Khủng hoảng nợ Hy Lạp: Rào cản cũ chưa dàn xếp xong, bế tắc mới đã đến

23/02/2017 19:10

(Baonghean) - Cuộc biểu tình phản đối chính sách khắc khổ lại tiếp diễn tại thủ đô Athens của Hy Lạp mấy ngày qua khi Chính phủ nước này xem xét chấp nhận các biện pháp cải cách mới, đổi lấy gói cứu trợ quốc tế. Gần 10 năm đã qua, con đường để Hy Lạp thoát khỏi khủng hoảng vẫn rất chông chênh. Còn các đối tác quốc tế vì nhiều lý do, cũng không còn lựa chọn nào khác ngoài việc giúp nền kinh tế xứ sở thần thoại tránh khỏi một cuộc đổ vỡ.

Tình thế ép buộc

Đến hẹn lại lên, Hy Lạp và nhóm các chủ nợ quốc tế của nước này gồm Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang ngồi thảo luận về bước đi tiếp theo trong bối cảnh Athens đối mặt với khoản nợ 7 tỷ euro đáo hạn vào mùa Hè này.

Tình huống xấu được đặt ra là Hy Lạp sẽ không thể thanh toán được số nợ nếu các chủ nợ không kích hoạt khoản giải ngân mới trong gói cứu trợ thứ 3 trị giá 86 tỷ euro. Chính vì hạn chót và những điều kiện ngặt nghèo đặt ra, bài toán trong cuộc đàm phán trở nên khó giải quyết, khó thỏa hiệp. Bất chấp tất cả đều hiểu, nếu Hy Lạp đổ vỡ, không ai được lợi, thậm chí Eurozone tan vỡ là điều khó tránh khỏi.

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde sẽ có thể tìm được thỏa hiệp về giải pháp cho Hy Lạp.Ảnh: Guardian
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde sẽ có thể tìm được thỏa hiệp về giải pháp cho Hy Lạp. Ảnh: Guardian

Vấn đề là các khoản nợ của Hy Lạp đều đã tới hạn. Điều này có nghĩa nếu không có các nhượng bộ của cả con nợ và các chủ nợ, rất khó để gỡ được bài toán khó. IMF - một đối tác quan trọng trong tiến trình giải quyết nợ của Hy Lạp vẫn chưa chính thức tham gia gói cứu trợ thứ ba cùng với Eurozone vì một số bất đồng. IMF cảnh báo sẽ ngừng tham gia chương trình cứu trợ cho Hy Lạp, vì khoản nợ của Athens quá lớn. Trong khi đó các mục tiêu kinh tế mà Eurozone đặt ra với Hy Lạp là không thực tế.

Chính vì thế, định chế tài chính toàn cầu này cho rằng họ chỉ có thể tiếp tục giải ngân khoản vay nếu các nước Eurozone cam kết giảm nợ thêm cho Hy Lạp trước khi giải ngân khoản cứu trợ mới. Theo IMF, ngay cả khi thực hiện đầy đủ các biện pháp cải cách theo yêu cầu, Hy Lạp vẫn cần giảm đáng kể các khoản nợ để đạt được các mục tiêu tăng trưởng và ngân sách bền vững. Nhưng điều kiện này lại vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Đức và nhiều nước chủ nợ trong Eurozone.

Về phía Hy Lạp, chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras cũng không còn đường lùi. Nghĩa vụ với 7 tỷ euro đáo hạn vào giữa tháng 7 là thách thức quá lớn nếu không tìm được sự thỏa hiệp với các chủ nợ. Trong gần 2 năm qua, Hy Lạp đã thực hiện các cải cách và cam kết về ngân sách. Tuy nhiên, “món quà” hay khoản cứu trợ mới sẽ chưa được giải ngân cho đến khi Hy Lạp vượt qua được lần đánh giá hiện nay. Nếu tất cả các điều kiện đó đều thỏa mãn, Hy Lạp lại phải trông chờ vào may mắn.

Đó là việc Đức và Hà Lan sẽ chỉ đồng ý tiếp tục nếu IMF tham gia đầy đủ. Vậy là rào cản cũ chưa dàn xếp xong, bế tắc mới đã đến. Và lần này, IMF tiếp tục yêu cầu Hy Lạp thực hiện thêm các biện pháp khắc khổ, mặc dù vẫn hoài nghi về các mục tiêu ngân sách mà châu Âu đặt ra. Điều này chẳng khác gì việc chính phủ ở Athens khuấy động làn sóng phản đối biện pháp kinh tế khắc khổ ở trong nước.

Điểm chốt với EU

Sau cuộc bỏ phiếu của cử tri Anh về việc nước Anh rời EU năm ngoái, EU lại đang đứng trước một bài sát hạch mới. Kết quả của bài sát hạch này là việc Hy Lạp có còn ở trong Eurozone nữa hay không. Trong trường hợp Hy Lạp phá sản, hay không còn đủ điều kiện tham gia Eurozone, việc nước này ra khỏi EU như Anh (Brexit) chỉ còn là vấn đề thời gian.

Mà nếu không đạt được thỏa thuận từ giờ tới tháng 7, Athens cũng sẽ không tránh khỏi vỡ nợ. Cho tới giờ, không có lựa chọn nào khác cho Hy Lạp ngoài chiếc “phao cứu sinh” là bộ ba EU, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và IMF. Mà cả 3 định chế này dường như đã quá mệt mỏi để chạy theo giải quyết những diễn tiến trong hồ sơ nợ nần của Hy Lạp.

Tới thời điểm này, họ đã dành tới 310 tỷ euro để giúp Athens thoát hiểm. Họ cũng bị buộc phải vào cái thế “đâm lao, theo lao” bởi không thể bỏ rơi Hy Lạp vào lúc nước sôi lửa bỏng. Nhưng nếu giúp thêm lần này chưa chắc sẽ không phải ra tay giúp thêm lần nữa. Với những điều kiện mà bộ ba chủ nợ này đặt ra, có thể thấy Hy Lạp chưa đáp ứng một cách nghiêm túc. Đơn giản bởi sức ép phản đối từ người dân bên cạnh sự ổn định chính trị để thay đổi cục diện kinh tế tài chính.

Nông dân Hy Lạp phản đối các loại thuế mới trong cuộc biểu tình chống thắt lưng buộc bụng tuần trước. Ảnh: New York Times
Nông dân Hy Lạp phản đối các loại thuế mới trong cuộc biểu tình chống thắt lưng buộc bụng tuần trước. Ảnh: New York Times

Nhưng vấn đề với EU không chỉ nằm ở đó. Nội bộ các nước trong khối cũng có quan điểm khác nhau về việc ứng xử như thế nào với các khoản nợ của Hy Lạp, nên giảm nợ cho Hy Lạp hay đáp ứng các yêu cầu để IMF tham gia cùng EU và ECB? Chẳng hạn, Đức có quan điểm kiên quyết nhất ở Eurozone về việc giảm mạnh nợ cho Hy Lạp theo đề nghị của IMF.

Cùng với các nước khác như Hà Lan, Berlin đưa ra điều kiện cho việc tham gia cứu trợ Hy Lạp là sự tham gia đầy đủ của IMF. Đức e ngại rằng chỉ mình EU sẽ khó có thể duy trì được sức ép buộc Hy Lạp thực hiện các cải cách. Nếu IMF vẫn đứng ngoài chương trình cứu trợ Hy Lạp và chỉ đưa ra các điều kiện, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Bộ trưởng Tài chính Wolfgang Schaeuble bị đặt vào "thế bí" chỉ vài tháng trước khi diễn ra các cuộc bầu cử vào tháng 9.

Các cuộc thảo luận xung quanh việc tái cơ cấu khoản nợ công của Hy Lạp vẫn đang tiếp tục. Giờ đây, tất cả các bên cần thỏa hiệp và hành động thực chất hơn nếu muốn gỡ được mớ nợ nần tồn đọng đã quá lâu này. Bởi vốn dĩ, không ai muốn cuộc khủng hoảng nợ tại Athens trở thành điểm chốt cho sự tồn tại của EU.

Thanh Sơn

TIN LIÊN QUAN