Hoãn họp để phòng chống dịch cúm gia cầm

02/03/2017 17:32

(Baonghean.vn)- Dịch cúm gia cầm đang diễn biến phức tạp, các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân tăng cường các giải pháp bảo vệ chăn nuôi và sử dụng sản phẩm gia cầm đã qua kiểm dịch.

Để bảo vệ an toàn cho 2,8 triệu con gà, vịt hiện có, huyện Yên Thành đang tập trung các giải pháp cấp bách, chủ động trong công tác phòng, chống dịch.

Ban thú y các xã hướng dẫn cho các gia trại thường xuyên theo dõi biến động tổng đàn, tăng sức đề kháng cho vật nuôi bằng cách tăng thêm khẩu phần dinh dưỡng; tuyệt đối không chăn thả vịt chạy đồng nhằm hạn chế tối đa về nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Gia trại chăn nuôi gà của gia đình anh Phan Văn Tuấn, xã Vĩnh Thành được phun tiêu độc khử trùng theo định kỳ bằng hóa chất Han-Iodine. Ảnh Thái Dương
Gia trại chăn nuôi gà của gia đình anh Phan Văn Tuấn, xã Vĩnh Thành được phun tiêu độc khử trùng theo định kỳ bằng hóa chất Han-Iodine. Ảnh Thái Dương

Yên Thành là huyện có số lượng gia cầm và thủy cầm nhiều, phần lớn được nuôi tập trung ở các trang trại, gia trại. Trước tình hình dịch bệnh và thời tiết đang diễn biến phức tạp, đặc biệt đây là thời điểm người chăn nuôi tái đàn ồ ạt, khó kiểm soát số gà, vịt mới nuôi chưa được tiêm phòng các loại vắc - xin phòng dịch, do đó nguy cơ xảy ra dịch bệnh ở mức cao.

Để chủ động đối phó với các loại dịch bệnh, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, các quy định của Luật Thú y để nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Trạm Chăn nuôi thú y huyện đã cấp 750 lít hóa chất Han-Iodine cho 39 xã, thị trấn để phun đều trên diện tích 1,5 triệu m2, trong đó ưu tiên cho những trang trại, gia trại chăn nuôi, khu vực chợ và những xóm có nhiều nguy cơ, tiềm ẩn mầm bệnh nhằm diệt khuẩn các loại Virus cúm gà, Newcastle, Gumboro, dịch tả lợn, dịch tả vịt, LMLM... để bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi.

Còn tại Thanh Chương, nhiều xã đồng loạt triển khai việc phun hóa chất tiêu độc khử trùng tại tất cả cả các chuồng trại, khu vực chăn nuôi và nhà ở.

Huyện Thanh Chương tổ chức phun hóa chất phòng chống dịch cúm diện rộng. Ảnh Đình Hà
Huyện Thanh Chương tổ chức phun hóa chất phòng chống dịch cúm diện rộng. Ảnh Đình Hà

Theo ông Đào Quang Biên- Trưởng Trạm thú ý huyện Thanh Chương, huyện riển khai đồng loạt. Hiện các xã đã nhận đủ 750 lít hóa chất để triển khai phun cho trên 1, 5 triệu m2 chuồng trại, chợ và các khu vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ xuất hiện dịch. Theo đó sẽ ưu tiên trước hết cho các xã vùng giáp biên với tỉnh Hà Tĩnh, với huyện Đô Lương là nơi đang có dịch, ưu tiên tiếp theo cho 12 điểm có ổ dịch cũ như xã Thanh Chi.

Ông Nguyễn Duy Minh- Bí thư Đảng ủy xã Thanh Chi cho biết: "Mặc dù nhiều công việc bận rộn nhưng thực hiện công điện và kế hoạch của UBND huyện về “tập trung triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Cúm gia cầm” cấp ủy chính quyền xã đã hoãn một số chuộc họp chưa cần thiết, tranh thủ thời gian chỉ đạo phun thuốc khử trùng và tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về tầm quan trong của chiến dịch và tác hại của dịch cúm gia cầm".

Những ngày qua, lãnh đạo huyện Thanh Chương đã trực tiếp kiểm tra tại các xã để đôn đốc chỉ đạo công tác phòng chống dịch cúm gia cầm. Ông Lê Đình Thanh - P. Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Các thành viên ban chỉ đạo cấp huyện xuống tận cơ sở thôn xóm đôn đốc, cùng đó, chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật lực để ứng phó khẩn cấp khi có dịch xảy ra”.

Thái Dương - Trần Đình Hà

* Dưới đây là ý kiến các tiểu thương, hộ chăn nuôi và cơ quan chức năng xung quanh thực tế công tác phòng chống dịch cúm gia cầm.

Chị Trần Thị Lan ở xóm 3, Kỳ Tân, Tân Kỳ. Ảnh: Phương Thuý
Chị Trần Thị Lan ở xóm 3, Kỳ Tân, Tân Kỳ. Ảnh: Phương Thuý

Chị Trần Thị Lan - xóm 3, Kỳ Tân, Tân Kỳ - tiểu thương chuyên bán gà:

"Từ lúc có tin dịch cúm gia cầm, gia đình tôi rất lo sợ vì không bán được gà, cả nguồn sống chỉ dựa vào đây. Tuy nhiên, giá gà từ đợt tết đến bây giờ vẫn không tăng cũng như không giảm. Gà có giá dao động từ 100.000 đồng – 110.000 đồng/kg, nếu khách có nhu cầu làm sạch gà luôn có giá 7000 – 10.000 đồng/con.

Để phòng tránh các dịch bệnh về gia cầm cũng như đảm bảo sức khỏe cho mình, tôi thường sử dụng găng tay, khẩu trang, giày cao su... nhằm tránh tiếp xúc trực tiếp với gia cầm. Ngoài ra, sau khi giết mổ gà, tôi còn phải sát trùng tay chân để đảm bảo vệ sinh môi trường cũng như vệ sinh cá nhân sạch sẽ.

Tuy vậy, đôi lúc lo mải làm nên quên đeo khẩu trang. Nhiều lúc cũng thấy đáng lo lắng nhưng rồi công việc cứ trôi đi ngày này qua ngày khác...".

Phương Thuý

tân
Chị Nguyễn Thị Tân ở xóm 10, xã Quỳnh Vinh (Thị xã Hoàng Mai). Ảnh: N. Sơn

Chị Nguyễn Thị Tân - xóm 10, xã Quỳnh Vinh (Thị xã Hoàng Mai):

"Gia đình tôi thường xuyên nuôi khoảng 200 con gà đẻ lấy trứng. Sau khi gà đẻ vài lứa thì chúng tôi bán và gây lại đàn. Mỗi lần như thế tôi đưa gà giống về nuôi nhưng không biết rõ về nguồn giống đó có được kiểm dịch hay không (?).

Tuy nhiên trong quá trình chăn nuôi, gia đình mua thuốc phòng chống dịch bệnh hòa với nước cho gà uống và thường xuyên che chắn chuồng, rải vôi bột trong và xung quanh khu vực nuôi.

Trước diễn biến của dịch cúm gia cầm, gia đình tôi cũng như nhiều hộ chăn nuôi khác thực sự lo lắng nhưng qui trình nuôi gà thì gia đình vẫn đang làm theo cách truyền thống như trên".

Nguyên Sơn


Chị Nguyễn Thị Tân ở xóm 10, xã Quỳnh Vinh (Thị xã Hoàng Mai).
Ông Cao Đức Bông – Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Thành. Ảnh Mai Giang

Ông Cao Đức Bông – Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Thành (Diễn Châu):

"Hiện nay toàn xã có 13.000 con gia cầm, 1100 con gia súc, chỉ có 3 gia trại chăn nuôi từ 300 – 500 con, còn lại khoảng 1500 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tại nhà. Tuy trên địa bàn dịch cúm gia cầm H5N1 đã xảy ra trên địa bàn 4 xã nhưng tình hình chăn nuôi ở Diễn Thành vẫn ổn định.

Ngày 27/2 chúng tôi đã chủ động trích ngân sách mua 5.000 liều vắc xin đưa về tận hộ chăn nuôi và hỗ trợ triền công thuê người cùng với ban thú y tiêm cho đàn gia cầm. Đến nay đã tiêm được 6/11 xóm và hoàn thành trong ngày 2/3.

Chúng tôi đã ký cam kết với 12 hộ kinh doanh buôn bán giết mổ tại chợ Phủ Diễn không kinh doanh, buôn bán, giết mổ gia cầm ốm, không đảm bảo vệ sinh toan thực phẩm; đồng thời cũng chuẩn bị các phương án, nhân vật lực sẵn sàng ứng phó khi dịch xảy ra trên địa bàn".

Mai Giang

Ông Đặng Văn Minh, phó Chi cục Chăn nuôi, thú y tỉnh. Ảnh Phú Hương
Ông Đặng Văn Minh - Phó Chi cục Chăn nuôi, thú y tỉnh. Ảnh Phú Hương

Ông Đặng Văn Minh - Phó Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Nghệ An:

Vi rút cúm A/H7N9 được xác định có nguồn gốc từ gia cầm nhưng chưa gây bệnh lâm sàng cho gia cầm, đây là loại vi rút lây truyền từ gia cầm sang người, gây bệnh cho người và tỷ lệ tử vong rất cao.

Vi rút cúm A/H7N9 có phương thức tồn tại và lây truyền giống vi rút cúm A/H5N1, thường được phát hiện tại những nơi tập trung gia cầm bao gồm cả chợ buôn bán gia cầm sống có phương thức quản lý kém. Đồng thời, loại vi rút này cũng có phương thức tồn tại và lây truyền giống vi rút cúm A/H9N2.

Đường bài thải vi rút chính là thông qua vùng hầu họng; vi rút có bộ gen nội của vi rút cúm A/H9N2; có điểm thụ cảm liên kết đặc trưng như vi rút cúm A/H9N2 ở gia cầm tại Trung Quốc,.. Điều này cho thấy nó có thể có nhiều đặc tính tương tự như loại vi rút cúm A/H9N2, nguy cơ có thể lan rộng trong gia cầm ở Trung Quốc trong tương lai.

Tuy nhiên, điều nguy hiểm là trên gia cầm nhiễm cúm A/ H7N9 lại không có dấu hiệu để nhận biết, đàn gia cầm mắc bệnh vẫn khoẻ mạnh dù đã mang vi rút cúm gia cầm, rất khó để nhận biết và xử lý. Vì thế, để phòng chống bệnh cúm A/H7N9, người chăn nuôi chỉ nên mua gia cầm giống tại các cơ sở sản xuất giống uy tín, nguồn gốc rõ ràng, đã qua kiểm dịch của lực lượng thú y; người tiêu dùng chỉ mua gia cầm, sản phẩm gia cầm có nguồn gốc rõ ràng, đã được kiểm dịch để sử dụng làm thực phẩm.

» Nguyễn Đình Thục – 'ngựa đã quen đường cũ'

» Linh mục Nguyễn Đình Thục kích động giáo dân

Phú Hương

TIN LIÊN QUAN