Sớm chuyển lò mổ Nghi Phú ra khỏi khu dân cư

16/02/2017 16:44

(Baonghean) - Xã Nghi Phú (TP. Vinh) là địa bàn tập trung nhiều cơ sở giết mổ gia súc nhất trong toàn tỉnh. Tuy nhiên, việc xử lý chất thải chưa đảm bảo, dẫn đến những hậu quả ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây ra sự bức xúc cho những hộ dân sống lân cận.

» Linh mục Nguyễn Đình Thục kích động giáo dân

Ứ đọng nước thải

Đầu tháng 2/2017, Báo Nghệ An nhận được đơn thư của các hộ dân trên địa bàn xã Nghi Đức (TP. Vinh) phản ánh về tình trạng các lò mổ gia súc tại xóm 5, xã Nghi Phú xả thải gây ô nhiễm môi trường.

Trong đơn, các hộ dân nêu thực trạng chất thải đổ ra khiến nguồn nước bị ô nhiễm, chuyển sang màu đen đặc, bốc mùi hôi thối, ruộng lúa cũng không thể canh tác được. Ngày 15/2/2017, khi phóng viên tiếp cận địa điểm người dân phản ánh cũng ghi nhận hiện trạng như trên.

1
Chất thải từ gia súc dồn xuống địa phận xã Nghi Đức. Ảnh: Phương Thảo

Được biết, trong những ngày Tết Nguyên đán vừa qua, các cơ sở giết mổ trên địa bàn xã Nghi Phú có số lượng gia súc tập kết tăng cao. Đỉnh điểm tại đây giết mổ 300 - 400 con lợn, 100 con trâu, bò/ngày; khiến tình trạng ô nhiễm trở nên nghiêm trọng hơn. Không chịu được tình cảnh sống chung với mùi hôi thối, người dân xã Nghi Đức đã đắp bờ, không cho nguồn nước thải xả sang địa giới hành chính xã Nghi Đức. Việc này lại khiến chất thải dồn ứ lại, gây ô nhiễm tại địa phận xã Nghi Phú, dẫn đến sự xung đột giữa người dân 2 xã.

Đây không phải là lần đầu tiên người dân xã Nghi Đức có kiến nghị về vấn đề này. Trước đó, ngày 12/9/2016, UBND xã Nghi Đức cũng đã gửi Công văn số 181/UBND lên UBND thành phố Vinh phản ánh tình trạng một số hộ dân giết mổ gia súc tại xóm 4, xã Nghi Phú thực hiện đổ trộm chất thải ra khu vực cánh đồng ruộng sâu thuộc xóm Xuân Đức, xã Nghi Đức gây ô nhiễm môi trường. Đến ngày 24/1/2017, UBND xã Nghi Đức tiếp tục gửi đến UBND thành phố Vinh Văn bản số 22/UBND kèm theo đơn kiến nghị của người dân. Văn bản nêu rõ: “Tại khu vực cánh đồng Bói, xóm Xuân Đức, xã Nghi Đức, giáp xóm 5, xã Nghi Phú, tình trạng chất thải của trâu, bò, lợn đổ ra ruộng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Theo kiến nghị của nhân dân xóm Xuân Đức, UBND xã Nghi Đức đã tiến hành kiểm tra và được biết là do nước thải từ lò mổ trâu, bò, lợn xóm 5, xã Nghi Phú đổ xuống”.

Trao đổi với PV, ông Hoàng Thanh Tùng - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nghi Phú thừa nhận đúng là có việc chất thải từ khu lò mổ đứng chân trên địa bàn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến khu dân cư như phản ánh. Đây là khu lò mổ được xây dựng theo chủ trương của thành phố với mục đích tập kết các hộ hành nghề giết mổ, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do các lò tự phát có hệ thống thoát thải kém. Tuy nhiên, hiện nay, lưu lượng tập kết và xuất xưởng mỗi ngày tăng lên nên vấn đề vệ sinh môi trường xung quanh lò mổ không được đảm bảo.

Nguyên nhân chính được xác định là do sự bất cập trong thiết kế hệ thống thoát nước khi hướng cống thoát nằm ở phía Tây nhưng hệ thống cống ngầm và đường mương lại dốc xuống phía Đông, khiến phân, nước thải từ lò mổ bị ứ đọng không thể tiêu thoát theo cống chính. Bên cạnh đó, một số hộ dân không đưa gia súc vào lò mổ tập trung mà giết mổ nhỏ lẻ tại nhà riêng và xả thải ra hệ thống mương nhưng không xử lý nên càng gây mùi hôi thối.

Khi được hỏi về phản ứng của chính quyền địa phương trước tình trạng này, ông Tùng cho biết, trước thời điểm Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, xã đã liên hệ với doanh nghiệp sản xuất nước điện giải Nhật Bản xin hỗ trợ 40 lít nước điện giải để phân hủy chất thải và khử mùi hôi thối tại các điểm ngập ứ nước thải. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp mang tính tạm thời.

1
Việc giết mổ gia súc vào dịp tết tại lò mổ Nghi Phú quá tải. Ảnh: Phương Thảo

Bên cạnh đó, xã Nghi Phú cũng yêu cầu các xóm lập danh sách các hộ hành nghề giết mổ gia súc, yêu cầu ký cam kết không vi phạm các quy định về đảm bảo vệ sinh môi trường; nếu để xảy ra vi phạm thì kiên quyết xử lý. Ngày 14/2/2017, xã cũng đã xử phạt hành chính 1,5 triệu đồng đối với trường hợp gia đình ông Nguyễn Văn Sơn (xóm 8, xã Nghi Phú) vì đã vi phạm các quy định liên quan như tự ý mổ gia súc tại nhà, không kiểm dịch, quy trình giết mổ không đảm bảo vệ sinh,…

Tuy nhiên, ông Tùng cũng bày tỏ nhiều khó khăn trong công tác kiểm tra, xử lý vượt quá khả năng kiểm soát đối với thẩm quyền cấp xã. Việc giết mổ gia súc và đổ trộm chất thải thường được thực hiện giữa đêm nên khó phát hiện. “Xây dựng lò mổ trong khu dân cư mà lại chưa đảm bảo đủ hệ thống xử lý nước thải thì hiển nhiên là mất vệ sinh môi trường. Do đó, chúng tôi mong muốn tỉnh sẽ có sự đầu tư hạ tầng đồng bộ để giải quyết triệt để vấn đề này, hoặc có phương án di dời lò mổ sang vị trí khác, cách xa khu dân cư để không gây ảnh hưởng đến môi trường sống”, ông Tùng cho hay.

Sẽ chuyển lò mổ ra khỏi khu dân cư

Trước thực trạng này, ông Lê Minh Tuấn - cán bộ phụ trách môi trường, Phòng Tài nguyên - Môi trường thành phố Vinh cho biết, qua việc kiểm tra thường xuyên và phản ánh từ người dân, chính quyền thành phố cũng đã nắm bắt được tình hình hiện nay tại các lò mổ. Nguyên nhân gây ô nhiễm được xác định do 2 yếu tố. Thứ nhất, hệ thống xử lý nước thải tại các lò mổ chưa đảm bảo vệ sinh; thứ hai, ý thức trong việc bảo vệ môi trường của người dân chưa tốt.

1
Chất thải tràn ra kênh mương gây ô nhiễm nghiêm trọng. Ảnh: Phương Thảo

Đối với kiến nghị liên quan đến việc đầu tư hạ tầng đồng bộ để có hệ thống xử lý nước thải đảm bảo, ông Tuấn cho biết điều này gặp khó khăn do lò mổ nằm trong khu dân cư, việc xây dựng sẽ vướng các thiết kế trục đường, nhà dân, kênh mương trọng yếu. Do đó, thành phố Vinh đã tính đến phương án di dời lò mổ sang vị trí khác, đảm bảo các tiêu chí về vệ sinh môi trường. “Hiện nay đã tiến hành khảo sát địa điểm xây dựng lò mổ mới, trong thời gian tới sẽ chuyển lò mổ đóng trên địa bàn xã Nghi Phú ra khỏi khu dân cư”, ông Tuấn khẳng định.

Trước mắt, để giảm thiểu sự ảnh hưởng đến môi trường, UBND thành phố đã yêu cầu UBND xã Nghi Phú kiểm tra việc thu gom, xử lý chất thải từ hoạt động giết mổ gia súc trên địa bàn, tuyên truyền vận động người dân thực hiện giết mổ tại lò mổ tập trung và thực hiện thu gom, xử lý chất thải theo quy định. Đồng thời giao Công an thành phố Vinh chỉ đạo Đội cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường thực hiện các biện pháp nghiệp vụ nhằm kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm hành vi đổ trộm chất thải từ hoạt động giết mổ gây ô nhiễm môi trường.

Như vậy, về lâu dài, việc quy hoạch địa điểm xây dựng lò mổ mới cách xa khu dân cư, đảm bảo các yếu tố về môi trường đã được tính đến. Tuy nhiên, trước tình hình ô nhiễm nghiêm trọng đang xảy ra hiện nay, đòi hỏi những người dân hành nghề giết mổ gia súc phải nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường, không thực hiện các hành vi đổ trộm chất thải chưa qua xử lý, gây ảnh hưởng đến khu dân cư. Các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ; kiên quyết xử lý sai phạm để giảm thiểu đến mức tối đa các vi phạm, nhằm hạn chế ảnh hưởng tiêu cực từ các cơ sở giết mổ gia súc đến môi trường sống xung quanh.

Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2017. Trong nghị định mới, Chính phủ đã quyết định tăng mức phạt nhiều lần đối với hàng loạt các hành vi vi phạm về vệ sinh nơi công cộng. Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 1 tỷ đồng đối với cá nhân và 2 tỷ đồng đối với tổ chức.

Phương Thảo

TIN LIÊN QUAN