Chuyện về cô gái mồ côi góp công diệt giặc Minh trên đất Phủ Quỳ

19/03/2017 17:47

(Baonghean.vn) - Núi Bù Chẻ là một ngọn núi cao trên một trăm mét, nằm ở hướng Nam cách bản Chiềng Yên trước đây (nay là xóm Đồng Nại, xã Châu Quang, Qùy Hợp. Đoạn giữa của bản Chiềng Yên với núi Bù Chẻ là dòng Nậm Huống và những bãi bồi phù sa được bồi đắp qua hàng ngàn năm.

Ngày nay, trên núi Bù Chẻ còn có vết tích của những con đường từ chân núi lên đến tận đỉnh, theo hình trôn ốc. Nhiều đoạn vẫn có thể nhận biết một cách dễ dàng tuy có những gốc cây cổ thụ chắn ngay lối đi. Khu vực này từng là đồn luỹ, trạm gác được cho là có từ thời Lê Lợi.

Đền thờ Pủ Chiềng Yên
Đền thờ Pủ Chiềng Yên ở xóm Yên Luốm, xã Châu Quang (Qùy Hợp). Ảnh: Sầm Văn Bình.

“Địa chí huyện Quỳ Hợp” có nêu, nghĩa quân Lam Sơn tiến vào Nghệ An cuối tháng 9 đầu tháng 10 năm 1424 và dừng chân ở Bãi Tập (Quỳ Hợp) cuối năm 1424 và tập kết ở đây “độ một tháng là cùng” (tr. 114). Những đoạn có liên quan đến địa danh núi Bù Chẻ cũng được viết như sau:

"... Đầu thế kỷ XV khi Lê Lợi kéo nghĩa quân Lam Sơn vào miền núi Nghệ An thì tại Quỳ Hợp đã có cô gái bản Lè và các chàng trai ở bản Phảy, (tại xã Châu Quang hiện tại) quy tụ dưới cờ nghĩa.

Một em bé gái bản Lè bị giặc Minh bắt lên đồn luỹ trên núi Bù Chẻ để phục vụ cho chúng. Nghĩa quân đã đồn trú ở bản Lè và liên lạc với cô gái để tiêu diệt địch. Về sau người ta lập đền thờ cô gái ấy dưới chân núi Bù Chẻ, gọi là Nhả Póm...”

Người dân tham dự Lễ hội đền Choọng (Quỳ Hợp). Ảnh Internet
Người dân tham dự Lễ hội đền Choọng (Quỳ Hợp). Ảnh Internet

Xưa nay người dân sinh sống trong mường cũng thường kể như sau: “Thời đó có một người con gái dân tộc Thái mồ côi cả cha lẫn mẹ, giặc đã bắt vào đồn để hầu hạ, phục dịch cơm nước cho chúng... Thời đó rừng rậm có nhiều muỗi mòng và thú độc, lại chưa có màn mùng nên ban đêm giặc phải chui vào trong những cái túi vải may sẵn để ngủ.

Công việc của cô gái là đi đến từng túi để cột miệng túi lại, đến sáng thì mở ra. Nắm bắt được tình hình và quy luật sinh hoạt của địch ở trong đồn, một thủ lĩnh địa phương mà sau này được tôn xưng là Pủ Chiềng Yên đã lập ra kế hoạch đánh hạ đồn Bù Chẻ. Ông Pủ bí mật liên lạc với cô gái và anh em Chệt Chai ở vùng bản Phảy để tổ chức lực lượng, cùng một số cư dân trai tráng quyết tiêu diệt địch..

Vào một đêm, như đã hợp đồng trong kế hoạch tác chiến, Pủ Chiềng Yên đã chỉ huy lực lượng tấn công đồn Bù Chẻ, được cô gái làm nội ứng và anh em Chệt Chai giúp sức.

Bọn giặc trong đồn đang ngủ say, không hay biết gì. Thế là chỉ trong một đêm, đồn Bù Chẻ bị diệt, dân trong vùng đã kéo đến giúp sức, khiêng xác giặc ném xuống vực Văng Bền (nay ở phía Đông của bản Lè, xã Châu Quang).

Sau khi thắng giặc, cuộc sống trong vùng trở lại yên bình. Nhân dân trong vùng muốn tri ân những người có công để đời sau con cháu ghi nhớ và thờ phụng.

Những nhân vật được xác định là có công lớn, được nhân dân trong vùng tuyên dương công trạng và được thờ phụng cúng tế về sau là Pủ Chiềng Yên, cô gái (được tôn là Nhả Póm) và bảy anh em Chệt Chai.

Thi người đẹp tại Lễ hội đền Choọng (Quỳ Hợp). Ảnh tư liệu.
Thi người đẹp tại Lễ hội đền Choọng (Quỳ Hợp). Ảnh tư liệu.

Vị trí cổng đồn xưa kia là nơi thờ Nhả Póm. Thông thường, việc thờ Nhả Póm do người bản Đồn (nay là xóm Đồng Mộng, xã Châu Quang) đảm nhiệm, bởi vì Nhả Pómlà con cháu của người bản Đồn. Đến ngày thờ Nhả Póm người bản Đồn kết hợp luôn với ông "chàu đằm" của bản Lè để cùng đến cúng.

Pủ Chiềng Yên là người tổ chức và chỉ huy lực lượng đánh đồn Bù Chẻ nên được ghi công đầu. Nơi thờ Pủ là ở tại bản Chiềng Yên, có dựng nhà thờ tại đó... (Nhà thờ này nay nằm ở hướng Nam của xóm Yên Luốm (Châu Quang).

Nơi thờ anh em Chệt Chai được đặt ở bản Phảy, tại địa điểm đầm Nóng Hắn, cạnh nghĩa địa Hẻo Mày... Tuy nhiên, hiện nay anh em Chệt Chai chỉ được vời gọi đến khi tổ chức cúng tại nhà thờ Hươn Pủ của xóm bản Phảy (xã Châu Quang)".

Sầm Văn Bình

TIN LIÊN QUAN