Đến bao giờ xã hội chỉ dùng… cốc có vòi?

30/01/2017 08:07

(Baonghean.vn) - Được tham gia một chuyến du lịch hơn một tuần ở Malaysia và Singapore, dấu ấn sâu đậm nhất trong tôi là hình ảnh một xã hội gần như không có người sử dụng bia rượu.

Nước giải khát là thức uống rất phổ biến ở Singapore, Malaysia. Ảnh Internet
Nước giải khát là thức uống rất phổ biến ở Singapore, Malaysia. Ảnh Internet

Chuyến đi khởi hành vào tháng Giêng, nhưng ở cả hai nước mà chúng tôi đến thời tiết đều khá nóng nực. Như thường lệ ở Vinh, cứ trời nóng là chúng tôi rủ nhau đi uống bia lạnh, nên nhiều thành viên trong đoàn khi máy bay vừa hạ cánh, sau khi nhập cảnh nước bạn là đã lên kế hoạch kéo nhau đi uống bia.

Vậy nhưng từ ngày đầu đến ngày cuối, các kế hoạch bia rượu và các cuộc tìm kiếm quán nhậu của chúng tôi đều thất bại.

Chúng tôi hỏi người hướng dẫn viên du lịch thì được biết rằng ở đây vẫn có nơi bán bia rượu, nhưng quá ít. Và, giá bia rượu ở đây không phải là đắt, mà phải gọi là quá đắt. Khi hỏi giá rượu tại các bar, các nhà hàng có giấy phép, được biết mỗi cốc bia giá bằng khoảng một két bia cùng loại ở Việt Nam, mỗi chai rượu giá bằng khoảng một két rượu cùng loại có bán ở Việt Nam, thì chúng tôi đều ngậm ngùi ra về.

Vì chúng tôi chắc không chỉ uống dăm ba cốc, mà có khi lai rai hàng chục cốc, nhất là trong cảnh đi du lịch thời gian và tư tưởng đều thoải mái, thì biết uống khi nào cho đả cơn khát. Nếu thế thì chắc không tiền nào mà trả cho hết. Thế nên, những “thần cồn” trong đoàn đều đành phải làm người… nghiêm túc và tiết kiệm một cách bất đắc dĩ (!)

Ở Malaysia hay Singapore, những nơi công cộng hoàn toàn không có cảnh quán xá bày bán bia rượu tràn lan, ồn ả và nồng nặc. Đi bất cứ đâu, nếu thấy người ngồi uống nước thì trước mặt bao giờ cũng là một cái cốc có vòi. Một người cũng vậy, mà dù năm hay mười người, hoặc nhiều hơn nữa, cùng chỉ mỗi người ngồi trước một cái cốc có vòi. Do thời tiết nóng nên người dân ngồi mát ở các điểm du lịch, ăn uống khá nhiều, tuy nhiên đồ uống gần như chỉ tồn tại mỗi nước giải khát.

Dùng nước giải khát thay thế cho bia rượu là điều nhiều người nghĩ đến sau khi đi Singapore, Malaysia. Ảnh Internet
Dùng nước giải khát thay thế cho bia rượu là điều nhiều người nghĩ đến sau khi đi Singapore, Malaysia. Ảnh Internet

Gần như tất cả người dân, khách du lịch đều chỉ dùng… nước giải khát không có cồn, mà thông dụng là các loại pepsi, 7up, cocacola, các loại nước hoa quả… Trong khi, ở TP Vinh nói riêng hay ở Việt Nam nói chung, hiếm thấy cảnh đàn ông ngồi túm tụm với nhau chỉ để uống… nước ngọt. Vậy mà, kể cả buổi sáng, buổi trưa, hay chiều và tối, ở cả Malaysia và Singapore đều chỉ thấy dù ít hay nhiều, dù nam hay nữ, tất cả họ nếu dùng cốc có vòi – tức là chỉ uống nước giải khát.

Người hướng dẫn du lịch của đoàn cho biết, có một số nguyên nhân mà bia rượu ở 2 nước này không tràn lan. Ở Malaysia và Singapore đều có người theo đạo Hồi, và truyền thống của người Hồi giáo là không sử dụng bia rượu. Ở Malaysia người Hội giáo có tỷ lệ lớn, do đó phần đông đã không có nhu cầu bia rượu.

Luật pháp và thực tế quản lý của các nước này về mua bán và sử dụng rượu ở đây hết sức nghiêm ngặt. Không phải nhà hàng nào cũng được kinh doanh bia rượu. Muốn kinh doanh bia rượu phải có giấy phép riêng. Và chỉ những nơi có giấy phép kinh doanh bia rượu thì khách hàng mới được sử dụng bia rượu. Ngay cả nếu khách hang mang theo bia rượu vào nhà hàng không có giấy phép kinh doanh và sử dụng rượu thì cũng không được sử dụng.

Cùng với đó là giá rượu quá cao. Người du lịch cho biết gần như chỉ những thương gia, tầng lớp thượng lưu, những người… tiêu tiền như nước, thì mới có thể vào các quầy bar, các nơi có thể cho phép sử dụng rượu.

Điều này, có vẻ như khác rất nhiều ở Việt Nam. Ở ta, có lẽ bất cứ người nào cũng có thể uống bia rượu. Thậm chí người lao động thu nhập thấp ở Việt Nam có xu hướng say bia rượu càng nhiều. Cũng dễ hiểu, là ngay cả người nghèo đến đâu, cũng có thể say đứ đừ chỉ với chưa đầy 20.000 tiền rượu nấu, và có thể mua bất cứ ở đâu.

Suốt hơn một tuần đi nhiều nơi ở Malaysia và Singapore mà không hề thấy bất cứ một vụ tai nạn giao thông, vụ đụng xe nào. Dù người tham gia giao thông với lưu lượng lớn và tốc độ khá cao.

Lúc này, chúng tôi đã trao đổi với nhau khá nhiều chuyện về một cuộc sống không bia rượu. Thực sự, mỗi người đều bắt đầu suy nghĩ đến một cuộc sống khác, một cuộc sống với những viễn ảnh tốt đẹp khi không liên quan và phụ thuộc vào bia rượu.

Và nhận thấy, một xã hội không có người “có chén”, không có người “quá chén”, chắc chắn trật tự xã hội, an ninh trật tự đều tốt hơn. Không những thế, sức khỏe – vốn quý của con người, chắc chắn tốt hơn rất nhiều. Khi đó, sẽ không còn cảnh bị uống, bị ép phải cố uống, thậm chí không còn cảnh lấy sự uống làm một thước đo cho thái độ, cho sự nhiệt tình, tận tình…

Đã có lúc, tôi đau đáu hỏi, cả Singapore và Malaysia đều rất gần Việt Nam, nhưng với họ xã hội không bia rượu đã thành hiện thực. Còn với Việt Nam, xã hội không bia rượu vẫn chỉ đang là một viễn cảnh. Thậm chí, có thể nó mãi mãi chỉ là một giấc mơ. Đó là giấc mơ về một xã hội chỉ có người ngồi trước cốc có vòi, không có người ngồi trước cốc có cồn, chén có cồn!

Chí Linh Sơn

TIN LIÊN QUAN