Sinh viên kiếm 10 triệu đồng/ tháng từ làm thêm

31/03/2017 16:27

(Baonghean) - Kinh doanh không còn là điều xa lạ với các bạn sinh viên, công việc này không chỉ giúp làm thêm đơn thuần mà còn cho thu nhập và nhiều trải nghiệm thực tiễn.

Đa dạng cách kinh doanh

Sinh viên có thu nhập 10 triệu đồng/tháng? Ắt hẳn sẽ có nhiều người hoài nghi điều này. Nhưng với Nguyễn Thị Sao Mai, đó là thành quả mà suốt 2 năm cố gắng để thực hiện ước mơ kinh doanh. Theo học ngành Quản lý tài nguyên và môi trường, dường như chẳng liên quan gì đến việc kinh doanh, nhưng rồi niềm đam mê ấy vẫn cứ thôi thúc trong lòng cô gái yêu thời trang này.

Sinh viên Nguyễn Thị Sao Mai khá thành công trong kinh doanh thời trang. Ảnh: Quang An
Sinh viên Nguyễn Thị Sao Mai khá thành công trong kinh doanh thời trang. Ảnh: Quang An

Để có được thu nhập mà bao bạn sinh viên mơ ước như hiện nay, Mai đã trải qua bao khó khăn. Khởi nghiệp khi chỉ có vẻn vẹn 200.000 đồng trong tay, bản thân sống tự lập từ nhỏ nên cũng không muốn xin tiền của bố mẹ để kinh doanh, vì nếu thất bại thì chỉ một mình mình chịu, không muốn ảnh hưởng đến người thân. Với 200.000 đồng ấy, Mai tới các đại lý quần áo và xin “lấy hàng nợ”, sau những lần năn nỉ, Mai được chủ cửa hàng cho lấy hàng với điều kiện sau khi bán sẽ phải hoàn trả ngay tiền...

Sau 2 năm làm quen với nghề, nhờ tài giao tiếp tốt và chất lượng hàng đảm bảo, Mai được mọi người dần biết đến, công việc kinh doanh từ đó dần khá lên, số tiền lãi mỗi tháng hơn 10 triệu đồng dùng để chi trả phí ship hàng và nhập hàng đợt tiếp theo. Bố mẹ cũng đã chấp nhận đam mê này của Mai và sửa sang cho cô một không gian nhỏ để kinh doanh tại nhà.

Mai cho biết: “2 tháng nữa ra trường rồi, tôi sẽ cố gắng tìm công việc đúng chuyên ngành, việc kinh doanh quần áo sẽ phải nhờ mẹ quán xuyến, nhưng nếu như không có công việc ưng ý, tôi vẫn sẽ theo nghề vì nó là đam mê từ nhỏ và ít ra mình đã có kinh nghiệm cộng thêm mối quan hệ suốt nhiều năm qua”.

Còn với Đặng Thị Như Quỳnh, sinh viên năm 3, khoa Luật, Trường Đại học Vinh luôn trăn trở phải làm việc gì đó để kiếm ra tiền phụ giúp bố mẹ. Quỳnh đã lên mạng tìm các video hướng dẫn làm các vật dụng handmade (làm bằng thủ công) và tập làm theo. Sau những thành phẩm ban đầu, Quỳnh đăng tải trên facebook và rất bất ngờ được nhiều người đặt làm. Nhận thấy đây là cơ hội có thể kinh doanh, Quỳnh đã dành thời gian để làm nhiều hàng hơn. Hiện nay, Quỳnh có thu nhập kha khá để trang trải học hành.

Với sự bùng nổ của công nghệ, nhiều bạn sinh viên vừa bán hàng trực tiếp tại các địa điểm cụ thể, vừa bán hàng qua mạng, nhận ship hàng miễn phí nên giúp nhiều sinh viên có thu nhập tăng gấp nhiều lần so với bán hàng truyền thống.

Sinh viên Lê Thị Vân - Trường Cao đẳng Sư phạm Vinh chia sẻ: “Trước ngày lễ, chúng em đã góp vốn nhập hàng về. Đầu tiên sẽ cắm những lẵng hoa thật bắt mắt để đăng vào các nhóm, các fanpage trên facebook để giới thiệu sản phẩm. Khi khách hàng có nhu cầu mua thì đội ngũ ship hàng sẽ giao hoa tận nơi và hoàn toàn miễn phí. Đặc biệt, những dịp lễ thời tiết xấu, không thể bán ngoài đường, nên chúng em hầu như bán qua mạng. Nhờ vậy, thu nhập của chúng em có thể tăng lên gấp 3 so với dự kiến”.

Các bạn sinh viên thường góp vốn lại để cùng nhau kinh doanh. Ảnh: Quang An
Các bạn sinh viên thường góp vốn lại để cùng nhau kinh doanh. Ảnh: Quang An

Hiện nay, người dân đang rất lo lắng trong vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, nắm được tâm lý này, nhiều bạn sinh viên đã năng động, sáng tạo trong việc kinh doanh. Tận dụng mạng xã hội, họ đã “xách tay” những thực phẩm quê lên thành phố để bán đồng thời quảng cáo trên các trang mạng xã hội, thu hút rất nhiều người quan tâm. Đó có thể là những hoa quả hái từ vườn nhà, những quả trứng gà quê… có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đồng thời có thể liên lạc với người bán khi có thắc mắc về chất lượng, nên các mặt hàng này được rất nhiều người hỏi mua. Đây là một trong những sản phẩm mà gia đình các bạn sinh viên có thể sản xuất được.

Hành trang khởi nghiệp

Tuy có nụ cười của thành công, nước mắt của những lần thua lỗ, thất bại, nhưng không thể phủ nhận, việc kinh doanh khi còn ngồi trên ghế giảng đường đã giúp nhiều sinh viên có thêm kinh nghiệm sống, rèn dũa kỹ năng giao tiếp và có một khoản tiền không nhỏ để trang trải cuộc sống, giúp đỡ bố mẹ trong chi phí hàng tháng.

Bạn Trần Mạnh Hùng - sinh viên năm cuối Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh nhớ lại: “Ngày đầu có ý tưởng kinh doanh tôi bị phản đối kịch liệt vì bố muốn mình chú tâm vào học hành, nhưng tôi vẫn quyết tâm vay mượn anh em họ hàng, thuê một ki-ốt nhỏ để buôn bán các phụ kiện laptop, điện thoại. Ban đầu tiền lãi chẳng đủ trả thuê phòng hàng tháng. Đã có lúc muốn từ bỏ nhưng rồi được mọi người động viên, tôi học tiếp một khóa đào tạo về điện tử và công nghệ thông tin, kết hợp buôn bán và sửa chữa để thêm một khoản chi phí để trang trải.

Tới nay, tôi đã kinh doanh được 2 năm, mỗi tháng sau khi trừ chi phí cũng tích lũy khoảng 3 triệu đồng. Với một sinh viên vừa học vừa làm như tôi thì đó là con số không hề nhỏ. Và có lẽ sau khi ra trường, với những kinh nghiệm tích lũy được qua 2 năm vừa rồi, tôi sẽ tiếp tục gắn bó với nghề”.

nhiều sinh viên chọn giúp việc theo giờ để làm thêm bởi dễ sắp xếp thời gian và thu nhập khá cao. Ảnh tư liệu
Nhiều sinh viên chọn làm thêm theo giờ để dễ sắp xếp thời gian giữa học tập và kiếm thêm thu nhập. Ảnh tư liệu

Đối với những bạn sinh viên bán kinh doanh theo mùa vụ thì các dịp lễ như ngày Quốc tế Phụ nữ, Ngày Nhà giáo Việt Nam, Valentine… là “thời điểm vàng” để các bạn kiếm thêm thu nhập.

Bạn Nguyễn Thu Hà, theo học chuyên ngành Quản trị kinh doanh cho hay: Tôi cùng các bạn nữ năm nào cũng tổ chức bán hoa trong ngày lễ. Ngoài nâng cao thu nhập, công việc này giống như một khóa thực hành với nghề vậy, nó giúp mình có thể tiếp xúc với nhiều đối tượng khách hàng, nâng cao khả năng giao tiếp đồng thời biết tính toán để có thể có lãi với số vốn ban đầu không quá cao.

Tiến sỹ Hồ Mỹ Hạnh - Phó Trưởng khoa Kinh tế - Trường Đại học Vinh cho biết: Hiện nay, số lượng sinh viên kinh doanh ngày càng nhiều, các em vừa kinh doanh tại cơ sở, vừa bán hàng online và đây được xem như là xu thế chung của các bạn trẻ năng động, sáng tạo. Tại Trường Đại học Vinh, chúng tôi đánh giá cao vấn đề này, sẵn sàng tư vấn kiến thức để các em nâng cao tư duy lập nghiệp khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là các sinh viên phải biết phân phối thời gian hợp lý, cân bằng giữa học tập và kinh doanh. Đã có những trường hợp nghỉ tiết để “ship hàng” cho khách, điều đó không hề tốt vì đã là sinh viên thì việc học tập vẫn là quan trọng nhất.

Quang An - Lê Quỳnh

TIN LIÊN QUAN