Tướng Cương: Sau căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên là đối đầu Mỹ-Trung
(Baonghean) - Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) mà Mỹ và Hàn Quốc đã bắt đầu triển khai phải chăng là mồi lửa châm ngòi cho căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên leo thang đến ngưỡng khác thường?
Những phân tích của PGS. TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học, Bộ Công An gợi mở cái nhìn sâu hơn về vấn đề này.
Người đàn ông đứng nhìn cửa hàng Lotte Mart đóng cửa tại Trung Quốc sáng ngày 7/3. Ảnh: Getty. |
P.V: Thưa Thiếu tướng, vấn đề Triều Tiên vốn không mới, bởi hàng chục năm nay đã thường trực trạng thái căng thẳng. Lần này, dư luận quốc tế cho rằng điểm nóng này đang trở nên khác thường. Thiếu tướng có đồng ý với nhận định đó hay không và vì sao?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Đúng thế, Bán đảo Triều Tiên bấy nay luôn nóng, bởi tồn tại căng thẳng, đối đầu trực diện giữa Bình Nhưỡng với Seoul, ấy là chưa kể đến trạng thái đối đầu với Tokyo hay Washington.
Triều Tiên đã tiến hành không ít cuộc thử nghiệm bom nguyên tử và tên lửa đạn đạo, cũng không ít lần bị Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc ra nghị quyết cấm thử hạt nhân hay tên lửa đạn đạo. Riêng với Trung Quốc - vốn được xem là đồng minh thân cận bậc nhất của Triều Tiên, 6 lần ủng hộ 6 nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc cho thấy quốc gia này cũng ủng hộ phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.
Mới đây nhất, Triều Tiên đã lần lượt phóng 4 tên lửa đạn đạo tầm trung, 3 trong số đó rơi trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Điểm khác trong diễn biến lần này nằm ở quyết định của Mỹ-Hàn về việc triển khai THAAD tại Hàn Quốc và thực tế, Mỹ đã chuyển một phần máy móc, thiết bị quân sự tới lãnh thổ đồng minh.
Đáng chú ý, không chỉ Triều Tiên mà cả Trung Quốc cũng phản ứng mạnh trước động thái này, đẩy căng thẳng vượt ra ngoài phạm vi Bán đảo Triều Tiên, ẩn chứa màn đối đầu Mỹ-Trung, hay đúng hơn là tam giác Mỹ-Nhật-Hàn với Trung Quốc. Đó chính là điểm khác thường lần này, lý giải cho sự quan tâm lớn của dư luận những ngày gần đây.
P.V: Có thể lý giải như thế nào về phản ứng dữ dội của Trung Quốc trước việc Mỹ-Hàn thiết lập THAAD, thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Mỹ-Hàn tuyên bố triển khai THAAD là nhằm chủ động phòng ngừa, đối phó với những động thái khiêu khích của Triều Tiên (phóng tên lửa đạn đạo, thử hạt nhân,…). Nhưng Trung Quốc không tin vào cách giải thích “bề nổi” đó, bởi theo họ, THAAD với hệ thống ra đa cực mạnh có khả năng theo dõi cả những hệ thống tên lửa xuyên lục địa của Trung Quốc ở vùng Đông Bắc nước này.
Theo quan điểm của Bắc Kinh, THAAD có khả năng bao trùm vùng lãnh thổ rộng lớn của họ. Vì lẽ đó, họ quan ngại THAAD không chỉ để đối phó với Triều Tiên, mà còn đe dọa đến an ninh của Trung Quốc và làm lệch cán cân sức mạnh quân sự tại Đông Bắc Á.
Họ phản đối quyết liệt, không những thông qua kênh ngoại giao, mà còn có những động thái cụ thể “đánh” vào lĩnh vực kinh tế. Đó là việc không khuyến khích người dân Trung Quốc sang Hàn Quốc du lịch, đình chỉ dự án mở rộng kinh doanh trị giá tỷ USD của Tập đoàn Lotte tại nước này, thậm chí người dân Trung Quốc đã manh nha ý định tẩy chay sản phẩm nhập khẩu từ xứ kim chi.
P.V: Vừa qua, không ít người nghĩ rằng vụ thử tên lửa của Triều Tiên là “phép thử” dành cho chính quyền mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Liệu điều đó có chính xác? Thiếu tướng có thể bình luận sâu hơn về quan điểm này không?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Quan điểm này cũng có lý riêng của nó. Phóng tên lửa thì rõ ràng rất tốn kém, đơn cử như 4 quả tên lửa mới nhất Triều Tiên phóng đi, mỗi quả cũng “có giá” 5-10 triệu USD. Vì thế, tất yếu họ không thể phóng “chơi”, mà phải cân nhắc mỗi quả tên lửa bắn đi phục vụ động cơ gì.
Triều Tiên tuyên bố, họ làm vậy để đáp trả, răn đe cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn, nhưng không loại trừ khả năng qua đó, Bình Nhưỡng muốn ngầm thăm dò phản ứng của Trump.
P.V: Căn cứ vào những diễn biến vừa qua, người ta cũng đoán già đoán non rằng “tân quan, tân chính sách”, Trump sẽ có đường hướng hoàn toàn khác người tiền nhiệm Barack Obama đối với Triều Tiên. Thiếu tướng nghĩ thế nào về điều này?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Trong chặng tranh cử cũng như khi đã trở thành tổng thống Mỹ, Trump đã có nhiều tuyên bố được đánh giá là khá cứng rắn đối với Triều Tiên. Với quan điểm kiên quyết yêu cầu Bình Nhưỡng chấm dứt chương trình hạt nhân trên Bán đảo, thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, ý đồ của ông Trump là gây sức ép mạnh mẽ với Trung Quốc để Trung Quốc tác động đến Triều Tiên.
Tuy nhiên, trên thực tế, dường như Trump không giấu được sự lúng túng đối với vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên. Bởi, thực chất trong tay ông không có nhiều “con bài” để tung ra ứng phó.
Về chính sách đối ngoại với Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên hay Nhật Bản, đến thời điểm này, cơ bản Trump chưa cho thấy điểm khác biệt của mình với người tiền nhiệm. Cho nên, tuyên bố sẽ giải quyết dứt điểm vấn đề Triều Tiên của Trump có vẻ khó hiện thực hóa, con đường duy nhất để tìm lối thoát cũng sẽ chỉ là thông qua đàm phán, thương lượng mà thôi.
Một bệ phóng thuộc hệ thống THAAD được chuyển xuống từ máy bay vận tải tại căn cứ không quân Osan, Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap. |
P.V: Chắc chắn mối quan tâm hàng đầu hiện nay xoay quanh chủ đề này là tương lai nào cho vấn đề Triều Tiên. Theo Thiếu tướng, Mỹ-Hàn có chấp nhận từ bỏ hay hoãn triển khai THAAD tại Hàn Quốc không? Thiếu tướng có thể chia sẻ dự báo của bản thân về khả năng giải quyết vấn đề tên lửa đạn đạo và hạt nhân trong thời gian tới?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Trung Quốc rồi đây dự báo sẽ còn tiếp tục phản ứng dữ dội, và nếu Mỹ-Hàn hoàn tất triển khai THAAD, đe dọa đến an ninh của Trung Quốc, làm lệch cấu trúc quân sự hiện nay ở Đông Bắc Á thì họ sẽ đáp trả và tuyên bố trách nhiệm đó Mỹ-Hàn phải gánh lấy.
Hiện chưa thể biết Trung Quốc sẽ đáp trả như thế nào, nhưng có thể nói rằng Mỹ và Hàn Quốc trước phản ứng dữ dội của Bắc Kinh cũng sẽ không dừng lại, chắc chắn tiếp tục kiên định triển khai THAAD. Khi đó, căng thẳng hiện hữu trên Bán đảo Triều Tiên lại rơi vào vòng xoáy lớn.
Nhìn tổng thể, vấn đề Triều Tiên vẫn là điểm nóng nan giải nhất hiện nay trên thế giới, bởi thực chất sau đó là cuộc đối đầu Trung-Mỹ. Màn so găng ngấm ngầm hay trực diện giữa một bên là Trung-Triều, bên kia là Mỹ-Nhật-Hàn sẽ có kết quả là 1 trong 3 kịch bản: Một là, bảo lưu căng thẳng như hiện tại, song vẫn trong tầm kiềm chế, kiểm soát; hai là, Triều Tiên chấm dứt chương trình hạt nhân và tên lửa, thực hiện nghiêm chỉnh nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc; và ba là, xảy ra chiến tranh không loại trừ khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân.
Từ góc độ nghiên cứu cá nhân, tôi cho rằng kịch bản thứ hai không khả thi, Triều Tiên chưa và sẽ không bao giờ thực sự từ bỏ chương trình hạt nhân của họ. Chiến tranh tiềm ẩn nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân cũng có xác suất rất nhỏ, tối thiểu là trong tương lai gần - dưới thời tại nhiệm của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Như vậy, khả năng cao nhất là Bán đảo đầy sóng gió này vẫn tiếp tục căng thẳng thường xuyên, xen kẽ là các đối thoại, trao đổi song phương, đa phương, và vòng tròn căng thẳng - đối thoại - căng thẳng cứ thế tái diễn trong những năm tiếp theo.
P.V: Trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!
Thu Giang
(Thực hiện)