Nghệ An 'khát' vận động viên thành tích cao
(Baonghean) - Nghệ An đang xây dựng Đề án Phát triển thể thao thành tích cao với mục tiêu đến năm 2020 sẽ nằm trong tốp 10 tỉnh, thành, ngành có phong trào thể thao mạnh nhất cả nước. Tuy nhiên, đến thời điểm này việc tuyển chọn và giữ chân các vận động viên chuyên nghiệp vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.
Nhiều bộ môn thiếu chỉ tiêu
Vật là một trong những bộ môn khá thuận lợi trong việc tuyển chọn vận động viên bởi đây là môn thi đấu được tổ chức thường xuyên ở các lễ hội truyền thống như: Lễ hội đền Vua Mai, Lễ hội đền Đức Hoàng…
Buổi luyện tập của đội tuyển vật ở Trung tâm Huấn luyện đào tạo thể dục thể thao tỉnh. Ảnh: Mỹ Hà |
Năm ngoái, đội tuyển vật đạt chỉ tiêu 19/19 vận động viên và là đội có số lượng đông nhất. Tuy nhiên, bước sang năm 2017, hai vận động viên có tiềm năng, có thành tích là Nguyễn Sỹ Đạt, Nguyễn Sỹ Thanh đã xin nghỉ với lý do chuyển ngành và đi… xuất khẩu lao động.
Là huấn luyện viên trưởng, dù rất “xót” học trò nhưng anh Đoàn Xuân Luyện không có cách nào để thuyết phục các em ở lại bởi anh biết sự vất vả và bạc bẽo của nghề. Bởi lẽ, nghề vận động viên chuyên nghiệp là một nghề đòi hỏi sự khổ luyện, đam mê và dấn thân. Tuy nhiên, kết quả mang lại phụ thuộc rất nhiều vào sự may rủi.
Đây cũng là nghề có tuổi đời rất ngắn và cơ hội để gắn bó lâu dài với nghề không nhiều. Bản thân huấn luyện viên Đoàn Xuân Luyện, người đã 12 năm liên tục giành Huy chương Vàng ở các kỳ ĐH TDTT toàn quốc cũng thấy mình may mắn vì trong số vận động viên cùng thời, anh là vận động viên duy nhất được giữ lại trung tâm làm công tác huấn luyện.
Vận động viên Nguyễn Đình Thao, thành viên đội tuyển vật của tỉnh được phát hiện tại Hội vật đền Cuông năm 2009. Sau gần 8 năm gắn bó với đội và đã giành nhiều huy chương tại các giải đấu trong nước, hiện mỗi tháng tiền ăn và tiền phụ cấp của Thao nằm trong nhóm cao nhất của đội với khoảng 10 triệu đồng/tháng. Với lịch tập căng thẳng, áp lực thành tích lại lớn nên để gắn bó với bộ môn này, Thao cho biết: “Đam mê là chính còn lương thưởng thì chẳng đáng là bao”.
Hiện, Trung tâm Huấn luyện thể dục thể thao tỉnh có 19 bộ môn với chỉ tiêu là 315 vận động viên. Tuy nhiên, trong hai năm trở lại đây, chưa năm nào trung tâm tuyển đủ chỉ tiêu và số lượng vận động viên tập luyện thường xuyên chỉ dao động từ 242 - 277 người. Trong số này, có nhiều môn thiếu khá đông như Wushu 13/18 vận động viên, điền kinh 29/35 vận động viên, đá cầu 11/15 vận động viên. Riêng hai môn Kickboxing, Vovinam hiện vẫn chưa tuyển được vận động viên.
Trong khi vận động viên mới chưa tuyển được thì số vận động viên xin nghỉ hoặc chuyển đơn vị cũng khá nhiều với nhiều lý do khác nhau. Vận động viên Ngô Minh Thơm, từng có nhiều năm tập luyện ở đội tuyển Karatedo và đã tốt nghiệp ngành Thể dục - Trường Đại học Vinh đã từng mơ ước để tiếp tục làm công việc huấn luyện nhưng do điều kiện không cho phép nên em đã quyết định nghỉ tập luyện và chấp nhận đi làm thêm ở quán cà phê.
Thơm cho biết: Vận động viên là một nghề có tuổi đời rất ngắn và khi tuổi càng lớn thì cơ hội để chiến thắng càng ít. Vì vậy, trước khi bị đào thải, vận động viên phải sớm tìm hướng đi khác cho mình để sớm ổn định cuộc sống.
Cần có chính sách khuyến khích
Tình trạng không tuyển đủ vận động viên chuyên nghiệp diễn ra nhiều năm nay ở Nghệ An. Ông Nguyễn Văn Huệ - Huấn luyện viên trưởng đội tuyển Wushu, Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo huấn luyện TDTT tỉnh, cho biết: Mặc dù những năm qua, tỉnh đã nâng tiền hỗ trợ tập luyện và tiền phụ cấp cho các vận động viên lên khá cao nhưng cho đến hiện nay việc tuyển chọn vận động viên vào các đội tuyển vẫn rất khó khăn.
Nguyên nhân chính là bởi khi đã vào nghiệp thể thao thì vận động viên phải tập luyện căng thẳng, phải hy sinh rất nhiều nhưng cơ hội để nổi tiếng, thành công và cơ hội để gắn bó với nghề lâu dài không cao. Bên cạnh đó, hiện độ tuổi để tuyển chọn vào đội tuyển thường rất trẻ (từ 9 - 10 tuổi) nên nhiều phụ huynh băn khoăn, e ngại. Đa phần tâm lý phụ huynh muốn con học văn hóa, được bố mẹ chăm sóc ở gia đình chứ không muốn con sống tập trung ở trung tâm.
Hội khỏe Phù Đổng là giải đấu quan trọng để tuyển chọn vận động viên. Ảnh: Mỹ Hà |
Thực tế, trong công tác tuyển chọn vận động viên cũng cho thấy những bất cập. Đơn cử như, một trong những “kênh” quan trọng để tuyển chọn vận động viên là qua các giải thể thao, qua HKPĐ và qua các giải trẻ do tỉnh tổ chức.
Nhưng hiện tại, ở Nghệ An chỉ mới có 2/19 bộ môn thi đấu tổ chức được các giải trẻ để thi đấu hàng năm (đó là bơi lội và karatedo). Điều này, cũng khiến cho việc tuyển chọn chất lượng đầu vào chưa cao và hầu hết đang tuyển chọn dựa trên những tố chất ban đầu như “nhanh, mạnh, bền và khéo léo” chứ chưa hẳn vận động viên đó có thế mạnh, có kinh nghiệm về môn sẽ tập luyện.
Một kênh tuyển chọn khác là qua các lớp bồi dưỡng nghiệp dư ở cơ sở. Ở tỉnh ta, các lớp chỉ được mở trong giai đoạn từ năm 2002 - 2012. Gần đây nhất, sau nhiều năm gián đoạn, các lớp mới bắt đầu được mở lại tại các địa phương. Vậy nhưng, với mức hỗ trợ 3.000 đồng tiền nước/vận động viên/1 buổi tập thì việc thu hút người theo tập cũng không dễ.
Vài năm gần đây, một khó khăn khác đối với công tác huấn luyện của tỉnh nhà đó là sự cạnh tranh đến từ các đội tuyển mạnh của các ngành như quân đội, công an và các trung tâm thể dục thể thao lớn. Qua tìm hiểu đã không ít vận động viên đang luyện tập ở trung tâm đã xin nghỉ để đầu quân cho những đơn vị có nhiều tiềm năng về kinh tế và điều kiện tập luyện.
Do đó, bên cạnh chính sách thu hút và động viên các vận động viên cần tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất; trang bị dụng cụ tập luyện, thi đấu và xây dựng đội ngũ huấn luyện viên có trình độ, có chuyên môn để đáp ứng yêu cầu của công tác đào tạo - huấn luyện nâng cao. Đồng thời, cần xác định địa bàn đào tạo vận động viên các môn thể thao để đầu tư mở các lớp năng khiếu nghiệp dư, tiến tới tổ chức đào tạo lực lượng vận động viên bổ sung các tuyến tập trung ở tỉnh.
Mỹ Hà
TIN LIÊN QUAN |
---|