tâm thần – Bệnh viện Bạch Mai về chứng rối loạn giấc ngủ và sức khỏe tâm thần.

» Linh mục Nguyễn Đình Thục kích động giáo dân

Cả cuộc đời, con người cần 1/3 thời gian để ngủ; 2/3 thời gian còn lại để thức. Vậy không có lý gì để chúng ta không quan tâm đến 1/3 cuộc đời của mình. Để có giấc ngủ ngon hơn, TS.BS Dương Minh Tâm, Viện Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai sẽ giúp chúng ta hiểu thêm về chứng rối loạn giấc ngủ và bảo đảm sức khỏe tâm thần.

Rối loạn giấc ngủ là gì?

TS.BS Dương Minh Tâm cho biết: Ngủ là hoạt động rất phổ biến của con người, những trường hợp mất ngủ hoặc rối loạn giấc ngủ gây rất nhiều khó chịu cả về thể chất và tinh thần cho con người. Người trưởng thành thường ngủ 6 - 8 tiếng mỗi ngày tùy theo lứa tuổi; người trẻ thì ngủ nhiều hơn, người lớn tuổi ngủ ít hơn một chút.

Rối loạn giấc ngủ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống (Ảnh minh họa)
Rối loạn giấc ngủ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống (Ảnh minh họa)

Rối loạn giấc ngủ là những thay đổi về thời lượng và chất lượng giấc ngủ, nhịp thức ngủ. Rối loạn giấc ngủ có thể không có nguyên nhân hay là triệu chứng của bệnh tâm thần, có thể là triệu chứng của bệnh cơ thể, nhiều khi đơn giản chỉ là một phản ứng hay dấu hiệu của lo toan đời thường hay gặp. Chính vì vậy, việc xác định thuộc thể nào là vô cùng quan trọng.

Căn cứ vào điều gì để xác định rối loạn giấc ngủ?

Theo TS.BS Dương Minh Tâm, rối loạn giấc ngủ được phân thành nhiều loại, mỗi loại có tiêu chuẩn xác định riêng. Thứ nhất là ít ngủ hoặc mất ngủ. Ít ngủ nghĩa là ngủ ít hơn 2 giờ so với bình thường của lứa tuổi. Trong ít ngủ cũng được phân thành nhiều loại: loại khó ngủ đầu giấc hoặc mất ngủ đầu giấc; mất ngủ cuối giấc; ngủ không sâu, thức dậy nhiều lần trong đêm…

Thứ hai là ngủ nhiều, tức là ngủ nhiều hơn 2 tiếng so với tiêu chuẩn lứa tuổi; hoặc rối loạn nhịp thức ngủ, tức là ngủ nhưng thức nhiều lần trong đêm hoặc không xác định được nhịp thức ngủ.

Rối loạn giấc ngủ xuất hiện ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ em mới sinh đến người trưởng thành và người già. Tuy nhiên, chúng ta vẫn gặp ở người già nhiều hơn. Ở người già thường là mất ngủ sinh lý, còn ở người trẻ thường là mất ngủ có nguyên nhân như lo âu, trầm cảm…

Rối loạn giấc ngủ là hoạt động thường ngày, nếu chúng ta bị rối loạn tùy theo thể có thể gây ra những mức độ khác nhau. Rối loạn giấc ngủ gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, đặc biệt mất ngủ rất là tệ hại; nếu mất ngủ quá nặng nề và kéo dài có thể gây ra rối loạn ý thức và khả năng nhận thức, thậm chí tự sát.

Cách vệ sinh giấc ngủ như thế nào?

TS.BS Dương Minh Tâm tư vấn: Rối loạn giấc ngủ có thể là nguyên nhân của một bệnh lý nào đó hoặc chỉ là biểu hiện vô căn. Việc điều trị, vệ sinh giấc ngủ là vô cùng quan trọng. Trong trường hợp xác định được nguyên nhân giấc ngủ thì điều trị sẽ dễ hơn. Trong trường hợp rối loạn giấc ngủ vô căn, đòi hỏi kỹ thuật điều trị cao hơn nhiều. Đặc biệt không được sử dụng thuốc vì sẽ gây nghiện, lệ thuộc thuốc ngủ.

Quan trọng là phòng rối loạn bằng các phương pháp vệ sinh giấc ngủ. Thứ nhất, chọn một thời gian cố định để đi ngủ hoặc thời gian thức giấc trong cùng một ngày, điều này vô cùng quan trọng.

Thứ 2 là không lạm dụng các chất kích thích trước thời điểm đi ngủ như uống rượu, cà phê, thuốc lá. Tránh ngủ chợp mắt lai rai nhiều lần trong ngày; học các bài tập thư giãn trước khi đi ngủ, đơn giản nhất là tập thở yoga 30 phút trước khi ngủ.

Thứ 3 là tắm nước nóng, ăn uống hợp lý, ăn không quá gần giờ ngủ, không ăn quá nhiều; tránh xa các sự kiện gây hưng phấn trước khi ngủ như hò hét, vui đùa, hội họp…/.

Theo VOV


TIN LIÊN QUAN