Việt Nam phóng thử thành công tổ hợp Spyder

21/02/2017 15:20

Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân số tháng 2/2017, trong năm 2016, Sư đoàn 377 hoàn thành huấn luyện, bắn đạn thật, tiếp nhận tổ hợp phòng không Spyder.

» Linh mục Nguyễn Đình Thục kích động giáo dân

Thử nghiệm thành công

Thông tin này được Đại tá Vũ Ngọc Hoàng, Phó Chính ủy Sư đoàn 377 nói đến trong bài viết "Một số giải pháp tăng cường công tác rèn luyện kỷ luật ở Sư đoàn Phòng không 377".

"Huấn luyện, bắn đạn thật nghiệm thu, tiếp nhận triển khai tổ hợp tên lửa Spyder; đăng cai và tham gia diễn tập kíp chiến đấu tên lửa C125M do Quân chủng Phòng không - Không quân tổ chức đạt giải Nhất; các đơn vị tham gia diễn tập bắn đạn thật pháo phòng không đều đạt Giỏi", Đại tá Vũ Ngọc Hoàng nói về những nhiệm vụ hoàn thành năm 2016.

Dù nói đến việc Việt Nam thử thành công hệ thống Spyder nhưng nguồn tin không cho biết địa điểm và thời gian cụ thể thực hiện lần thử nghiệm này. Trong "Chuyển giao vũ khí thế giới" do Viện Nghiên cứu hòa bình Quốc tế Stockholm công bố mới đây, Việt Nam đã đặt mua 5 tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung Spyder-MR theo một hợp đồng ký năm 2015, hiện tại thì mới có 1 tổ hợp được chuyển giao cho Việt Nam.

Hệ thống Spyder khi về Việt Nam.
Hệ thống Spyder khi về Việt Nam.

Theo giới thiệu từ nhà sản xuất, tổ hợp Spyder được thiết kế để phục vụ cho việc tổ chức tác chiến phòng không theo phương thức tác chiến mạng trung tâm, tác chiến trong mọi điều kiện thời tiết, có khả năng cơ động tự hành cao, chuyển cấp chiến đấu nhanh và ngắm bắn được nhiều mục tiêu cùng lúc.

Tổ hợp có khả năng tiêu diệt các loại mục tiêu bay gồm máy bay tiêm kích, trực thăng, máy bay không người lái, tên lửa hành trình và các loại bom, đạn có điều khiển khác được phóng từ xa trong môi trường chế áp điện tử mạnh...

Không chỉ mua và vận hành thành thạo, Việt Nam còn sản xuất thành công thành phần của hệ thống Spyder. Theo báo Phòng không, ngày 25/7/2016, Quân chủng PK-KQ đã tiến hành nghiệm thu máy hỏi VN1 (MH-VN1) được sử dụng trên tổ hợp tên lửa phòng không Spyder.

Qua kiểm tra thực tế, Hội đồng Nghiệm thu nhất trí đánh giá các sản phẩm MH-VN1 đảm bảo đầy đủ các trang thiết bị, được chế tạo mới bằng các linh kiện có độ tin cậy cao, ứng dụng các công nghệ mới, đáp ứng đầy đủ các chỉ tiêu tham số kỹ, chiến thuật được phê duyệt, đủ điều kiện để lắp đặt, ghép nối sử dụng trên tổ hợp tên lửa phòng không Spyder.

Việc chế tạo thành công các sản phẩm MH-VN1 đã khẳng định năng lực, trí tuệ của đội ngũ cán bộ, nhân viên Viện Kỹ thuật PK-KQ trong nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các sản phẩm mới, phục vụ các nhiệm vụ của Quân chủng PK-KQ và Quân đội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Việc Việt Nam nghiệm thu hệ thống MH-VN1 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi đây là một trong những cấu phần quan trọng của tổ hợp tên lửa phòng không Spyder khi nó là thiết bị nhận dạng không đối không nhằm phân biệt địch - ta, đảm bảo không bắn nhầm mục tiêu trong tác chiến.

Spyder Việt Nam trên báo nước ngoài

Sau khi thông tin Việt Nam mua hệ thống phòng không Spyder được xác nhận, truyền thông nước ngoài đã có những nhận định khác nhau về sự kiện này. Theo tờ Army Recognition, Việt Nam đã chính thức lựa chọn hệ thống tên lửa phòng không Spyder do Israel chế tạo thay vì một tổ hợp phòng không đến từ Nga như trước đây nhằm tăng cường hệ thống phòng không của mình.

Tờ báo này nhận định, hệ thống tên lửa phòng không tầm trung Spyder của Israel cùng các tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-300PMU-1 của Nga và hệ thống radar cảnh giới tầm thấp 36D6 sẽ là xương sống của lực lường phòng không Việt Nam trong tương lai.

Ngoài ra, việc Việt Nam công khai thông tin mua hệ thống phòng không Spyder cũng khiến truyền thông Nga đặc biệt chú ý. Cụ thể, trang mạng military-informant cho rằng hệ thống phòng không Pantsir-S1 của Nga đã bị Spyder của Israel đánh bại trong cuộc đua tại Việt Nam.

Theo nguồn tin này, trong thời gian gần đây, các lực lượng vũ trang Việt Nam từng bước đầu tư mua sắm các loại vũ khí trang bị kỹ thuật mới, hiện đại nhằm nâng cao sức mạnh phòng không như tổ hợp radar cảnh giới ELM-2288, đài radar cảnh giới 36D6, radar thụ động Kolchuga; các tổ hợp tên lửa phòng không Spyder và S-300PMU1.

Clip hệ thống Spyder diệt gọn mục tiêu:

Theo Baodatviet

TIN LIÊN QUAN