Bình chọn kém không hẳn là xấu

05/03/2017 08:50

Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) vừa công bố báo cáo về bình chọn các quy định pháp luật tốt và kém nhất.

Báo cáo có thể không làm hài lòng tất cả mọi người nhưng cách ứng xử với khảo sát này mới quan trọng, cho thấy khả năng lắng nghe và tương tác giữa chính quyền với người dân.

Thử điểm qua một số quy định xa rời thực tế, thậm chí quá khác biệt. Nếu Mark Zuckerberg sống ở Việt Nam, chắc là mạng xã hội Facebook khó ra đời chỉ vì yêu cầu muốn thiết lập mạng xã hội phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên.

Nói vậy là vì Mark tạo ra mạng xã hội khi còn đang là... sinh viên. Hoặc doanh nghiệp muốn kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển phải có cán bộ pháp lý riêng, bất kể họ đang thuê một hãng luật nổi tiếng nào đó thì cũng không đủ điều kiện.

Hoặc có những quy định khó hiểu. Như doanh nghiệp ngành in nhập máy cắt giấy, gập sách... phải ra Hà Nội xin phép.

Đầu tư ra nước ngoài, nếu thua lỗ, chuyển nhượng cho người khác, phải xin phép Chính phủ cho chấm dứt đầu tư ra ngoài. Quy định thế có khác nào nếu không được phép thì cắn răng làm tiếp, dù lỗ, vì quy định là như vậy.

Cũng có những tiêu chuẩn của chúng ta đang đi quá nhanh so với các nước... tiên tiến như nước thải chăn nuôi gà, heo, bò cũng phải đạt giá trị A, tức nước có thể uống được. Hay chỉ với một quy định, nhiều nhà cung cấp sẽ có ngay thị trường lớn mênh mông!

Quy định mỗi ô tô phải trang bị một bình chữa cháy, nếu được thực thi nghiêm chỉnh, với 3,5 triệu ôtô dưới 9 chỗ ngồi, một thị trường cung cấp thiết bị bình chữa cháy được ước tính ít nhất hơn 1.000 tỉ đồng sẽ được tạo ra...

Rất mừng, theo VCCI, ít nhất 7 trong số 30 quy định được bình chọn kém đã được sửa đổi, 13 quy định khác đang được sửa đổi.

Nhưng bên cạnh những bộ, ngành đã sửa quy định không phù hợp, nhiều nơi còn im lặng. Trong tổng 237 văn bản pháp luật được đề cử, tỉ lệ văn bản luật được đề cử tốt cao gần gấp đôi so với đề cử kém.

Có 1/3 số văn bản trên tổng 123 văn bản pháp luật được đề cử kém là thông tư cấp bộ. Điều này cho thấy sự khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh đang đến nhiều từ ở cấp bộ.

Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của cơ quan chức năng. Nhưng nếu thực sự theo mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo, phục vụ, chắc chắn các quy định cần phải có sự tương tác, cả bên ban hành và bên thực thi thấy hợp lý.

Cuộc bình chọn của VCCI, nêu tên những bộ có quy định được bình chọn kém nhất, với mục đích tạo ra những chuyển biến lành mạnh từ các cơ quan quản lý nhà nước.

Sẽ là lãng phí nếu thay cho cầu thị là thái độ im lặng, bỏ qua những đánh giá của xã hội, dù đó là từ một cuộc khảo sát.

Cũng hi vọng là sẽ có sự cẩn trọng hơn trong việc đưa ra các quy định mới để bớt đi những quy định có chất lượng kém. Mà muốn vậy, cơ quan chức năng cần tham vấn doanh nghiệp, người dân và chuyên gia.

Có như vậy, VN mới nhanh chóng hoàn thiện thể chế của mình theo thông lệ quốc tế và cơ chế thị trường - như cam kết của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn Kinh tế thế giới vừa tổ chức vào đầu năm nay ở Davos, Thụy Sĩ.

Theo TTO

TIN LIÊN QUAN