Quy chế dân chủ - của hiếm tại các doanh nghiệp!

13/03/2017 10:24

(Baonghean) - Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở (QCDCCS) tại nơi làm việc trong khối doanh nghiệp theo Nghị định 60/2013/NĐ-CP nhằm góp phần thực hiện tốt cơ chế điều hành sản xuất, kinh doanh, bảo đảm linh hoạt, hiệu quả. Tuy nhiên, việc thực hiện QCDCCS trong loại hình này ở tỉnh ta vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập.

Gắn kết doanh nghiệp và người lao động

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC tỉnh, Công ty cổ phần Sản xuất VLXD và Xây lắp 22/12, huyện Hưng Nguyên là doanh nghiệp thực hiện tốt nội dung này. Với quan điểm, tạo điều kiện, quan tâm chăm lo đến lợi ích chính đáng cho người lao động thì họ sẽ yên tâm cống hiến, phục vụ công ty. Vì vậy, luôn tạo điều kiện để công nhân lao động tham gia giám sát, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động như: Xây dựng quy chế tiền lương, quy chế thi đua khen thưởng.

Công khai các chế độ chính sách khác liên quan quyền lợi người lao động đều biết, được tham gia đóng góp ý kiến, được quyết định, được giám sát và được kiểm tra thông qua hội nghị người lao động hàng năm và đề xuất trực tiếp. Hàng năm, công ty tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc, trong đó vấn đề người lao động quan tâm chủ yếu là việc làm và thu nhập, chất lượng sản phẩm...

Đoàn Khối Doanh nghiệp Nghệ An tổ chức khám, chữa bệnh miễn phí cho công nhân KCN Bắc Vinh.
Đoàn Khối Doanh nghiệp Nghệ An tổ chức khám, chữa bệnh miễn phí cho công nhân KCN Bắc Vinh. Ảnh: Lê Thanh

Công ty đã ký kết Thỏa ước lao động tập thể giữa Giám đốc với Ban Chấp hành Công đoàn, ban hành Quy chế phối hợp giữa chuyên môn và công đoàn. Nhờ thực hiện tốt QCDCCS, mang lại hiệu quả sản xuất, kinh doanh ngày càng cao, góp phần nâng cao đời sống cho người lao động, thu nhập tiền lương bình quân trong năm 2016 đạt 5,4 triệu đồng/người/ tháng.

Tương tự, tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - chi nhánh Nghệ An, việc tổ chức Hội nghị người lao động được đơn vị tổ chức nghiêm túc bài bản, qua đây Ban Giám đốc đã công khai minh bạch kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, giải đáp thỏa đáng các kiến nghị vướng mắc của người lao động. Ngay từ đầu năm, đơn vị giao nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh cho từng tập thể, cá nhân phụ trách.

Định kỳ hàng tháng đánh giá kết quả thực hiện, chỉ ra tồn tại, tìm giải pháp tối ưu để hoàn thành, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Qua việc thực hiện QCDCCS đã tạo ra động lực góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh. Tính đến cuối năm 2016, nguồn vốn huy động tại chỗ của chi nhánh đạt 3.235 tỷ đồng đạt 113% so với cùng kỳ năm ngoái; dư nợ đầu tư cho vay là 3.160 tỷ đồng đạt 107% kế hoạch.

“Hội nghị người lao động tại đơn vị đã khơi dậy nguồn lực và phát huy sức sáng tạo của công nhân lao động. Họ được biết, được tham gia ý kiến những vấn đề liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình. Qua đó, đã góp phần duy trì quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp, tạo điều kiện để công ty sản xuất, kinh doanh hiệu quả”- ông Văn Vũ Thông - Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Nghệ An cho hay.

Việc thực hiện QCDCCS nơi làm việc trong các doanh nghiệp có tác động tích cực trong việc nâng cao ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp và người lao động trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh…

Doanh nghiệp “né” kiểm tra

Tác dụng, lợi ích là thế nhưng trong thực tế nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nghiêm túc, còn xem nhẹ việc thực hiện QCDCCS, nhất là ở loại hình doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, điều này dẫn đến những vụ đình công đáng tiếc xảy ra hoặc “bằng mặt mà không bằng lòng” giữa người lao động và chủ doanh nghiệp… Đơn cử, ngày 3/10/2016, hơn 3.000 công nhân thuộc Công ty TNHH Matrix đóng tại Khu công nghiệp Bắc Vinh, TP. Vinh đã đồng loạt nghỉ việc để đòi quyền lợi.

Sản xuất tại gạch ngói tại Cty cổ phần SXVLXD và xây lắp.
Sản xuất tại gạch ngói tại Cty cổ phần SXVLXD và xây lắp. Ảnh: Lê Thanh

Sở dĩ xảy ra tình trạng này là do công nhân quá bức xúc với áp lực việc làm cũng như môi trường làm việc. Đây cũng là cuộc đình công thứ 3 xảy ra ở Công ty này từ khi đi vào hoạt động. Các cuộc đình công trước đó diễn ra vào các năm 2010, 2012. Lúc này, lãnh đạo Công ty đã phải tổ chức đối thoại với công nhân để giải quyết các kiến nghị, yêu cầu của công nhân liên quan đến chế độ, quyền lợi người lao động được đưa ra.

Qua kiểm tra của Tiểu ban Chỉ đạo Nghị định 60/2013/NĐ-CP, việc thực hiện QCDCCS chỉ mới thực hiện ở các doanh nghiệp khối nhà nước, trong khi khối này chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ, chỉ 0,4% tổng số lượng doanh nghiệp.

Còn ở khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân thì vẫn còn nhiều bất cập như: Hầu hết các đơn vị chưa thực hiện hội nghị lấy ý kiến đóng góp của người lao động đối với các hoạt động của doanh nghiệp; chưa tổ chức đối thoại với người lao động, thực hiện quy định của pháp luật về lao động của một số doanh nghiệp chưa tốt, chưa tạo đủ việc làm, bảo đảm thu nhập cho người lao động. Tình trạng nợ và chậm đóng bảo hiểm vẫn tồn tại ở một số doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng và thỏa ước bằng miệng với người lao động để “lách luật” trốn đóng BHXH cho người lao động.

Mặc dù tỉnh thành lập Tiểu ban chỉ đạo Nghị định 60/2013/NĐ-CP có nhiệm vụ hướng dẫn, tuyên truyền, kiểm tra đôn đốc việc thực hiện QCDCCS trong loại hình doanh nghiệp, nhưng, việc kiểm tra thực hiện QCDCCS của Tiểu ban này rất khó khăn bởi số lượng doanh nghiệp lớn (trên 16.000), trải dài trên địa bàn rộng, trong khi ý thức chấp hành của các doanh nghiệp chưa cao, dù đoàn kiểm tra có kế hoạch, công văn hướng dẫn nội dung kiểm tra gửi đến từng doanh nghiệp nhưng nhiều doanh nghiệp không hợp tác. Qua kiểm tra, phát hiện sai phạm trong thực hiện QCDCCS của các đơn vị nhưng không có thẩm quyền xử phạt” - đồng chí Phan Chí Thành - cán bộ Sở KH&ĐT, thư ký Tiểu ban chỉ đạo Nghị định 60/2013/NĐCP cho biết.

Một bất cập khác là thực hiện Nghị định 60/2013/NĐCP các doanh nghiệp phải thành lập công đoàn cơ sở đại diện cho người lao động nhưng đến nay toàn tỉnh chỉ có 400/16.000 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn. “Trong khi vai trò của công đoàn cơ sở phụ thuộc vào Ban giám đốc, HĐQT của công ty nên họ không dám đấu tranh, đòi quyền lợi cho người lao động.

Công đoàn không mạnh thì quyền lợi của người lao động khó được đảm bảo”, đồng chí Nguyễn Tử Phương - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết. Nguyên nhân của tình trạng trên là do nhận thức của một số người sử dụng lao động về việc thực hiện QCDCCS còn chưa đầy đủ, chưa coi trọng. Điều đáng nói là nhiều người lao động họ không nhận thức được quyền lợi của mình. Trong khi chưa có chế tài đối với hành vi vi phạm thực hiện QCDCCS.

Để việc thực hiện QCDCCS trong loại hình doanh nghiệp đạt hiệu quả thực chất, Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Văn Độ - Trưởng Tiểu ban Chỉ đạo Nghị định 60/2013/NĐ-CP của tỉnh cho rằng: “Cần sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cấp ủy Đảng, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, vận động và vai trò then chốt ở tổ chức công đoàn cơ sở. Tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của người sử dụng lao động đảm bảo dân chủ tại doanh nghiệp, doanh nghiệp nào không thực hiện phải có chế tài xử lý nghiêm. Đồng thời nâng cao nhận thức của người lao động; tăng cường công tác kiểm tra giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước”.

Năm 2016, Ban chỉ đạo các huyện, thành phố, thị xã đã tiến hành kiểm tra 21 doanh nghiệp. Có 55% công ty xây dựng được quy chế hoạt động, thành lập ban thực hiện quy chế dân chủ của công ty; 46% công ty có hợp đồng lao động giữa chủ sử dụng lao động và người lao động công ty.

Lê Thanh

TIN LIÊN QUAN