Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm

09/02/2017 09:57

(Baonghean.vn) - Huyện Yên Thành (Nghệ An) đang tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác phòng chống dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi.

Nhiều hộ chăn nuôi tổ chức các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Rải vôi bột trong và quanh khu vực chăn nuôi là một trong những giải pháp đó. Ảnh Thái Dương
Nhiều hộ chăn nuôi tổ chức các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Rải vôi bột trong và quanh khu vực chăn nuôi là một trong những giải pháp đó. Ảnh Thái Dương

Trước Tết Nguyên đán, gia đình anh Vũ Khắc Thư, xóm Đông Lai xã Phú Thành (Yên Thành) đã xuất bán 3.000 con vịt thương phẩm, hiện tại đang còn 7.300 con vịt được chăn thả trên diện tích 5 ha của trang trại. Xác định vốn đầu tư lớn, và đây cũng là nghề đem lại nguồn thu nhập chính nên công tác phòng chống dịch bệnh luôn được gia đình anh chú trọng hàng đầu.

Anh Vũ Khắc Thư cho biết: "Trong chăn nuôi sợ nhất là dịch cúm gia cầm H5N1, vì thế cứ theo định kỳ 6 tháng tiêm phòng một lần, nhưng khi vùng phụ cận có dịch uy hiếp thì 3 tháng phải tiêm nhắc lại. Bên cạnh đó, mỗi tuần phải phun khử trùng 2 lần kết hợp rắc vôi bột để vệ sinh chuồng trại".

Cán bộ thú y hướng dẫn các hộ chăn nuôi cách pha dung dịch khi phun khử trùng. Ảnh Hồng Nhung
Cán bộ thú y hướng dẫn các hộ chăn nuôi cách pha dung dịch khi phun khử trùng. Ảnh Hồng Nhung

Tại Nam Thành, một trong những xã chăn nuôi gia cầm, thủy cầm phát triển ổn định, chiếm 46 % tỷ trọng sản xuất nông nghiệp. Hiện tại toàn xã có 69.000 con gà, vịt, trong đó có 12.000 con vịt gốc, tập trung chủ yếu ở 13 gia trại chăn nuôi của các hộ dân. Trước tình hình dịch cúm gia cầm đang diễn biến phức tạp ở một số địa phương trong tỉnh, UBND xã đang tích cực tuyên truyền, nhất là hướng dẫn cho các chủ gia trại chăn nuôi tập trung tuân thủ quy trình xử lý chuồng trại, chủ động thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh.

Trước diễn biến thất thường của thời tiết, độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển. Đặc biệt hiện nay phần lớn số gia cầm, thủy cầm tái đàn chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh; việc vận chuyển, buôn bán gia cầm và sản phẩn gia cầm, thủy cầm nhỏ lẻ khó kiểm soát dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh ở mức cao. Vì vậy, ngoài việc kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh ở đàn vật nuôi, huyện Yên Thành đang tập trung đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về tính chất nguy hiểm của các chủng vi rút cúm gia cầm A/H5N1; A/H5N6; tăng cường công tác giám sát, phát hiện nhanh và xử lý ổ dịch trong diện hẹp.

Chăn nuôi hàng hóa được nhiều hộ dân ở Yên Thành phát triển. Ảnh Thái Dương
Chăn nuôi hàng hóa được nhiều hộ dân ở Yên Thành phát triển. Ảnh Thái Dương

Ngành chăn nuôi, thú y huyện phối hợp với cơ sở tổ chức tiêu độc khử trùng vùng thường bị dịch uy hiếp, vùng đệm và chú trọng địa bàn có nguy cơ lây nhiễm dịch cao… Đồng thời khuyến cáo người chăn nuôi đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho đàn vật nuôi để nâng cao sức đề kháng, chủ động tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm cho đàn vật nuôi.

Ông Phạm Tuấn Hải – Phó trưởng trạm chăn nuôi thú y huyện Yên Thành cho biết: Trước diễn biến phức tạp của dịch gia cầm, trạm phối hợp với phòng nông nghiệp tham mưu cho UBND huyện ra Công điện, các kế hoạch phòng chống dịch bệnh trong vụ đông xuân. Trạm cũng đã ra thông báo, hướng dẫn thú y cơ sở, hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch bệnh như: khi thấy gia cầm, thủy cầm ốm chết phải báo ngay với chuyên môn, tuyệt đối không dấu dịch; không ăn thực phẩm gia cầm, thủy cầm ốm chết; không vứt xác gia cầm, thủy cầm ra môi trường; không bán chạy vật nuôi khi có dấu hiệu bị bệnh.

Phun thuốc khử trùng chuồng trại và tiêm phòng sau khi tái, nhập đàn là giải pháp quan trọng phòng chống dịch bệnh. Ảnh Thái DươngPhun thuốc khử trùng chuồng trại và tiêm phòng sau khi tái, nhập đàn là giải pháp quan trọng phòng chống dịch bệnh. Ảnh Thái Dương
Phun thuốc khử trùng chuồng trại và tiêm phòng sau khi tái, nhập đàn là giải pháp quan trọng phòng chống dịch bệnh. Ảnh Thái Dương

Đối với những hộ khi nhập đàn phải vệ sinh sạch sẽ chuồng nuôi, phun khử trùng tiêu độc và để trống chuồng nuôi 15-20 ngày; đối với con giống phải rõ nguồn gốc và thực hiện nghiêm lịch tiêm phòng theo quy định của pháp lệnh thú y.

Trong phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, sự vào cuộc của các chủ gia trại, trang trại, hộ chăn nuôi là yếu tố quan trọng hàng đầu, có như vậy mới giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về kinh tế và bảo vệ an toàn sức khỏe cộng đồng.

Thái Dương - Hồng Nhung

TIN LIÊN QUAN