Cám cảnh những mảnh đời nơi 'xóm chạy thận'

23/02/2017 12:29

(Baonghean.vn) - Dãy nhà hai tầng cũ kỹ đối diện Bệnh viện Giao thông Vận tải Vinh (Nghệ An) hơn mười năm trở lại đây trở thành 'mái ấm thứ 2" của không biết bao nhiêu bệnh nhân chạy thận. Người ta đã quen gọi nơi đây bằng cái tên gần gũi “xóm chạy thận”.

» Linh mục Nguyễn Đình Thục kích động giáo dân

» Nóng: Xã ở Nghệ An có 20 học sinh bị suy thận, 2 em đã tử vong

Nhà khách Công ty cổ phần kim loại màu Nghệ Tĩnh nằm trên đường Lệ Ninh (phường Quán Bàu, Thành phố Vinh) đã cũ kỹ, xuống cấp hơn 10 năm qua đã trở thành “mái ấm” thứ hai của không biết bao nhiêu bệnh nhân chạy thận. Họ tìm đến đây thuê trọ để tiện đường chạy thận tại Bệnh viện Giao thông vận tải. Cũng ngần ấy năm, không biết bao bệnh nhân đến đây cư trú, và cũng không ít người đã từ giã cuộc đời từ mái ấm này. Cứ thế người đến, kẻ đi đã biến khu nhà này mang tên “xóm chạy thận” từ lúc nào không hay.

Không khí buồn hắt hiu bủa vây
Không khí buồn hắt hiu bủa vây "xóm chạy thận". Ảnh: TC

Căn phòng nằm chính giữa của tầng 1 trông hiu hắt, im lìm dù có 2 người đang ở là ông Trương Đình Vinh và anh Nguyễn Văn Đoàn. Mỗi tháng, họ phải trả 500 ngàn tiền phòng trọ cho cả hai người. Ông Trương Đình Vinh (Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu) năm nay 58 tuổi nhưng trông già hẳn bởi bản thân ông phải chống chọi với bệnh suy thận hơn 9 năm nay. Ông có 4 người con, vợ ông mất cách đây 3 năm. Con cái của ông kẻ Bắc, người Nam đi làm thuê, làm mướn để mỗi tháng gửi tiền về cho ông chữa bệnh.

Căn bệnh suy thận độ 4 đã khiến tai ông bị ù nên nghe không còn được rõ, làn da của ông Vinh đã đen đi thấy rõ. Những "cầu nối" là vị trí chuyền máu nổi đầy trên cánh tay nhăn nheo già nua của người đàn ông 58 tuổi. Đây cũng là tình trạng chung của những người chạy thận giai đoạn cuối.

Hơn 1 tháng trở lại đây, bệnh trở chứng nặng thêm nên ông Vinh không thể về nhà. “Tôi nôn nhiều, ăn vào chừng nào lại nôn ra ngần ấy, chắc cũng gần về chầu trời rồi”, ông Vinh nói đến cái chết đang chờ đợi mình một cách thản nhiên. Bởi ông biết, như bao người đang trú trong ngôi nhà này, đã đến ở “xóm chạy thận” đều xác định sẽ chết, chỉ là nó xảy ra sớm hay muộn hơn mà thôi.

Những quả cầu nối FAV - là nơi chuyền máu đã nổi đầy lên cánh tay nhăn nheo già nua của người đàn ông 58 tuổi. Ảnh: TT
Những cầu nối FAV - là nơi chuyền máu đã nổi đầy lên cánh tay nhăn nheo già nua của người đàn ông 58 tuổi. Ảnh: TT

“Xóm chạy thận” đã có không biết bao nhiêu người đến ở, và ra đi...vĩnh viễn. Nhưng ở đây chủ yếu vẫn là người già, người ở xa xôi từ các huyện, người có hoàn cảnh gia đình khó khăn đến thuê trọ. Thời điểm hiện tại, "xóm chạy thận" có 10 bệnh nhân đều đang trong bệnh trạng giai đoạn cuối ở trọ. Bà Đào Thị Nguyên (xã Sơn Hải, Quỳnh Lưu) là bệnh nhân cao tuổi nhất tại “xóm chạy thận”. Năm nay 87 tuổi, sức không còn được bao nhiêu nhưng bà Nguyên phải chống chọi với căn bệnh suy thận gần 8 năm nay.

“Mắt mờ, tai điếc, sau 4 tiếng chạy thận từ viện trở về, mẹ tôi hết ngồi lại nằm, miệng lẩm bẩm những gì không ai nghe rõ. Và bà không ngớt dùng tay bấu liên tục vào những móng chân của mình, ai vào ra trong phòng đều không làm bà để ý”, chị Thái Thị Hợi - con gái bà Nguyên vừa quệt nước mắt vừa kể về người mẹ già bệnh tật của mình. Gần 8 năm nay, chị Hợi giao hết lại việc nhà cho chồng con để vào đây chăm mẹ và không rời bà Nguyên nửa bước. Từ việc ăn uống, đi vệ sinh, cho đến đưa bà vào viện chạy thận, một tay chị Hợi làm hết.

Bà Đào Thị Nguyên (xã Sơn Hải, Quỳnh Lưu) là bệnh nhân cao tuổi nhất đang trú tại “xóm chạy thận”. Ảnh: TC
Bà Đào Thị Nguyên (xã Sơn Hải, Quỳnh Lưu) là bệnh nhân cao tuổi nhất đang trú tại “xóm chạy thận”. Ảnh: TC

Còn người đàn ông ít tuổi nhất, cũng là bệnh nhân chạy thận lâu năm nhất “xóm chạy thận” là anh Thái Khắc Dần đến từ xã Kỳ Tân (Tân Kỳ). Theo lời kể của các bệnh nhân khác, anh Dần là người có số phận bi ai nhất ở đây. 42 tuổi nhưng đã chạy thận hơn 13 năm ròng rã, mang trong mình trọng bệnh nên anh Dần chưa bao giờ nghĩ đến chuyện yêu đương, lấy vợ. Anh chỉ còn mẹ già 90 tuổi đang ở quê và bà cũng đang bị bệnh ung thư phổi. Mỗi tháng tiền thuốc, sinh hoạt...phải chi ra gần 5 triệu đồng thì may ra anh chỉ có được một vài triệu từ người thân mang cho.

Anh Dần thích chơi đàn ghi-ta và thổi sáo, nhưng lâu lắm rồi anh không màng đến những vật dụng ấy. Anh vẫn đùa, “đàn sáo là vợ tôi”, nên lúc nào buồn anh mới mang ra gảy. Trước đó, anh Dần ở trọ cùng 2 bệnh nhân, nhưng 2 người bạn ấy đã qua đời cách đây mấy ngày. Anh Dần vừa châm điếu thuốc lá vừa kể: “Từ ngày Quyền và Quế (bạn chạy thận trọ cùng phòng anh Dần) mất đi, căn phòng này trở nên lạnh lẽo, trống trải vô cùng. Đêm đến lạnh ngắt!” Kể từ khi mất đi 2 người bạn, anh Dần mang từ quê xuống một chú chó cỏ để bầu bạn. Anh thân thiết với nó lắm, đi đâu cũng mang theo.

Có chị Hải đến thăm, trông anh Dần vui vẻ hẳn dù ngoài miệng không nói ra. Ảnh: TC
Có chị Hải đến thăm, trông anh Dần vui vẻ hẳn dù ngoài miệng không nói ra. Ảnh: TC

Những ngày cuối đời chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo, với anh Dần, cuộc sống ý nghĩa hơn khi có chị Nguyễn Thị Hải (áo tím) bầu bạn. Chị Hải người Hà Tĩnh, sang Nghệ An trọ tại “xóm chạy thận” hơn 6 năm qua. Thời gian gần đây, Hà Tĩnh đã có máy chạy thận nên chị Hải ở lại quê để chữa bệnh. Nhưng thỉnh thoảng, chị vẫn ra đây thăm anh Dần, khi mang cho anh chục trứng gà, lúc thì vài lốc sữa tươi.

Sau những lần chạy thận mệt mỏi từ bệnh viện trở về, “xóm chạy thận” ai nấy đều nằm bệt trên giường của mình. Nhưng cũng có khi “xóm chạy thận” sum vầy bên nhau trước sảnh tầng 1 để trò chuyện cho vơi bớt đi nỗi buồn. Buồn vì xa người thân, buồn vì biết “đã đến đây là hết đường về nhà”. Họ không đủ sức lực để làm bất cứ việc gì. Bởi một cánh tay đã lắp quả cầu lọc vào bên trong, nếu sơ ý làm vỡ sẽ khiến việc chạy thận ngưng trệ, ảnh hưởng đến việc lọc máu trong cơ thể mình.

Sau những lần chạy thận mệt mỏi từ bệnh viện trở về, “xóm chạy thận” cũng có lúc sum vầy trước sảnh tầng 1 để trò chuyện. Những câu chuyện cũng có lúc khiến họ bật ra tiếng cười...  Ảnh: TC.
Sau những lần chạy thận mệt mỏi từ bệnh viện trở về, “xóm chạy thận” cũng có lúc sum vầy trước sảnh tầng 1 để trò chuyện. Những câu chuyện cũng có lúc khiến họ bật ra tiếng cười... Ảnh: TC.

Mỗi bệnh nhân chạy thận ở “xóm chạy thận” chỉ mong rằng, lúc nhắm mắt xuôi tay được gặp những người thân trong gia đình mình. Bởi họ biết, cái chết đến với mình chỉ trong gang tấc mà thôi...

Chạy thậnđược coi là một phương pháp giúp điều trị bệnh thận khi chức năng của thận bị suy giảm nghiêm trọng, không còn khả năng bài tiết nước tiểu và lọc máu. Người bịsuy thậngiai đoạn cuối, lúc này chức năng của thận đã bị suy giảm từ 85 đến 90%, chạy thận chính là giải pháp giúp người bệnh giảm triệu chứng và phục hồi hoạt động của thận.

Với trường hợp bệnh nhân bị suy thận cấp tính, phương pháp lọc máu chỉ cần thực hiện trong thời gian ngắn để sức khỏe và thận cải thiện thì có thể dừng lại. Với bệnh nhân bị suy thận mãn tính hoặc suy thận giai đoạn cuối, thận khó lòng có thể hồi phục chức năng như trước. Do đó, bệnh nhân cần phải đến bệnh viện lọc máu theo định kỳ đến suốt đời. Trường hợp suy thận giai đoạn cuối, lúc này bệnh nhân cần phải tiến hành lọc máu theo định kỳ suốt phần đời còn lại, nhưng nếu được ghép thận thì sẽ không cần phải thực hiện nữa.

Để giúp bệnh tình tiến triển tốt hơn và giảm số lần chạy thận, bệnh nhân cần phải tuân thủ một chế độ dinh dưỡng khoa học, năng vận động thể dục nhẹ nhàng ở mức vừa phải, dành ra thời gian để nghỉ ngơi, sống lạc quan, thoải mái hoặc có thể tìm đến một số loại thảo dược tự nhiên.

Ở Việt Nam, một lần chạy thận nhân tạo hết 500 ngàn đồng. Một tuần chạy thận nhân tạo 3 lần, đồng thời cần cho người bệnh uống một số thuốc bổ sung như: thuốc chống thiếu máu, thuốc hạ huyết áp, các loại vitamin...


Thành Cường - Thiên Thiên

TIN LIÊN QUAN