Truyền thông điệp 'Hiểu biết về mây'
(Baonghean) - Dịp kỷ niệm ngày Khí tượng thế giới (23/3) hàng năm, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) thường chọn một chủ đề trọng tâm để các quốc gia thành viên tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng. Năm nay, chủ đề trọng tâm được lựa chọn là “Hiểu biết về mây”. Báo Nghệ An có cuộc phỏng vấn ông Võ Văn Ngọc - Phó Giám đốc Sở TN&MT về nội dung trên.
P.V: Thưa ông Võ Văn Ngọc, đâu là lý do và sự cần thiết của việc Tổ chức Khí tượng thế giới lựa chọn chủ đề “Hiểu biết về mây” để các nước thành viên WMO tập trung tuyên truyền trong dịp Kỷ niệm Ngày Khí tượng thế giới 2017?
Ông Võ Văn Ngọc: Như Thông điệp của Tổng Thư ký Tổ chức Khí tượng thế giới, Giáo sư Petteri Taalas gửi đến các nước thành viên, việc lựa chọn chủ đề “Hiểu biết về mây” để tuyên truyền trong dịp Kỷ niệm Ngày Khí tượng thế giới là bởi mây đóng một vai trò hết sức quan trọng nếu cộng đồng có sự hiểu biết đầy đủ, sẽ có những hành động thiết thực góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tại Thông điệp đã truyền đi, Giáo sư Petteri Taalas nhấn mạnh tầm quan trọng của mây, đó là: “Các nhà khoa học ngày nay hiểu rằng các đám mây có vai trò rất quan trọng trong việc điều tiết khí hậu, thời tiết và mức cân bằng năng lượng của trái đất. Các đám mây đã góp phần thúc đẩy chu trình thủy văn và toàn bộ hệ thống khí hậu. Tìm hiểu về mây là cơ sở quan trọng để dự báo tình hình thời tiết, mô hình hóa các tác động của biến đổi khí hậu trong tương lai và dự báo sự tồn tại của các nguồn tài nguyên nước…”.
Vào ngày 28/02/2017, Bộ TN&MT cũng có Công văn số 805/BTNMT-KTTVBĐKH gửi các Sở TN&MT về việc tổ chức “Ngày Khí tượng thế giới 2017”, đã tái khẳng định lại tầm quan trọng của việc nâng cao sự hiểu biết về mây cho toàn cộng đồng rằng: “Chủ đề này nhấn mạnh tầm quan trọng của mây trong chu trình vòng tuần hoàn của nước, điều tiết khí hậu và truyền tải thông điệp về sự cần thiết của việc tăng cường đầu tư nghiên cứu, phổ biến thông tin, kiến thức và nâng cao hiểu biết về mây, góp phần nâng cao hiệu quả công tác cảnh báo, dự báo khí hậu, thời tiết và đồng thời qua đó, nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của hoạt động khí tượng thủy văn, dịch vụ khí hậu của ngành Khí tượng thủy văn trong các hoạt động KT-XH, phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai…”.
Như chúng ta đã biết, Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa có chế độ khí hậu, thủy văn rất phức tạp và đa dạng. Các loại thiên tai khí tượng thủy văn như bão, lũ lụt, nước biển dâng, mưa lớn, hạn hán, rét hại… hàng ngày, hàng giờ tác động đến đời sống và sản xuất. Riêng với tỉnh Nghệ An, là một trong những tỉnh thường xuyên chịu sự tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, việc thực hiện chủ đề “Hiểu biết về mây” mà Tổ chức Khí tượng thế giới lựa chọn là hết sức cần thiết.
Ảnh minh họa |
P.V: Vậy thưa ông, tỉnh ta sẽ có những hoạt động gì để hưởng ứng Ngày Khí tượng thế giới năm nay?
Ông Võ Văn Ngọc: Sở TN&MT đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, cấp tỉnh, UBND cấp huyện tổ chức các hoạt động hội thảo, tọa đàm, triển lãm, treo băng rôn, áp phích,… với chủ đề “Hiểu biết về mây”; phối hợp với các cơ quan báo, đài tuyên truyền các hoạt động hưởng ứng Ngày Khí tượng thế giới năm 2017 để nâng cao hiểu biết của cộng đồng về mây, qua đó có hành động thiết thực góp phần phòng, chống, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu.
Để các hoạt động hưởng ứng Ngày Khí tượng thế giới năm nay đi vào chiều sâu, thiết thực, với tư cách là cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh, Sở TN&MT cũng đã ban hành văn bản hướng dẫn UBND cấp huyện tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Khí tượng thế giới tại địa phương; xây dựng bộ tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền cung cấp cho UBND cấp huyện và các cơ quan báo, đài để tuyên truyền rộng rãi, nâng cao hiểu biết về mây và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân; tổ chức in ấn và cấp phát băng rôn, phướn với chủ đề “Hiểu biết về mây” để UBND cấp huyện tổ chức treo tại địa phương. Tổ chức phát động phong trào “Nhân dân tham gia bảo vệ và không lấn chiếm hành lang kỹ thuật các công trình khí tượng thủy văn” trên địa bàn… Dự kiến, sáng ngày 23/3/2017, Sở TN&MT sẽ tổ chức buổi tọa đàm về chủ đề Ngày Khí tượng thế giới.
P.V: Như ông đã trao đổi, Nghệ An là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Vậy ông có thể làm rõ về những ảnh hưởng xấu từ biến đổi khí hậu, và cộng đồng cần có những hành động cụ thể gì để ứng phó với biến đổi khí hậu?
Ông Võ Văn Ngọc: Những ảnh hưởng xấu của biến đổi khí hậu tác động đến tỉnh Nghệ An rất rõ trong những năm vừa qua. Đó là việc vài năm gần đây thường xuyên xảy ra hạn hán khiến sông ngòi, hồ đập khô kiệt ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất và đời sống của người dân. Hoặc như dịp cuối năm 2015, tỉnh ta đã phải hứng chịu một đợt rét đậm, rét hại kéo dài chưa từng có, khiến người dân các huyện vùng cao chịu những hậu quả nặng nề về kinh tế.
Để góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, bên cạnh sự vào cuộc tích cực của Chính phủ, chính quyền các cấp và các tổ chức quốc tế thì cần có những hành động cụ thể của toàn thể cộng đồng. Đó là việc tăng cường sự hiểu biết về những chính sách, kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam, của địa phương và những tiến bộ khoa học mới nhất trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu.
Từ đó, có những hành động cụ thể có ích cho môi trường, giảm thiểu những tác hại của biến đổi khí hậu ngay tại gia đình và cộng đồng. Ở gia đình, những hành động có ích có thể thực hiện bắt đầu từ những việc đơn giản như giảm thiểu lượng rác thải, tiết kiệm sử dụng điện năng,...
Với xã hội, đó là việc tham gia cùng cộng đồng thực thi những biện pháp bảo vệ môi trường ngay tại khu dân cư, nơi làm việc; cùng quan tâm việc bảo tồn đa dạng sinh học, chú trọng bảo vệ và phát triển các hệ sinh thái, các giống, loài có sức chống chịu tốt với các thay đổi khí hậu; bảo vệ và bảo tồn nguồn gen và các giống loài có khả năng bị tuyệt chủng do tác động của biến đổi khí hậu,...; tham gia và tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường. Những hoạt động tình nguyện của các cá nhân, tập thể có ý nghĩa thiết thực và góp phần phát triển cộng đồng bền vững…
Nhật Lân (Thực hiện)