Tiến cử cán bộ dưới 35: Làm chùn tay người thích chọn họ hàng

20/02/2017 06:58

Người được tiến cử gắn liền với danh tính của người tiến cử, cho nên không chừng sẽ làm “chùn tay” những người có chức có quyền thích chọn người nhà - nguyên Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng Bùi Văn Tiếng nói về đề án tiến cử cán bộ trẻ dưới 35 tuổi làm lãnh đạo, quản lý của TP.

Ông Tiếng cho hay, lâu nay Đà Nẵng phấn đấu đảm bảo “nguyên tắc vàng” trong công tác cán bộ - vì việc xếp người chứ không vì người xếp việc - để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng người làm được thì không được làm, còn người được làm thì làm không được.

Đề án mới nói trên là đề án mở, không phải được tiến cử là đương nhiên được tiến chức thăng quan, tạo nguồn cán bộ trẻ trong một thời gian dài chứ không phải là một phương án nhân sự đề bạt cán bộ trẻ nhất thời.

Nguyên Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng Bùi Văn Tiếng
Nguyên Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng Bùi Văn Tiếng

Theo đó, tạo nguồn theo hai cấp độ từ thấp lên cao: Đảm nhiệm các chức danh diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý, sau đó tiếp tục phấn đấu trở thành cán bộ chủ chốt của TP. Đó là chưa kể người được tiến cử phải trải qua quá trình rèn luyện thử thách, sàng lọc.

Theo đề án, người được tiến cử không quá 35 tuổi, theo ông tại sao lại chọn khung tuổi này? Việc giao các trọng trách lớn cho cán bộ dưới độ tuổi này liệu có ‘quá sức’ không, thưa ông?

Người được tiến cử theo đề án chỉ là một trong những nguồn chứ không phải nguồn duy nhất để quy hoạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo. Vì thế dưới 35 tuổi là vừa.

Cũng không nên lo lắng rằng người được tiến cử do ít kinh nghiệm công tác dẫn đến quá sức không thể đảm đương được trọng trách. Người được đào tạo bài bản, có năng lực thực sự, có tố chất lãnh đạo quản lý và luôn khiêm tốn học hỏi thì dù thời gian công tác không dài vẫn có thể tích lũy được kinh nghiệm.

Động viên nhường ghế

Đề án mới ban hành có nêu việc "động viên cán bộ lớn tuổi nghỉ hưu trước tuổi nhường lại vị trí cho lớp trẻ". Đánh giá của ông về điều này?

Đề án không hề có sự đối lập giữa các thế hệ cán bộ, giữa cán bộ lớn tuổi với cán bộ trẻ tuổi. Nguyên tắc trong công tác cán bộ của Đảng là đòi hỏi phải hình thành cho được một đội ngũ cán bộ nhiều độ tuổi nhằm phát huy ưu thế của từng thế hệ cán bộ, làm cho cái mới mẻ trẻ trung và cái già dặn chín chắn có điều kiện bổ sung cho nhau.

Có một số cán bộ lớn tuổi chỉ hơn cán bộ trẻ tuổi ở chỗ nhiều tuổi hơn, nhưng cũng có không ít cán bộ lớn tuổi hơn hẳn cán bộ trẻ ở sự điềm tĩnh chính trị, kinh nghiệm xử lý tình huống bất trắc, khả năng giao tiếp lịch lãm…

Cho nên chỉ những ai không đủ sức đảm đương nhiệm vụ - bất kể ở lứa tuổi nào chứ không chỉ lớn tuổi - mới cần có chính sách khuyến khích, động viên họ “nhường ghế” cho cán bộ trẻ, đúng hơn là “nhường ghế” cho người có năng lực đảm đương nhiệm vụ tốt hơn.

Chăm chăm chọn người nhà sẽ ‘chùn tay’

Liệu đề án vừa ban hành có đủ sức ngăn chặn hiện tượng tiêu cực, tiến cử người thân hoặc người cùng nhóm lợi ích không?

Người được tiến cử gắn liền với danh tính của người tiến cử, cho nên không chừng sẽ làm “chùn tay” những người có chức có quyền thích chọn người nhà chứ không chọn người tài, chăm chăm tiến cử người thân hoặc người cùng "phe".

Đề án có quy định trách nhiệm của người tiến cử cán bộ nếu cán bộ sai phạm, vi phạm đến mức độ phải thi hành các hình thức kỷ luật của Đảng, chính quyền.

Nhưng khi cán bộ được tiến cử - và chắc là đã được tiến chức thăng quan - sai phạm, vi phạm đến mức độ phải thi hành các hình thức kỷ luật của Đảng, chính quyền mà chỉ quy định người tiến cử chịu trách nhiệm cá nhân thì chưa đủ.

Cần hết sức minh bạch công khai khi thực hiện đề án. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh việc thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý một cách thực sự nghiêm minh. Trong trường hợp đó, những người được tiến cử chỉ có ưu thế so với các ứng viên khác ở chỗ đã có điều kiện rèn luyện thử thách nhiều hơn trong thực tiễn công tác.

Không vì cán bộ ngoan, biết nghe lời mới tiến cử

Nguyên Bí thư Hội An Nguyễn Sự: Với đề án này của Đà Nẵng, người tiến cử phải có tâm thật sáng và dũng khí, tiến cử đúng người có năng lực. Không phải vì cán bộ ‘ngoan’, biết nghe lời, thuộc phe của mình mới tiến cử. Còn người được tiến cử không đáp ứng các tiêu chí sẽ bị đào thải.

Cán bộ tuổi từ 35 đến 40 không phải trẻ nữa. Độ tuổi có thể làm tới cấp phó trưởng phòng ban ở huyện, tỉnh. Còn cán bộ sắp nghỉ hưu nếu còn sức khỏe, tâm huyết thì nên giữ lại làm nòng cốt cho lớp trẻ. Những người sức khỏe đã yếu, không còn nhiệt huyết thì nên rút. Cán bộ già cả ngồi mãi sẽ tạo thành một hệ thống tư duy lối mòn, ngăn cản lớp trẻ phát triển.

Giám đốc Sở Nội vụ Võ Ngọc Đồng: Chọn cán bộ trẻ cần tránh tình cảm riêng tư. Việc giới thiệu con em họ hàng lãnh đạo vào cùng cơ quan, nếu họ thực sự có năng lực phẩm chất thì tốt.

Giám đốc Sở Nội vụ Võ Ngọc Đồng: Giới thiệu con em họ hàng khó xử
Giám đốc Sở Nội vụ Võ Ngọc Đồng: Giới thiệu con em họ hàng khó xử

Nếu làm công tâm và khách quan thì dư luận sẽ không khắt khe chuyện này. Tuy nhiên chuyện này sẽ vẫn khó xử.

Nếu cơ quan có thẩm quyền tiến hành thẩm định cho thấy thiếu khách quan, không công tâm, không được sự đồng tình ủng hộ của tập thể thì uy tín người tiến cử cũng bị ảnh hưởng.

Theo VNN

TIN LIÊN QUAN