TNXP Nghệ An sang Lào giúp dân trồng keo, nuôi gà

24/03/2017 11:01

(Baonghean) - Tổng đội TNXP 9 thuộc Tỉnh đoàn Nghệ An và Ban quản lý Làng Hữu nghị Thanh niên biên giới Lào - Việt vừa chuyển giao mô hình trình diễn kinh tế tại Làng hữu nghị Thanh niên biên giới Lào - Việt tại huyện Khamkout, tỉnh Bolikhamxay, Lào.

Đầu năm 2016, Tổng đội TNXP 9–XDKT Nghệ An chính thức ra đời, đóng tại địa bàn xã Tam Hợp, huyện Tương Dương.

Nhiệm vụ chính của đơn vị là giúp thanh niên địa phương lập thân, lập nghiệp, ổn định cuộc sống lâu dài, tạo việc làm và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các đội viên TNXP; đồng thời phối hợp các cơ quan chức năng bảo đảm an ninh trật tự và an ninh biên giới Việt Nam – Lào.

Cán bộ, đội viên của Tổng đội xây dựng, hướng dẫn khoa học kỹ thuật cho đồng bào dân tộc Mông nhiều mô hình trồng rau màu trái vụ và chăn nuôi, mang lại nguồn thu nhập ổn định. Tại đây, tổng đội mở hướng trồng 50 ha chanh leo xuất khẩu.

Anh Vương Trung Úy - Tổng Đội phó cho biết, nếu 1 kg chanh leo chỉ cho 10.000 đồng thôi thì những khu rừng hoang sẽ cho bộn tiền vì 1 ha cho thu hoạch đến trên 100 triệu đồng/năm.

Bên cạnh đó, tổng đội còn chuyển giao mô hình trồng nghệ cho bà con. Ước tính cứ 6 tạ giống thì cho 6 tấn nghệ thành phẩm, thu nhập 60 triệu đồng/năm.

Tổng đội TNXP 9 đã trở thành một trung tâm khuyến nông - khuyến lâm, sản xuất giống đảm bảo chất lượng, bao tiêu sản phẩm kịp thời; tuyên truyền, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho tổng đội và vùng phụ cận, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao.

Cán bộ kỹ thuật Tổng đội TNXP 9 Nghệ An thực hiện mô hình trình diễn kinh tế tại Làng Hữu nghị thanh niên biên giới Lào - Việt.
Cán bộ kỹ thuật Tổng đội TNXP 9 Nghệ An thực hiện mô hình trình diễn kinh tế tại Làng Hữu nghị thanh niên biên giới Lào - Việt. Ảnh: Mỹ Nga

Từ tháng 7/2007, Tổng đội TNXP 9 được giao thêm nhiệm vụ sang bản Noong Cọc, huyện Cam Kớt, tỉnh Bolykhamxay (Lào) xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật nông, lâm nghiệp cho Làng hữu nghị thanh niên biên giới Lào - Việt.

Anh Vương Trung Úy - Tổng Đội phó cho biết, mục tiêu của làng này nhằm thu hút thanh niên và 50 hộ gia đình trẻ tại địa phương có tinh thần xung kích tình nguyện để lập nghiệp lâu dài, làm nòng cốt trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ quốc phòng an ninh.

Thời gian đầu mới sang, các đội viên Tổng đội trồng các loại rau cải, hành, tỏi, mướp đắng, bí xanh, bí đỏ trong hơn 1.000m2 vườn ươm. Thấy người Việt trồng rau thay vì phải đi mua rau ở chợ xa đến 30km, dân bản Noong Cọc đến xem cách chăm sóc ngày một nhiều.

Ngày rau cho thu hoạch, bà con đến xem còn được các đội viên hái rau tặng ăn thử. Cùng dịp, hàng trăm đoàn viên thanh niên Lào về Làng tập huấn được dẫn ra vườn ươm tham quan.

Khi người dân đã tin và làm theo, các đội viên phân công nhau cung cấp cây giống miễn phí. Anh Lê Văn Quý (đội viên phụ trách kế hoạch, kỹ thuật) cho biết, Tổng đội TNXP 9 xây dựng mô hình 13ha cây gió trầm và keo, 1,1 ha vải thiều, 1 ha sắn và 3,4 ha đồi dứa.

Từ sự hướng dẫn tận tình của các cán bộ tổng đội, người dân ở Làng hữu nghị đã phát triển được nhiều mô hình xóa đói, giảm nghèo như chăn nuôi bò, gà đen, lợn đen, trồng khoai sọ, bí xanh, ngô, gừng…

Chị Khay Na Vôn (32 tuổi, người dân sống tại Làng hữu nghị Lào - Việt) chia sẻ: “Kể từ khi chuyển về sống tại Làng hữu nghị, tôi được học kinh nghiệm trồng cây cao su, nuôi lợn, gà… từ các chuyên gia nông nghiệp của Việt Nam. Hy vọng một thời gian không xa, gia đình có nguồn thu nhập ổn định trên chính mảnh đất này”.

Anh Som Sỷ - Trưởng ban Quản lý Dự án làng thuộc Đoàn TNDNCM Lào cho biết: “Người dân ở đây chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi nên mãi đói nghèo. Được các chuyên gia Việt Nam sang chuyển giao kỹ thuật trồng cây, nuôi động vật, chúng tôi rất vui mừng. Chúng tôi tiếp nhận bàn giao mô hình nông, lâm nghiệp của Việt Nam, và tiếp tục chuyển giao cách làm cho những người trẻ trong làng và nhân dân địa phương các vùng lân cận”.

Dự án Làng thanh niên Hữu nghị biên giới Lào - Việt do Trung ương Đoàn làm chủ đầu tư nhân Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm đoàn kết hữu nghị Việt - Lào. Mục tiêu chính của dự án là xây dựng các mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp tạo điều kiện cho thanh niên và nhân dân các vùng lân cận đến học tập kinh nghiệm và làm theo.

Thông qua dự án sẽ nâng cao năng lực để cán bộ Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Lào nhân rộng trong phong trào thanh niên xung kích tham gia phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giải quyết việc làm, đoàn kết tập hợp thanh niên các bộ tộc Lào.

Mỹ Nga

TIN LIÊN QUAN