Tướng Cương: 'Dự án Formosa có gì mà phải bí mật?'

23/02/2017 20:08

(Baonghean.vn) - Ngày 22/2, Ủy ban Kiểm tra Trung ương ra thông báo một số nội dung kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với các tập thể và cá nhân đã thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo; buông lỏng quản lý, điều hành; thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra các vi phạm trong thẩm định, phê duyệt, cấp phép và quản lý nhà nước đối với dự án Formosa Hà Tĩnh.

Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với PGS, TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Bộ Công an về một số nội dung liên quan vấn đề này.

PGS, TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương nói chuyện thời sự tại hội nghị gặp mặt cộng tác viên đặc biệt Báo Nghệ An 2015. Tại đây, ông đã có dự báo về thảm họa dự án Formosa Hà Tĩnh. Ảnh tư liệu.
PGS, TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương nói chuyện thời sự tại hội nghị gặp mặt cộng tác viên đặc biệt Báo Nghệ An 2015. Tại đây, ông đã có dự báo một số vấn đề môi trường của dự án Formosa Hà Tĩnh. Ảnh tư liệu.

Pv: Năm 2015, Thiếu tướng đã dự báo Dự án Formosa Hà Tĩnh nếu không cẩn thận sẽ gây thảm họa về môi trường. Tại sao trước khi xảy ra một năm ông đã dự báo được chuyện này?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Tôi có 2 nguồn tin quan trọng từ năm 2013. Nguồn tin thứ nhất là thông tin về Tập đoàn Formosa, tập đoàn này không chỉ làm về sắt thép, mà làm nhiều việc khác. Nhiều nơi trên thế giới đã từ chối tập đoàn này, trong đó có Mỹ, Campuchia, vì lý do yếu về công nghệ lạc hậu và khả năng xử lý ô nhiễm. Nguồn tin thứ hai là do anh em bạn bè tôi ở Hà Tĩnh và các cơ quan liên quan cung cấp cho tôi. Dự án này công nghệ không hiện đại.

Thiếu tướng Lê Văn Cương trong một lần thực hiện trao đổi về các vấn đề thời sự quốc tế tại Tòa soạn Báo Nghệ An. Ảnh tư liệu.
Thiếu tướng Lê Văn Cương trong một lần thực hiện trao đổi về các vấn đề thời sự quốc tế tại Tòa soạn Báo Nghệ An. Ảnh tư liệu.

Pv: Báo chí và truyền thông đã nói nhiều về nguyên nhân xảy ra Formosa, ông có thể khái quát một cách ngắn gọn?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Có nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp. Trực tiếp là do hệ thống xử lí môi trường của tập đoàn Formosa không đáp ứng được, chưa hoàn thiện và gây họa môi trường biển. Chính những người đứng đầu tập đoàn này đã cúi đầu xin lỗi Nhà nước, xin lỗi nhân dân Việt Nam, nhân dân Hà Tĩnh về điều này.

Nguyên nhân gián tiếp nhưng hết sức quan trọng là các khâu quản lý nhà nước của Việt Nam, trước hết là những người lãnh đạo Hà Tĩnh đã thiếu trách nhiệm, không nghiêm túc trong việc thẩm định những dự án lớn. Nếu tỉnh không đủ trình độ thì phải mời các cơ quan trung ương, nếu trong nước không làm được thì mời chuyên gia thế giới. Có thể nói ngay rằng một số lãnh đạo Hà Tĩnh hết sức vô trách nhiệm, điều này không thể trốn trách trách nhiệm được. Tôi không kết luận về đạo đức, nhưng về trách nhiệm thì họ không tròn trách nhiệm của người đảng viên, không tròn trách nhiệm là người lãnh đạo địa phương.

Ở Trung ương, Bộ Tài Nguyên và Môi trường phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ nhưng họ đã không làm hết trách nhiệm. Qua vụ này tôi thấy cần soát xét lại quy định hoạt động công vụ của các bộ, ngành, các địa phương. Vì thiếu trách nhiệm mà hậu quả xảy ra rất nghiêm trọng và lâu dài, cái này thì báo chí đã nói nhiều rồi.

Pv: Thiếu tướng có thể cho biết tại sao bây giờ mới có thông báo về kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với các tập thể và cá nhân liên quan thảm họa dự án Formosa Hà Tĩnh?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Thảm họa dự án Formosa Hà Tĩnh liên quan đến nhiều cán bộ ở trung ương và địa phương, liên quan trực tiếp đến hàng loạt cơ quan. Đây là thảm họa lớn, không thể nôn nóng có thể làm ngay. Vì thế, cách thức vào cuộc kiểm tra xử lý như vậy không phải là chậm. Trung ương Đảng và Bộ Chính trị đã chuẩn bị chu đáo. Tôi nghĩ một vấn đề lớn, đụng đến bộ máy một tỉnh, nhiều bộ ngành trung ương, thì việc làm không hề đơn giản. Tìm ra chứng cứ, kết luận thuyết phục không đơn giản chút nào. Quan trọng là thuyết phục được người dân về cách làm nghiêm túc, chặt chẽ của Đảng và Nhà nước.

Pv: Theo ông cần có mức độ xử lý kỷ luật như thế nào? Ông nghĩ gì về quyết tâm xử lý cán bộ sai phạm, vi phạm của Đảng ta, nhất là trong bối cảnh Đảng ta đang thực hiện Nghị quyết TW4 khóa XII?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Đến nay Ủy ban Kiểm tra Trung ương mới có thông báo bước đầu về những tập thể và cá nhân có trách nhiệm liên quan. Đến nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng và đưa ra hình thức, mức độ xử lý. Từ đây còn tiếp tục củng cố hồ sơ chứng cứ. Nếu vi phạm hình sự thì xử lý hình sự, nếu vi phạm hành chính thì xử lý hành chính. Tôi hy vọng rằng Chính phủ, từ kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, cần phải xử lý nghiêm minh vụ này để củng cố lòng tin của người dân đối với Đảng.

Tôi hoàn toàn tin tưởng Bộ Chính trị, Ban Bí thư sẽ nghiêm túc, kiên quyết chỉ đạo xử lý người vi phạm theo đúng pháp luật và quy định hành chính, không bao giờ bảo vệ kẻ tha hóa để mất niềm tin của nhân dân. Từ trước đến nay Đảng ta bao giờ cũng đứng về phía nhân dân, bảo vệ nhân dân. Và đến nay, tôi hoàn toàn tin tưởng Đảng và Nhà nước sẽ đứng về phía nhân dân. Tôi cho rằng đối với những tập thể và cá nhân ở trung ương và địa phương liên quan cần phải lý nghiêm minh để củng cố niềm tin với Đảng. Cần xem xét và loại bỏ một số tư cách, chức vụ đối với các cá nhân đã thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, trong đó có ông Võ Kim Cự.

'Nếu Đảng bao che cán bộ sai phạm thì Đảng mất lòng tin của nhân dân, vì vậy tôi tin Đảng phải xử lý kiên quyết để dân ta tin Đảng! Không bao giờ Đảng ta bao che những cán bộ phạm pháp. Tôi tin với quyết tâm này vấn nạn tha hóa, quan liêu tham nhũng sẽ bị đẩy lùi.

Việc xử lý tập thể và cá nhân mắc sai phạm trong dự án Formosa Hà Tĩnh là minh chứng cho quyết tâm chính trị cao của Đảng ta, trực tiếp là đồng chí Tổng Bí thư và Bộ Chính trị, điều này củng cố lòng tin của dân với Đảng, tạo niềm tin thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII'

Thiếu tướng Lê Văn Cương

Vấn nạn tham nhũng không phải trong một đêm mà xuất hiện. Qua 8 kỳ Đại hội, Đảng ta luôn quan tâm vấn đề chống tham nhũng. Sau Đại hội khoá 12 tôi cảm nhận có một không khí rất đặc biệt, chưa bao giờ quyết tâm chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với việc phòng chống và đẩy lùi tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tha hóa trong cán bộ đảng viên lại quyết liệt như thời gian này. Nghị quyết Trung ương 4 khóa 12 là văn bản có sức thuyết phục cán bộ đảng viên và người dân rất lớn, chỉ ra đầy đủ các biểu hiện của tham nhũng, tha hóa trong Đảng, đưa ra một hệ thống giải pháp hoàn chỉnh, đầy đủ nhất từ trước đến nay. Lần đầu tiên trong lịch sử Đảng ta, đồng chí Tổng Bí thư trực tiếp chỉ đạo nhiều vụ đại án như hiện nay. Riêng vụ xử lý thảm họa dự án Fomosa Hà Tĩnh gây ra cũng có ý kiến trực tiếp của đồng chí Tổng Bí thư.

Pv:Theo Thiếu tướng, có thể rút ra những bài học gì từ thảm họa dự án Formosa Hà Tĩnh?

Thiếu tướng Lê văn Cương:Thứ nhất, cần rà soát lại toàn bộ văn bản pháp luật liên quan đến đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Nhiều ý kiến cho rằng luật đấu thầu hiện nay chỉ quan tâm đến giá thành, chưa quan tâm đến chất lượng, công nghệ, nên hàng chục công trình với công nghệ cũ đầu tư vào Việt Nam có nguyên nhân từ hạn chế của Luật Đầu tư và thực hiện Luật Đầu tư. Cần nhớ, bao giờ Trung Quốc cũng bỏ thầu thấp, nhưng lại nâng lên cao hơn. Do đó Quốc hội, Chính phủ phải xem xét lại toàn bộ các văn bản luật về vấn đề này.

Thứ hai, cần tăng cường hệ thống giám sát quyền lực. Dự án Formosa Hà Tĩnh là dự án hàng tỷ đô la, với những sai phạm, vi phạm nghiêm trọng, nhưng từ các tập thể và cá nhân của các bộ, ngành trung ương, của Hà Tĩnh đã “để lọt”, “cho qua” được. Trên hành tinh này, 5.000 năm vừa rồi, nếu quyền lực không được giám sát chặt chẽ thì sẽ tha hóa. Vì vậy, giao quyền lực đến đâu phải kiểm tra đến đó.

Thứ ba, phải minh bạch, phải công khai. Dự án này có gì mà phải bí mật, tại sao không công khai? Phải đưa lên mạng, phải tổ chức nhiều hội thảo. Chúng ta làm không minh bạch, không để nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài nước, người dân tham gia giám sát. Nếu không công khai thì chỉ mưu lợi cho một số cá nhân.

Thứ tư, Nhà nước, trực tiếp là Chính phủ, phải tạo điều kiện cho hệ thống truyền thông tiếp cận thông tin, cho phản ánh kịp thời những dấu hiệu sai phạm, vi phạm, phát hiện và cảnh báo sai lầm. Phải tạo điều kiện cho báo chí vào cuộc phát hiện sai sót, lên tiếng đúng lúc. Nếu công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho báo chí chân chính vào cuộc thì Đảng sẽ mạnh, người dân sẽ tin.

Pv: Trân trọng cảm ơn Thiếu tướng về cuộc phỏng vấn này!

Chí Linh Sơn

(Thực hiện)

TIN LIÊN QUAN